Thứ ba, 29/4/2025
Thứ bảy, 3/4/2021, 12:30 (GMT+7)

10 điều 'không nên' trong buổi phỏng vấn xin việc

Giới thiệu về thành tích cá nhân, hỏi về công ty, nói đến mức lương trong buổi phỏng vấn đầu tiên... có thể là lý do khiến bạn "thua" ngay phút đầu đến xin việc.

Nói ngập ngừng bằng "à, ừ"

Mặc dù những từ này chúng ta vẫn thường dùng, nhưng trong một buổi phỏng vấn quan trọng, nên hạn chế. Kiểu ậm ừ sẽ khiến người đối diện cho rằng bạn không thực sự nghĩ ra điều gì để nói. Nó có thể làm hủy hoại bạn, nhất là khi công việc bạn ứng tuyển là bán hàng, PR hay đòi hỏi khả năng giao tiếp.

Thay vì "à, ừ" hãy đề nghị tạm dừng để suy nghĩ xem sẽ nói gì tiếp theo. Người phỏng vấn cũng sẽ cảm thấy bạn đang đối đáp với mình, chứ không phải chỉ có những khoảng lặng vô nghĩa.

Hỏi người phỏng vấn mình về thông tin của công ty

Có vẻ như bạn thể hiện sự quan tâm đến công ty khi hỏi, nhưng có thường không có lợi. Là ứng viên, bạn phải có trách nhiệm tự nghiên cứu. Việc tự tìm hiểu sẽ cho người phỏng vấn thấy bạn thực sự quan tâm đến công ty và dành thời tìm hiểu họ trước khi họ biết về bạn.

Thay vì hỏi những điều ai cũng có thể biết, bạn nên đặt câu hỏi cụ thể, những câu không thể tìm thấy câu trả lời trên website công ty:

- Có phải các dự án cụ thể hoặc trước mắt cần được giải quyết trong phòng/ban (nơi bạn đang ứng tuyển) không?

- Kế hoạch tăng trưởng ba năm tới của công ty là gì?

- Một ngày ở công ty sẽ thế nào?

Công ty sẽ trả cho tôi bao nhiêu?

Lương thưởng có giá trị rất quan trọng, ảnh hưởng đến hứng thú làm việc của mọi người. Nhưng bạn nên tránh đề cập đến lương và phúc lợi trong buổi phỏng vấn ban đầu. Cuộc phỏng vấn đầu tiên là để nhà tuyển dụng thấy tiềm năng của bạn, khả năng bạn mang lại cho tổ chức.

Bạn có thể nêu nhu cầu về mức lương nếu người phỏng vấn đề cập, khi công ty liên hệ lại hoặc trong cuộc phỏng vấn thứ hai.

Đi trễ

Một lời xin lỗi ngay lập tức, trước khi cuộc phỏng vấn diễn ra, là điều không nên. Đi trễ không chỉ gây ấn tượng xấu cho người phỏng vấn mà còn cho thấy bạn không quan tâm đến thời gian của họ.

Tôi có bằng....

Bạn có thể giới thiệu về năng lực của bạn thân, nhưng nên kiềm chế. Không nên phô trương bằng cấp trong buổi phỏng phấn, trừ khi người phỏng vấn hỏi trực tiếp.

Hãy nhớ, bằng cấp, chứng chỉ đã liệt kê trong sơ yếu lý lịch (CV) rồi nên người phỏng vấn đã biết bạn học ở đâu, đạt thành tích thế nào. Hơn nữa. học thuật chỉ là một khía cạnh doanh nghiệp xem xét. Họ cần biết thêm về kinh nghiệm, kỹ năng và đặc biệt là con người bạn.

Sếp cũ của tôi là...

