1. Dạy trẻ kết bạn
Trong quá trình phát triển tính cách của trẻ, tình bạn đóng một vai trò quan trọng. Vì thế, bạn cần khích lệ, cổ vũ trẻ chơi đùa với các bạn cùng lứa khác để trẻ học được cách sống chan hòa với mọi người xung quanh.
Tình bạn đóng vai trò quan trong đối với sự phát triển tính cách của trẻ nhỏ - Ảnh: Asiaphotostock.com
2. Cho trẻ cơ hội và quyền được nêu lên ý kiến
Nuôi dưỡng tính cách vui vẻ của trẻ có quan hệ mật thiết đến sự chỉ đạo và khống chế hành vi của trẻ. Do đó, bạn cần tạo cho trẻ cơ hội cũng như dạy cho trẻ biết làm thế nào để nêu lên ý kiến và những quyết định của bản thân ngay từ nhỏ.
3. Điều chỉnh trạng thái tâm lý
Bạn nên cho trẻ thấy những người luôn sống vui vẻ và hạnh phúc, bí quyết của họ là luôn có trạng thái tâm lý tốt để thích ứng, giúp họ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Khi trẻ bị trách móc hay la mắng, cần dạy trẻ biết rằng phía trước luôn là những điều tốt đẹp hơn để trẻ có cái nhìn lạc quan.
4. Bí quyết làm việc theo nhóm
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ nên được dạy cách làm việc theo nhóm, sống có bạn bè. Ví dụ, khi xây dựng các khối hình tạo ra những ngôi nhà cũng cần phải có thêm bạn bè hoặc các trò chơi mang tính giao tiếp... Qua mối quan hệ này, trẻ biết cách phát huy sức mạnh tập thể, tính sáng tạo, học hỏi thêm nhiều điều hay, làm cho trẻ không cảm thấy chán nản hay bỏ dở cuộc chơi.
5. Hạn chế sự ham thích vật chất
Nếu bạn cho trẻ quá nhiều thứ, trẻ có thể hình thành cảm giác sai lầm rằng "đạt được vật chất là cội nguồn của hạnh phúc". Do đó bạn nên dạy trẻ sự vui vẻ của con người không chỉ có được từ tài sản vật chất.
6. Nuôi dưỡng những sở thích của trẻ
Bạn nên chú ý tới những sở thích của trẻ, cho trẻ nhiều sự lựa chọn khác nhau và hướng dẫn bé khi cần thiết. Những sở thích càng phong phú, trẻ sẽ tự nhiên hình thành tính cách vui vẻ một cách dễ dàng.
7. Dạy trẻ nấu ăn và làm việc nhà
Theo các chuyên gia tâm lý, dạy trẻ đi chợ, chế biến thức ăn, nấu ăn... nhất là bé gái sẽ có nhiều cái lợi. Trước tiên tạo thú vui và sau nữa, giúp trẻ có thêm kiến thức về ẩm thực, giúp chúng ăn uống có lợi. Cuối cùng là yêu cuộc sống, yêu lao động và khi trưởng thành không bị bỡ ngỡ trong công việc nội trợ, bếp núc - những công việc rất cần cho phụ nữ trong tương lai.
8. Dạy trẻ có tinh thần trách nhiệm
Ngay từ khi còn bé, các bậc cha mẹ cần nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ. Ví dụ, khi sai phải nhận lỗi, anh phải nhường em, chơi xong phải cất đồ gọn gàng... Cách này để dạy trẻ biết cái lợi của việc sống ngăn nắp, gọn gàng và có tinh thần trách nhiệm để lần sau không gặp trở ngại. Mỗi lần trẻ làm xong, bạn đừng quên khen ngợi, cám ơn để giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, nhất là tinh thần trách nhiệm.
9. Đối mặt với thách thức
Theo bản năng, trẻ nhỏ rất sợ những người lạ hay những hoàn cảnh éo le, những thách thức mang tính nguy hiểm... Để khắc phục, ngay từ khi còn nhỏ, các bậc cha mẹ nên dạy con cái vượt qua những hoàn cảnh này, trước tiên là coi khó khăn thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống.
Hãy tôn trọng trẻ, thông cảm với những nỗi lo sợ này, và đúng về phía trẻ để từ đó tìm ra các khắc phục. Ví dụ, trẻ sợ ở nhà một mình, cha mẹ có thể làm gương trong một vài trường hợp để trẻ làm quen, khi đã biết sự thật trẻ sẽ không còn sợ nữa. Nên dạy trẻ cách sống độc lập từ nhỏ để trẻ thích nghi với hoàn cảnh bất trắc và vượt qua dễ dàng. Không nên dùng những câu chuyện rùng rợn để dọa trẻ, nhất là khi trẻ quấy khóc, không cổ vũ tính hiếu thắng... vì đây là những việc làm tăng thêm tính nhút nhát, tự ti ở trẻ.
10. Giữ gìn không khí gia đình hòa thuận
Gia đình hòa thuận cũng là một nhân tố chủ yếu để nuôi dưỡng sự vui vẻ của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những trẻ được nuôi nấng trong một gia đình hạnh phúc có tỷ lệ cuộc sống hạnh phúc sau này, nhiều hơn bé lớn lên trong gia đình không hòa thuận.
Theo Cẩm nang mua sắm