Thứ tư, 15/1/2025
Thứ hai, 23/12/2013, 08:18 (GMT+7)

10 hồ nước có vẻ đẹp 'chết người'

Những hồ tử thần xuất hiện khắp nơi trên thế giới như minh chứng cho sức mạnh hủy diệt lặng lẽ của tự nhiên. Nếu chỉ chiêm ngưỡng qua ảnh, chúng ta không thể biết dưới làn nước trong xanh nhường ấy lại là cái chết.

Hồ Karachay, Nga

Karachay được đánh giá là hồ ô nhiễm nhất trái đất. Đằng sau vẻ đẹp nên thơ của nó là một lượng lớn rác thải hạt nhân. Khối phóng xạ trên hồ đủ làm một người lớn tử vong trong vòng một tiếng. Năm 1968, lượng mù trên và quanh hồ đã khiến một triệu cư dân nhiễm xạ, 7.000 cư dân khác buộc phải sơ tán khỏi khu vực.

Hồ Mono, Mỹ

Trước thập niên 1940, Mono vẫn là một hồ “sạch”. Thế nhưng mọi chuyện đã đổi khác khi thành phố Los Angles quyết định chuyển dòng phụ lưu của nó nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước. Mono lập tức biến thành một trong những hồ nước lâu đời tại Bắc Mỹ bị “ô nhiễm hóa” nhanh nhất do clorua, cacbonat và sunfat ứ đọng.

Hồ Mount Rainier, Mỹ

Đây là hồ nước nằm bên một miệng núi lửa quanh năm tuyết phủ. Ta chỉ có thể đến đó qua những hang ngầm chết chóc. Chỉ trong khoảng 70 dặm tính từ Seattle, lượng khí ga tích tụ nơi đây đã đe dọa giết chết 100.000 người. Nước trong miệng núi lửa và trên hồ tạo ra axit sunfuric ăn dần vào lớp đá núi, bởi vậy đá quanh hồ dễ dàng bị vỡ vụn.

Hồ Yellowstone, Mỹ

Hồ Yellowstone nằm trong công viên Quốc gia Yellowstone, Mỹ - một khu vực núi lửa vẫn còn hoạt động. Đây là địa điểm thích hợp cho các gia đình cắm trại vào dịp cuối tuần, trừ phi... núi lửa bất ngờ thức giấc.

Hồ Móng Ngựa, Mỹ

Dường như Mỹ là quốc gia có hàng loạt hồ nước tử thần. Hồ Móng Ngựa gần thị trấn Mammoth Lakes, California được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”. Lượng CO2 trong khu vực này cao gấp 95 lần lượng thông thường tồn tại trong đất. Khi người ta thử đào một cái lỗ và nhóm lửa trong đó, ngọn lửa lập tức lụi đi.

Hồ Kivu, Cộng hòa Rwanda

Ít ai ngờ một hồ nước có khung cảnh hữu tình như Kivu lại ẩn chứa lượng khí metan và CO2 dồi dào, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Khí CO2 sẽ khiến cư dân các vùng lân cận ngạt thở, thậm chí có khả năng gây rung chấn, sóng thần.

Hồ Monoun, Cameroon

Hồ Monoun hội đủ ba yếu tố khiến khí CO2 tích thành một lượng chết người: lòng hồ sâu hơn 50 mét, nằm ở vị trí xích đạo và tọa lạc trong vùng núi lửa. Không có gì đáng ngạc nhiên khi liệt Monoun vào danh sách các hồ nước tử thần.

Hồ Nyos, Cameroon

Đất nước Cameroon còn một hồ tử thần “trứ danh” khác: hồ Nyos. Tại đây, dung nham gây rò rỉ CO2 vào trong nước, biến nó thành axit cacbonic, một chất hóa học nguy hiểm. Năm 1986, hồ Nyos từng phát nổ làm 1.700 người thiệt mạng. Điều gì sẽ xảy ra nếu hiện tượng đó xảy ra thêm lần nữa?

Hồ Sôi, Dominica

Đúng như tên gọi, Hồ Sôi ở Cộng hòa Dominica có mức thủy nhiệt khoảng 110 độC có thể giết người trong vỏn vẹn vài phút. Lòng hồ giống như một vết nứt trào ra dòng dung nham sùng sục. Việc vô ý trượt chân rơi xuống cũng đồng nghĩa với án tử hình.

Hồ Rakshastal, Tây Tạng

Tương truyền, hồ Rakshastal là lãnh địa của Lanka – vua quỷ mười đầu. Theo quan niệm của người Tây Tạng, hồ có hình dạng lưỡi liềm, tượng trưng cho đêm tối, cho thế lực hắc ám. Nước hồ độc tới mức không một loài thủy sinh nào có thể tồn tại trong lòng nó.

Thảo Nguyên (theo graffiti).

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net