Nếu không phải lần đầu tiên đi tìm việc, bạn có thể gặp phải tình huống người phỏng vấn hỏi về công việc trước đây. Nếu bạn nghỉ việc vì những điều khoản tồi tệ hoặc trải nghiệm tồi tệ với sếp cũ cũng đừng nhắc tới họ, nói xấu họ. Nói xấu người khác chỉ khiến đường đến đường vào công ty của bạn hẹp lại và sẽ khiến bạn sau này hối tiếc.

Thay vào đó, bạn có thể nói: Rất tiếc là khi làm ở công ty cũ, tôi không phát triển được bản thân.

Tôi chưa từng làm việc này

Dù trung thực và thẳng thắn mang lại nhiều lợi thế trong một cuộc phỏng vấn, nhưng nên nói một cách tích cực. Nếu bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, nên nêu bật điểm mạnh, kỹ năng thay vì nói không có kinh nghiệm.

Bạn có thể nói:

- Dù kinh nghiệm của tôi hạn chế, nhưng tôi đã tham gia khóa học ngắn hạn và hỗ trợ quản lý...

- Trong những năm đại học, tôi đã hoạt động trong tổ chức A, tổ chức này giúp tôi có một số kinh nghiệm về...

- Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, bố mẹ thường xuyên đi làm, tôi đã phát triển khả năng lãnh đạo, tính trách nhiệm, đa nhiệm, điều tôi tin hữu ích cho vị trí này.

Tôi muốn làm doanh nhân

Một trong những câu bạn có thể được hỏi trong cuộc phỏng vấn là "Bạn sẽ ở vị trí nào trong vòng 3 đến 5 năm nữa?". Nếu bạn có tư duy kinh doanh, đừng vội nói muốn trở thành doanh nhân hoặc mở công ty riêng. Loại câu trả lời này có thể khiến người phỏng vấn hiểu lầm. Tại sao họ phải thuê bạn khi bạn có ý định sẽ bỏ đi?

Thay vào đó, bạn có thể trả lời chung chung nhưng nhấn mạnh sẽ cam kết lâu dài với công ty. Hoặc bạn có thể mơ đến một vị trí mới ở công ty, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm.

Tôi không biết

Sự căng thẳng và lo lắng trong một cuộc phỏng vấn xin việc có thể gây ra những cản trở về tinh thần, khiến bạn thốt lên "Tôi không biết" hoặc "Tôi không chắc", trong một cuộc phỏng vấn. Mặc dù nói “Tôi không biết” là trung thực, nhưng người phỏng vấn đánh giá bạn không có khả năng.

Khi đối mặt với một câu hỏi khó, hãy dành một chút thời gian bình tĩnh trước khi cất lời.

Thay vào đó, bạn có thể nói:

- Đó là một câu hỏi hay. Tôi có thể dành một chút thời gian để suy nghĩ không?

- Cảm ơn bạn đã hỏi, nhưng tôi phải thừa nhận rằng tôi đang suy nghĩ để tìm ra câu trả lời.

Tôi không hỏi gì

Thông thường, trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc, nhà tuyển dụng sẽ hỏi "Bạn có câu hỏi gì không?". Dù bạn muốn cuộc phỏng vấn kết thúc ngay, hãy cố gắng chịu đựng trong vài phút tiếp theo bằng cách đặt những câu hỏi hay.

Những câu hỏi này là bằng chứng cho thấy bạn quan tâm đến công ty và cho thấy rằng bạn thực sự muốn có một công việc.

Bạn có thể hỏi:

- Những thách thức lớn nhất mà một người ở vị trí này sẽ phải đối mặt là gì?

- Môi trường làm việc ở đây như thế nào?

- Có bộ kỹ năng cụ thể nào mà bạn đang tìm kiếm ở một ứng viên lý tưởng không?

Trước khi bước ra khỏi cửa, đừng quên cảm ơn người phỏng vấn và mong nhận được phản hồi.

Phải gây ấn tượng ban đầu tốt và để lại ấn tượng tốt đẹp lâu dài.

Nhật Minh (Theo Brightside)