10 định luật về thời gian sau đây có thể giúp bạn hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống.
1. Trước khi nói, nghĩ nửa phút
Trong cuộc sống, nhiều cuộc cãi vã và hiểu lầm đều từ miệng mà ra. Nhiều người không ác ý nhưng bởi thiếu suy nghĩ nên đã nói những điều không nên nói.
Học nói là cách để không đem rắc rối cho bản thân. Khi muốn tranh luận hoặc đánh giá ai đó, hãy dừng lại ngẫm nghĩ nửa phút để suy nghĩ cách diễn đạt tốt nhất. Dành cho bản thân một khoảng lặng trước khi nói là cách cư xử khôn ngoan và tử tế nhất bạn dành cho bản thân và mọi người.
2. Muốn làm gì, làm ngay trong hai phút đầu tiên
Con người luôn tồn tại hai luồng suy nghĩ, "bắt đầu ngay" hoặc "để lát nữa". Định luật "Hai phút" trong tâm lý học chỉ ra nếu muốn làm việc gì, bạn hãy làm ngay trong hai phút tiếp theo, nếu không việc đó rất có thể bị trì hoãn, thậm chí là không làm nữa. Hai phút là một hình thức ẩn dụ, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "lập tức làm ngay".
Trì hoãn và chờ đợi, là hai thứ dễ mài mòn ý chí con người nhất, chỉ có hành động mới là phương thuốc chữa lành những nỗi sợ hiệu quả nhất.
3. Khi sắp nổi giận, dừng 3 phút
Khi một người tức giận, lý trí rất dễ bị đánh bại. Lúc này con người thường nói ra những điều làm tổn thương người khác cũng như chính mình.
Người trưởng thành thực sự sẽ biết điều chỉnh cảm xúc đúng lúc, đối diện với mọi việc bằng thái độ bình tĩnh. Khi nhận thức và kiểm soát được cảm xúc của mình, bạn có thể suy nghĩ rõ ràng và sáng tạo, quản lý sự căng thẳng, tạo nên tự tin và dễ dàng giao tiếp tốt với người khác. Nhưng nếu không kiềm chế cảm xúc, bạn sẽ nhầm lẫn, bị cô lập và nghi ngờ.
Bởi vậy, nếu sắp nổi giận, hãy cố hít thở sâu vài lần, sau đó đếm số từ 0 đến 100, cho đến khi cơn giận vơi bớt.
4. Dành 5 phút ghi lại chi tiêu
Quản lý chi tiêu hàng ngày không phải là điều ai cũng có thể làm. Nhiều cặp vợ chồng cứ làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng khi nhìn lại thì chẳng biết tiền của mình đã đi đâu.
Có một thói quen tốt con người nên thực hiện: Ghi sổ sách chi tiêu của gia đình. Dù thanh toán điện tử trở nên phổ biến nhưng việc ghi chép sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ những khoản chi tiêu hoang phí hoặc chưa đúng hoàn cảnh kinh tế.
Hãy học cách liệt kê những hóa đơn đã chi tiêu trong một ngày, sau đó nhìn vào đó để điều chỉnh hợp lý.
5. Mệt mỏi, hãy ngồi thiền 8 phút
Với nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, nhiều lúc bạn sẽ mệt mỏi, căng thẳng, lo âu dẫn tới mất ăn, mất ngủ. Đôi khi sự căng thẳng đến không phải do bản chất của sự việc mà do chính suy nghĩ từ bạn.
Trong những mối lo ngại đang ngày càng phổ biến, thì thiền định cũng luôn được nhắc tới, đơn lẻ hoặc kết hợp với trị liệu, để khắc phục tình trạng căng thẳng một cách hiệu quả.
Trong khi thiền, bạn tập trung sự chú ý của mình vào tĩnh lặng, đồng thời loại bỏ những luồng suy nghĩ lộn xộn làm cho tâm trí bị căng thẳng và mệt mỏi. Nhắm mắt lại, chỉ cảm nhận hơi thở và nhịp tim của chính mình. Khi tâm trí được thanh lọc, những tình huống khó khăn, tưởng chừng như không thể vượt qua, bỗng nhiên có thể được nhìn nhận ở một góc độ khác tích cực hơn, lạc quan hơn.
