30 năm trước, đa phần những thành phố này không có trên bản đồ. Ví dụ như Nghĩa Ô, một huyện thị thuộc tỉnh Chiết Giang chỉ có 73.000 dân vào năm 1985, đã tăng lên 1,1 triệu người sau 20 năm, tương đương mức tăng trưởng dân số 1.380%, theo Guardian.
Dưới đây là 10 thành phố Trung Quốc có tốc độ tăng dân số nhanh nhất trong thời kỳ 1985-2015, theo số liệu lấy từ báo cáo Triển vọng Đô thị hóa Thế giới (World Urbanisation Prospects) của Ủy ban dân số Liên Hợp Quốc. Sự tăng trưởng của các đô thị Trung Quốc được ghi lại qua tương tác ảnh vệ tinh timelapse Earth Engine của Google từ năm 1984 tới 2016.
1. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 6.040%
Năm 1955: 5.000 người
Năm 1985: 175.000 người
Năm 2015: 10,7 triệu người
Thâm Quyến chuyển mình từ một làng chài lên một đại đô thị sau khi trở thành một trong 4 đặc khu kinh tế Trung Quốc năm 1979, thu hút vốn đầu tư khổng lồ. Theo khảo sát năm 2015 của tập đoàn tư vấn và dịch vụ bất động sản Knight Frank, Thâm Quyến là thành phố có giá bất động sản tăng nhanh nhất thế giới.
2. Đông Quản, tỉnh Quảng Đông
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 3.040%
Năm 1955: 95.000 người
Năm 1985: 237.000 người
Năm 2015: 7,4 triệu người
Từ một thị trấn nông nghiệp, Đông Quản chuyển mình thành một trung tâm sản xuất theo xu thế phát triển của đồng bằng Châu Giang từ những năm 1980. Nơi đây còn nổi tiếng với tên gọi "thành tội lỗi" hay "kinh đô tình dục" của Trung Quốc với nạn mại dâm tồn tại trong nhiều năm.
3. Châu Hải, tỉnh Quảng Đông
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 1.740%
Năm 1955: 5.000 người
Năm 1985: 84.000 người
Năm 2015: 1,5 triệu người
Châu Hải, hay còn gọi là Chu Hải, mang ý nghĩa là "biển ngọc trai". Đây là một trong 4 đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, ngoài Thâm Quyến, Hạ Môn và Sán Đầu. Thành phố nằm ở phía nam tỉnh Quảng Đông, gần Macau và là cảng biển lớn thứ hai ở Trung Quốc sau Thâm Quyến.
4. Túc Thiên, tỉnh Giang Tô
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 1.620%
Năm 1955: 1.000 người
Năm 1985: 61.000 người
Năm 2015: 1,2 triệu người
Thành phố nằm cách Thượng Hải 320 km về phía bắc, có lịch sử từ năm 760 và được mệnh danh là "Trung Quốc bạch tửu chi đô", quê hương của hai loại rượu nổi tiếng.
5. Phổ Ninh, tỉnh Quảng Đông
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 1.520%
Năm 1955: 19.000 người
Năm 1985: 62.000 người
Năm 2015: 1 triệu người
Phổ Ninh là thành phố cấp huyện nằm ở phía đông tỉnh Quảng Đông, nổi tiếng là vựa trái cây của cả nước và ngành dệt may phát triển.
6. Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 1.380%
Năm 1955: 5.000 người
Năm 1985: 73.000 người
Năm 2015: 1,1 triệu người
Nghĩa Ô là nơi thu hút lượng lớn người nước ngoài tới buôn bán bởi đây là thị trường hàng hóa loại nhỏ lớn nhất thế giới. Thành phố có hơn 75.000 cửa hàng cung cấp sản phẩm nhựa cho toàn thế giới, từ hoa giả, hạt cườm cho tới dây buộc tóc, đồ chơi bơm hơi, dây kim tuyến, mũ đội tiệc, ô dù và 70% các món đồ trang trí Giáng sinh trên thế giới.
7. Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 1.250%
Năm 1955: 58.000 người
Năm 1985: 171.000 người
Năm 2015: 2,3 triệu người
Nằm ở phía bắc đồng bằng Châu Giang, thành phố Huệ Châu là nơi có ngành công nghiệp ôtô, điện tử, hóa chất và công nghệ cao phát triển mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Sony, Coca-Cola và Siemens.
Thành phố kết nghĩa với làng Hallstatt ở Áo và đã cho xây dựng bản sao ngôi làng có lịch sử hơn 900 tuổi được công nhận là Di sản Thế giới Unesco ở phía đông nam thành phố.
8. Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 1.100%
Năm 1955: 71.000 người
Năm 1985: 308.000 người
Năm 2015: 3,7 triệu người
Thành phố Trung Sơn nằm ở phía nam đồng bằng Châu Giang - một trong những vùng đô thị hóa đông đúc nhất thế giới và là một trong những trung tâm tăng trưởng kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Thành phố trước đây là một huyện có tên Hương Sơn, sau đó được đổi tên để vinh danh Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng tiên phong của Trung Quốc hiện đại.
9. Từ Khê, tỉnh Chiết Giang
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 960%
Năm 1955: 5.000 người
Năm 1985: 123.000 người
Năm 2015: 1,3 triệu người
Thành phố Từ Khê trải từ vịnh Hàng Châu tới phía nam Thượng Hải, nổi tiếng là nơi khởi nguồn của nghệ thuật gốm sứ Yue của Trung Quốc.
10. Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông
Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015: 840%
Năm 1955: 22.000 người
Năm 1985: 182.000 người
Năm 2015: 1,7 triệu người
Đây là thành phố cấp tỉnh nằm ở phía đông nam tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc. Lâm Nghi có lịch sử 2.400 năm, là quê hương của Gia Cát Lượng, nhà chính trị quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc và Vương Hi Chi, nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc.
Hồng Hạnh