Hình ảnh, dữ liệu cá nhân của con
Theo một nghiên cứu của công ty bảo mật AVG, 82% trẻ em ở 10 nước phương Tây có "dấu vết trên mạng" trước 2 tuổi. Báo cáo cho biết, Mỹ dẫn đầu với 92% trẻ em dưới 2 tuổi xuất hiện trong các bức ảnh trên mạng xã hội. New Zealand đứng thứ hai với 91%, tiếp theo là Canada và Úc với 84%. Nghiên cứu cũng bao gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý. Nhật Bản là quốc gia duy nhất có dưới một nửa số trẻ 2 tuổi bị đăng ảnh lên mạng.
Chỉ 33% trong số 2.200 bà mẹ được nghiên cứu cho biết họ đã đăng ảnh con lên mạng. Các thành viên khác trong gia đình và bạn bè thường có quyền tự do chia sẻ hình ảnh của em bé trên web, khiến việc xóa chúng trở nên phức tạp hơn.
Việc đăng ảnh con lên mạng chứa đầy rủi ro. Từng có những đứa trẻ bị các thành viên trên một trang web ấu dâm lấy ảnh, video. Cung cấp thông tin cá nhân của con, liên quan đến việc nuôi dạy và sức khỏe của trẻ cũng không được khuyến kích. Dù có thể nhiều cha mẹ đăng ảnh để xin lời khuyên về tình trạng của con. Nhưng những bức ảnh trong trạng thái không đẹp mắt cũng có thể khiến chúng thấy xấu hổ. Khi lớn lên, con có thể trở thành nạn nhân của quấy rối và bắt nạt trên mạng.
Ngày sinh của bạn
Việc công khai ngày sinh để bạn bè trên mạng xã hội nhận thông báo và chúc mừng khá phổ biến. Tuy nhiên, việc tiết lộ thông tin này tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi câu hỏi bảo mật để khôi phục mật khẩu thường bao gồm ngày tháng năm sinh.
Ngoài ra, nhiều người thường đặt mật khẩu ngân hàng hoặc thẻ tín dụng bằng ngày tháng năm sinh của mình. Khi thông tin đó ai cũng biết, bạn rất dễ bị đánh cắp.
Tin chưa kiểm chứng
Chia sẻ thông tin trên mạng xã hội góp phần thể hiện tự do ngôn luận. Tuy nhiên, cần cân nhắc, xem xét nhiều chiều trước khi đăng tải bất kỳ thông tin nào. Mạng xã hội có thể góp phần tạo ra và lan truyền tin tức giả mạo.
Người đưa tin giả mạo có nhiều mục đích khác nhau: làm mất uy tín của một cá nhân, tổ chức, tin gây hiểu lầm hoặc lan truyền nhằm thu hút đám đông, gây sự chú ý.
Tạo và chia sẻ tin tức giả mạo gây ra những hậu quả nghiêm trọng: gia tăng của thái độ thù địch đối với một số nhóm nhất định, sự tấn công một người hay làm mất danh tiếng của một công ty...
Khi chia sẻ một thông tin trên mạng, bạn cần đặt câu hỏi thông tin này có hợp lý không, tài khoản chia sẻ thông tin này có đáng tin không, nội dung trong bài có phải do chuyên gia, người đáng tin cậy chia sẻ hay không.
Trò chuyện riêng tư
Nhiều người hay chia sẻ ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện riêng tư. Làm vậy có thể bị coi là vi phạm quyền giao tiếp riêng tư, tiết lộ bí mật.
Dù có nhiều sắc thái khác nhau khi hành động như vậy, nhưng nếu bạn chia sẻ trò chuyện riêng tư, có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.
Tốt nhất nên hạn chế chia sẻ các cuộc trò chuyện cá nhân với bạn bè hoặc các bên thứ ba không liên quan ngay từ đầu.
