Thứ ba, 26/11/2024
Chủ nhật, 27/9/2020, 00:39 (GMT+7)

10 gia đình giàu nhất châu Á

Theo thống kê của Bloomberg's Billionaire Index, tính đến tháng 9, tổng tài sản của 10 gia đình giàu nhất châu Á là 250 tỷ USD.

10. Gia đình Kwek (Singapore)

Tổng tài sản: 4,79 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Đa ngành

Khoảng 15 thành viên gia đình Kwek kiểm soát Tập đoàn Hong Leong, hoạt động nhiều lĩnh vực, từ khách sạn đến tài chính. Trong đó, ông Quek Leng Chan điều hành các hoạt động kinh doanh tại Malaysia của gia đình. Anh họ ông, Kwek Leng Beng, điều hành hoạt động tại Singapore. Ảnh là ông Kwek Leng Beng vào năm 2017. Nguồn: WireImage.

9. Gia đình Chearavanont (Thái Lan)

Tổng tài sản: 4,95 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Bán lẻ

Gia đình Chearavanont sở hữu Charoen Pokphand Group, tập đoàn thực phẩm, bán lẻ và viễn thông. Tập đoàn này là một trong những nhà sản xuất thức ăn gia súc và gia súc lớn nhất trên thế giới, thành lập vào năm 1921. Dhanin Chearavanont (trong ảnh) là chủ tịch cấp cao của tập đoàn. Hai con trai ông, Soopakij và Suphachai, lần lượt giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành. Tập đoàn này đã quyên góp hàng triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ Covid-19 ở Thái Lan. Ảnh: Reuters.

8. Gia đình Kadoorie (Hong Kong)

Tổng tài sản: 10,1 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Năng lượng

Gia đình Kadoorie sở hữu nhà cung cấp năng lượng lớn nhất ở Hong Kong, cấp điện cho 80% diện tích đặc khu. Michael Kadoorie (trong ảnh) là chủ tịch của CLP Holdings và một số khách sạn, bao gồm cả Peninsula Hotels. Ông là thế hệ thứ ba của gia đình Iraq gốc Do Thái lãnh đạo "đế chế" này.

Theo Bloomberg, ông và vợ sống trong một dinh thự trị giá 30 triệu USD ở Deep Water Bay sang trọng nổi tiếng của Hong Kong. Họ có chung 3 người con. Kadoorie từng chia sẻ với South China Morning Post rằng ông đang chuẩn bị cho cả ba người con tiếp quảncơ nghiệp. Ảnh: The Hong Kong and Shanghai Hotels.

7. Gia đình Lee (Hong Kong)

Tổng tài sản: 19,1 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Đa ngành

Gia đình Lee sở hữu đế chế thực phẩm và đồ uống Lee Kum Kee, hình thành vào năm 1888 khi ông Lee Kum Sheung tình cờ phát minh ra dầu hào bằng cách nấu quá chín một món súp. Công ty hiện sản xuất nhiều dầu hào hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới.

Gia đình này cũng tập trung vào các sản phẩm bổ sung sức khỏe thảo dược và bất động sản. Thậm chí, họ còn sở hữu tòa nhà Walkie-Talkie nổi tiếng của London.

Lee Man Tat (đứng giữa trong ảnh) đang giữ chức chủ tịch tập đoàn. Con trai lớn của ông, Charlie, xử lý các hoạt động hàng ngày và tất cả bốn người con khác của ông cũng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ảnh: Chen Xiaomei.

6. Gia đình Cheng (Hong Kong)

Tổng tài sản: 20,6 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Đa ngành

Gia đình Cheng kiểm soát một số tài sản béo bở, bao gồm công ty kim hoàn Chow Tai Fook có từ năm 1929 và tập đoàn bất động sản sở hữu Rosewood Hotel Group. Khoảng 10 thành viên gia đình Chen tham gia vào công việc kinh doanh. Trong đó, ông Henry Cheng (trong ảnh) là nhà sáng lập, giữ chức chủ tịch Chow Tai Fook.