6. Chuẩn bị trước 10 phút
Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ: đèn đỏ, tai nạn trên đường,... và chúng ta không thể vì điều đó mà làm trì hoãn công việc, nên có sự chuẩn bị trước kĩ càng.
Đi sớm 10 phút, bạn sẽ không cần lo lắng việc đến trễ; sắp xếp công việc trước 10 phút, bạn sẽ hoàn thành nhanh hơn; đến trước cuộc họp 10 phút, sẽ để lại ấn tượng tốt cho người khác...
Nhờ có sự chuẩn bị mà bạn sẵn sàng ứng phó tốt nhất trước mọi tình huống. Con người sẽ ở tư thế chủ động, làm chủ hoàn cảnh. Từ đó có thể đảm bảo sẽ không mắc sai lầm hoặc giảm sai sót đến mức tối thiểu...
7. Tổng kết 15 phút trước khi đi ngủ
Một học giả thời nhà Minh, Trung Quốc từng kể, tối trước khi đi ngủ, ông đều có một thói quen. Nếu hôm nay phạm sai lầm, ông sẽ thả một hạt đậu đen vào bình bên tay trái. Nếu việc đó được cải thiện, ông sẽ bỏ hạt đậu về bình bên tay phải. Không lâu sau đó, bình đậu bên phải ngày càng nhiều lên.
Trong cuộc sống, ai cũng từng mắc sai lầm. Nhưng điều quan trọng là thông qua sai lầm mà sửa sai và thay đổi, không phải cứ mắc mãi một lỗi. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, hãy tự hỏi bản thân: "Hôm nay mình đã làm được gì? Bài học nào được rút ra?". Những hiểu biết bản thân đúc kết được sẽ trở thành gạch lót đường cho tương lai của bạn.
8. Dành 30 phút đọc sách mỗi ngày
Đọc sách là con đường ngắn nhất để hoàn thiện bản thân. Dù bận đến đâu cũng nên dành 30 phút mỗi ngày để đọc sách.
Theo một nghiên cứu, hầu hết những người thành công trên thế giới điều dành khoảng thời gian nhất định trong ngày cho việc đọc sách và việc làm này được họ duy trì ngay từ khi còn rất trẻ. Khi đọc sách trở thành một thói quen, điều đó chứng tỏ con người bạn cũng đang được hoàn thiện từng ngày.
9. Tập thể dục 40 phút mỗi ngày
Chạy bộ trong một tháng có thể làm giảm trọng lượng cơ thể và tăng cường chức năng hoạt động của tim phổi trong ba tháng. Sau nửa năm, khả năng miễn dịch của cơ thể cũng tăng lên. Nếu kiên trì được ba năm như vậy, thể chất và tinh thần của bạn sẽ có điểm vượt trội hơn so với người đồng trang lứa.
Ngoài ra, tập thể dục có thể mở mang đầu óc, nâng cao hiệu quả công việc. Không có bài tập nào là vô ích trong cuộc sống. Ở thế giới người lớn, chúng ta dễ trở nên mập mạp, lười biếng và ù lì. Nhưng chỉ cần luyện tập đều đặn, bạn vẫn có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
10. Học 60 phút mỗi ngày
Trong thời đại hiện nay, nếu lười biếng, không chịu khó học hỏi thì sớm muộn bạn cũng tụt hậu, không có khả năng cạnh tranh. Cả đời người là quá trình không ngừng chinh phục bản thân. Lựa chọn hiện tại của bạn sẽ quyết định con người bạn trong mười năm tới.
Với sự phát triển của Internet, con người không khó tiếp cận kiến thức, bởi vậy chẳng có lý do gì mà không chịu học hỏi thêm. Đầu tư vào bản thân là cách duy trì sự cạnh tranh mãi mãi. Bất kể sự thay đổi dù nhỏ tới đâu, chỉ cần tích lũy, rồi cũng có lúc trở nên lớn lao.
Chúng ta không chỉ cần trau dồi kiến thức để trở nên mạnh mẽ và quyền lực hơn, mà còn nên cải thiện cuộc sống ở mức độ sâu sắc hơn. Hãy luôn học hỏi, cho dù bạn đang đứng ở vị trí nào trong cuộc sống và sự nghiệp.
Vy Trang (Theo aboluowang)