Chia sẻ hình ảnh chứa thông tin bí mật
Bất kể bức ảnh tải lên mạng xã hội có vẻ vô hại thế nào, bạn cũng phải suy nghĩ kỹ trước khi công khai. Hãy nhớ, nếu bạn không chú ý đến những gì xuất hiện trong bức ảnh, bạn có thể sẽ tiết lộ thông tin nhạy cảm.
Ví dụ, năm 2012, những bức ảnh về nơi làm việc của Hoàng tử William được đăng tải lên mạng. Do không lọc kỹ, những bức ảnh lộ tên tài khoản của Bộ Quốc phòng Anh, những mật khẩu và màn hình máy tính trong hệ thống bị giới hạn. Chính phủ sau đó phải thiết lập lại toàn bộ hệ thống và thay đổi mật khẩu.
Rút kinh nghiệm từ tình huống này, nếu bạn chụp ảnh mình tại nơi làm việc, ở nhà hoặc bất kỳ đâu, hãy đảm bảo bức ảnh không chứa các thông tin bí mật. Bạn nên kiểm tra kỹ bức ảnh trước khi đăng lên mạng để chắc chắn không có chi tiết đáng xấu hổ hoặc thông tin nhạy cảm chống lại bạn.
Xúc phạm người khác
Có một quy tắc nhất định phải tuân theo trên mạng xã hội là tránh xúc phạm ai đó trên mạng, chế nhạo hoặc chế giễu sai lầm của họ. Mọi hành động xấu, sự cố thiếu tôn trọng hoặc khoảnh khắc sỉ nhục đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người.
Khi có ý xúc phạm ai trên mạng, hãy dừng lại và suy nghĩ trong một phút. Hãy tự hỏi xem bạn có muốn họ làm điều tương tự với mình hay không và nghĩ xem bạn sẽ phản ứng thế nào nếu ai đó chế giễu những bức ảnh hoặc bình luận của bạn trên mạng.
Sự đồng cảm là chìa khóa để hiểu mọi người, ngay cả khi trên mạng.
Hình ảnh cổ vũ bạo lực
Chia sẻ hình ảnh cổ vũ bạo lực và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến chủ thể của những bức ảnh mà còn ảnh hưởng đến những người chia sẻ chúng.
Ví dụ, bạn có thể bị Facebook cấm và tài khoản của bạn bị khóa do vi phạm các tiêu chuẩn nội dung của nền tảng này. Trong những tình huống nghiêm trọng hơn, bạn thậm chí có thể phải đối mặt với pháp luật vì không tôn trọng quyền riêng tư của bên thứ ba.
Quá nhiều thông tin tình cảm
Nếu bạn đang yêu, việc muốn đăng tải những bức ảnh chụp chung với người yêu là bình thường. Trên thực tế, người ta tin hành động này vừa có thể tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa hai bạn vừa ngăn cản người khác có tình ý với bạn hoặc người bạn yêu.
Nhưng cũng như mọi thứ trong cuộc sống, bạn nên cân bằng giữa việc đăng những gì bạn muốn và đảm bảo không tiết lộ thông tin về người khác.
Có những tình huống mà đăng ảnh hoặc bày tỏ tình cảm với người yêu trên mạng còn có thể phản ánh sự bất an của mối quan hệ.
Hình ảnh có bản quyền
Nếu bạn muốn chia sẻ một hình minh họa, hay hình ảnh mình thích lên mạng, hãy tìm xem ai đã tạo ra nó và nó có yêu cầu cụ thể nào để được chia sẻ không. Bạn cũng nên hỏi tác giả bức ảnh xem có thể sử dụng nó không.
Có một số ngoại lệ đối với quy tắc này, chẳng hạn như hình ảnh trong phạm vi công cộng, có thể được đăng ở bất kỳ đâu mà không cần phải xin phép trước khi thực hiện.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu chúng có bản quyền, bạn muốn chia sẻ thì cũng phải xin phép.
Nhật Minh (Theo Brightside)