Hai người con ông Henry cũng tham gia vào việc kinh doanh của gia đình. Con gái ông là Sonia đứng đầu Rosewood Hotel Group. Trong khi con trai ông Adrian là phó chủ tịch tập đoàn bất động sản sở hữu Rosewood. Cả hai đều được đào tạo tại Harvard. Ảnh: Chow Tai Fook

5. Gia đình Mistry (Ấn Độ)

Tổng tài sản: 22,6 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Công nghiệp

Pallonji Mistry (tóc bạc trong ảnh) thừa kế đế chế xây dựng từ ông nội. Forbes đã gọi ông Mistry, người Ấn Độ nhưng sống tại Ireland, là người "ẩn dật". Ông và gia đình nắm cổ phần lớn trong Tata Sons, một tập đoàn gồm 30 công ty.

Con trai nhỏ của Mistry, Cyrus trước đây là chủ tịch của Tata Sons, nhưng đã bị lật đổ vào năm 2016. Con trai lớn của ông, Shapoorji, sở hữu Eureka Forbes, một thương hiệu lọc nước ở Ấn Độ. Ảnh: MoneyControl.

4. Gia đình Hartono (Indonesia)

Tổng tài sản: 25,7 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Thuốc lá, ngân hàng

Anh em Michael và Budi Hartono thừa kế thương hiệu thuốc lá Djarum từ cha của họ. Họ đa dạng hóa khối tài sản bằng cách đầu tư vào Bank Central Asia, ngân hàng lớn nhất Indonesia. Michael cũng là một tay chơi bài bridge có tiếng. Ảnh: Bloomberg.

3. Gia đình Lee (Hàn Quốc)

Tổng tài sản: 26,74 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ

Gia đình Lee đã điều hành Samsung trong ba thế hệ. Jay Y. Lee (trong ảnh), người thừa kế và là lãnh đạo hiện tại của gã khổng lồ công nghệ, vừa bị các công tố viên Hàn Quốc truy tố về tội thao túng giá cổ phiếu. Trước đây ông cũng bị kết tội khai man, tham ô và hối lộ. Ông đã chấp hành một năm của bản án 5 năm tù trước khi tòa phúc thẩm tuyên giảm án. Đầu năm nay, ông nói rằng sẽ không chuyển giao quyền quản lý Samsung cho hai người con của mình. Ảnh: Reuters.

2. Gia đình Kwok (Hong Kong)

Tổng tài sản: 27,93 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản

Anh em Walter, Raymond và Thomas Kwok thừa kế nhà phát triển bất động sản Sun Hung Kai Properties từ cha của họ vào những năm 1990.

Walter, người anh cả, đã bị lật đổ khỏi công việc kinh doanh của gia đình và qua đời vào năm 2018 sau khi bị đột quỵ. Ông để lại tài sản của mình cho các con trai là Jonathan và Geoffrey.

Giá trị tài sản ròng của Geoffrey đóng góp vào con số 27,93 tỷ USD, cùng với tài sản ròng của Raymond và Thomas, những người đã bị bắt vào năm 2012 vì tội hối lộ. Raymond được trắng án trong khi Thomas phải ngồi tù 5 năm. Trong ảnh là Raymond Kwok Ping-luen (ngồi giữa), hiện là Chủ tịch kiêm CEO của Sun Hung Kai Properties. Ảnh: Jonathan Wong.

1. Gia đình Ambani (Ấn Độ)

Tổng tài sản: 88,3 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Năng lượng

Mukesh Ambani (ngoài cùng bên phải) là người giàu thứ sáu trên hành tinh. Ông là chủ tịch của Reliance Industries, công ty dầu khí mà ông thừa kế từ cha mình. Ông có một người em trai, Anil, trước đây cũng là một tỷ phú, nhưng giờ bị ghẻ lạnh.

Các con của Mukesh Ambani đều tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình ở một mức độ nào đó. Cả gia đình sống trong một tòa nhà 27 tầng ở Mumbai. Họ được biết đến với cuộc sống xa hoa, thậm chí từng tổ chức một lễ cưới mời Beyoncé đến hát. Ảnh: Reuters.

Phiên An (theo Business Insider)