Thứ bảy, 6/7/2024
Thứ tư, 9/11/2022, 09:25 (GMT+7)

10 giờ đưa 303 công dân Sri Lanka gặp nạn vào Vũng Tàu

Tàu cứu hộ SAR 413 mất 10 giờ cho hai chuyến đưa 303 công dân Sri Lanka gặp nạn trên Biển Đông vào TP Vũng Tàu, đêm 8/11.

Tàu cá Lady R3 (treo cờ Myanmar) chở 303 người xuất phát từ Myanmar nghi đến Canada khi được tàu Helios Leader (quốc tịch Nhật Bản) tiếp cận trong tình trạng nước tràn vào, trôi tự do trên vùng biển cách TP Vũng Tàu khoảng 258 hải lý (470 km) về phía đông nam, hôm 7/11.

Trên con tàu vỏ sắt dài 36 m, nhiều người mặc áo phao phòng tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, tất cả họ đã được cứu. Tàu Nhật Bản sau đó chuyển hướng đến phao số 0, cách Vũng Tàu gần 40 km để bàn giao những người gặp nạn cho Việt Nam tiếp tục giúp đỡ.

Chiều muộn 8/11, những công dân Sri Lanka đầu tiên rời tàu Helios Leader sang tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải đóng tại TP Vũng Tàu.

Ngoài tàu SAR 413, cơ quan chức năng điều động tàu Cảnh sát biển và Biên phòng mang theo sữa, bánh ngọt, nước suối phát cho người gặp nạn lót dạ. Đội ngũ y tế đi theo lên tàu khám, băng bó cho một vài người bị thương nhẹ ở chân, tay.

Nhóm người ngồi sau đuôi khi tàu SAR 413 cập cảng.

Do chỉ có tàu SAR 413 mới có thể tiếp cận tàu Nhật Bản nên việc chuyển người phải thực hiện hai chuyến. Chuyến đầu chở 155 người, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và những người bị thương. Nhiều trong số họ tỏ ra khá mệt mỏi sau một hải trình đầy sóng gió.

Đến rạng sáng 9/11, công tác cứu hộ những người gặp nạn hoàn tất.

Nhân viên cứu hộ cứu nạn bồng đứa trẻ lên bờ. Trên con tàu gặp nạn có 20 trẻ em và 19 phụ nữ và 264 đàn ông. Trong đó, có nhiều gia đình.

Một thanh niên bị thương ở chân được hai đồng hương dìu đứng trên bến cảng.

Anh V. Moganasuvanthan, 37 tuổi, cho biết ở quê anh làm nông và đã bỏ ra 4.000 USD cho môi giới để thực hiện chuyến di cư đến Canada với mong muốn sẽ có cuộc sống tốt hơn.

"Con tàu bị thủng bốn hôm trước cũng là lúc không còn thức ăn, nước uống, tôi cảm thấy rất tồi tệ", anh nói và mong muốn được hồi hương.

Cán bộ Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải ở TP Vũng Tàu chuyền tay hành lý của người bị nạn từ tàu lên cảng.

Hành trang trong chuyến đi của họ là những chiếc balô cũ kỹ đựng quần áo, đồ dùng cá nhân cho vào những túi bóng cầm tay. Một số ít có valy kéo.

Cán bộ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, kiểm đếm người và hành lý trước khi họ lên xe khách 45 chỗ đưa về nơi cư trú trong các doanh trại quân đội ở TP Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc.

Anh Kesavan, 38 tuổi, cầm điện thoại của đại diện cơ quan ngoại giao Sri Lanka, kể hành trình của mình với mọi người bằng tiếng bản địa. Kesava cho biết, quê hương có nhiều sự kiện khiến anh không thích và khao khát rời đi. Thông qua người cậu, anh được một đại lý làm hộ chiếu. Sau đó, anh cùng một số người lên xe khách được chở đến một địa điểm, rồi lên tàu Lady R3 rời cảng hôm 9/10. Chi phí cho chuyến đi là 5.000 USD.

Con tàu nhỏ, cũ kỹ, người đông đúc, điều kiện sinh hoạt không được tốt. "Khi nước tràn vào tàu, sàn bị bể, mọi người la lên. Tôi đã rất sợ chết. Bây giờ thì an toàn rồi, cám ơn các bạn đã cứu giúp và cưu mang chúng tôi", anh nói.

Sri Lanka, quốc đảo tại Ấn Độ Dương, đã rơi vào khủng hoảng tài chính suốt nhiều tháng. 22 triệu dân phải sống trong cảnh thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, nhiên liệu và thuốc men, cùng lạm phát kỷ lục và mất điện kéo dài.

Hai vợ chồng và con nhỏ ở doanh trại của Bộ đội Biên phòng. Họ được phát chăn, chiếu mới và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu khác.

Bộ đội Biên phòng đi phát túi đồ cho những công dân Sri Lanka tại điểm lưu trú trên đường Lê Lợi, phường 4, TP Vũng Tàu.

Tại nơi lưu trú, đại diện cơ quan ngoại giao Sri Lanka và đại diện của Tổ chức di cư quốc tế của Liên Hợp Quốc trấn an tinh thần, nói rằng những người gặp nạn sẽ được cung cấp đầy đủ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và được bảo vệ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, địa phương sẽ chăm sóc, lo chỗ ăn nghỉ cho họ. Sau đó, tỉnh cùng các cơ quan liên quan và đại sứ quán Sri Lanka thực hiện bước hỗ trợ tiếp theo.

Bà Lê Thị Thu Hằng, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết ngay sau khi nhận được thông tin cơ quan này đã thông báo tới Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội và đang phối hợp chặt chẽ với một số tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. "Bộ Ngoại giao đang tích cực trao đổi với các bên liên quan trên tinh thần nhân đạo, trách nhiệm và hợp tác quốc tế", bà Hằng cho biết.

305 người gặp nạn trên biển vào tới Vũng Tàu
 
 

Tàu đưa công dân Sri Lanka cập cảng dầu khí Vietsovpetro lúc 20h10 ngày 8/11. Video: Trường Hà

Trường Hà - Vũ Anh