Khi bị bắt nạt, trẻ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Trong nhiều trường hợp, trẻ chọn cách giấu người lớn vì lo sợ trả thù. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý hoặc hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chỉ ra bố mẹ có thể nắm được tình hình của con ở trường qua các dấu hiệu cụ thể.
1. Thường xuyên đau ốm
"Trẻ không muốn đến trường vào đầu năm học hay sau một kỳ nghỉ là chuyện bình thường. Điều bất thường là sau khi đi học khoảng 8-10 tuần, trẻ đang vui vẻ bỗng đau dạ dày liên tục và không muốn đến trường nữa", bác sĩ nhi khoa Meg Meeker (Mỹ), tác giả cuốn "12 nguyên tắc nuôi dạy một đứa trẻ tốt" cho biết trên trang Today.
Có thể trẻ kiếm cớ trốn học, không tham gia hoạt động chung, cũng có thể việc bị bắt nạt khiến tâm sinh lý thay đổi và ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể.
Phụ huynh nên quan tâm đến những dấu hiệu như đau dạ dày hoặc đau đầu, nếu diễn ra thường xuyên thì có thể là vấn đề lớn. Tuy nhiên, trẻ bị ốm mà vẫn vui vẻ và kể chuyện về trường lớp trong suốt bữa tối cùng gia đình thì điều đó không đáng ngại.
2. Thay đổi hành vi
Bên cạnh dấu hiệu thể chất nói trên, bác sĩ Meeker nhấn mạnh biểu hiện liên quan đến hành vi cảm xúc. Nếu hiểu con, phụ huynh có thể đọc được nét mặt và quan sát được sự thay đổi tâm trạng của trẻ, biểu hiện qua các hành vi.
Vì lo lắng phải tỉnh dậy và đi học vào sáng hôm sau, trẻ khó ngủ, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm hoặc gặp ác mộng. Tâm trí không thoải mái cũng khiến trẻ làm mọi thứ không được suôn sẻ. Ngôn ngữ cơ thể của chúng nói lên rằng: "Mẹ ơi, con không ổn".
3. Điểm số xuống dốc
Nếu trẻ thường có kết quả học tập tốt nhưng điểm số đang dần đi xuống trong thời gian gần đây, đó có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Trẻ bất an khi ở trường thường gặp khó khăn trong việc tập trung nghe giảng hoặc làm bài tập về nhà.
4. Nghỉ chơi với bạn bè
Trẻ con thường xuyên thay đổi bạn theo từng giai đoạn, tuy nhiên nếu trẻ không có bất cứ người bạn nào, đây là dấu hiệu xấu. Bạn có thể nhận ra bằng cách biết con ăn trưa một mình ở trường hoặc không thấy những người bạn từng thân thiết của con ghé nhà chơi như trước.
Khi trẻ nói "Không ai thích con cả", bạn đừng nên coi nhẹ. Những kẻ bắt nạt thường muốn cô lập nạn nhân.
5. Không hứng thú với những thứ từng rất thích
Cảm giác không thỏa mãn là dấu hiệu quan trọng của sự bế tắc, chán nản. Nếu trẻ mất cảm giác với món ăn, trò chơi hoặc thú vui từng rất thích, bạn cần chú ý. "Nỗi buồn nhỏ luôn tồn tại trong cuộc sống. Nhưng khi bắt đầu trở nên tuyệt vọng, thiếu niềm vui và vẻ rạng rỡ, con bạn đang có nhiều nỗi buồn sâu kín bên trong. Điều này có thể xuất phát từ việc bị bắt nạt hoặc rất nhiều nguyên nhân khác. Bạn không có cách nào biết sự thật nếu không hỏi", Stan Davis, nhà nghiên cứu về nạn bắt nạt người Mỹ nói trên Real Simple.
6. Thường xuyên mất đồ
Ngoài dấu hiệu dễ nhận ra như các vết xước hay thâm tím trên cơ thể, trẻ có thể bị bắt nạt theo cách đe dọa trấn đồ. Nếu thấy con thường xuyên mất đồ chơi, dụng cụ học tập, quần áo, tiền, điện thoại hoặc thậm chí ăn ngấu nghiến khi trở về nhà (do bị cướp bữa trưa), bạn nên tìm hiểu nguyên nhân. Khi bị bắt nạt liên tục, trẻ thường nói dối làm mất đồ hoặc không bịa ra được nguyên nhân hợp lý.
7. Sợ đi xe buýt của trường
Với những đứa trẻ thích bắt nạt bạn học, xe buýt của trường là địa điểm hoàn hảo. Giám sát nhiều đứa trẻ cùng lúc là việc khó khăn, nhất là khi người lớn duy nhất trên xe lại là tài xế. Hơn nữa, một đứa trẻ bị bắt nạt trên chiếc xe buýt đang chạy sẽ không có cách tẩu thoát để bảo vệ bản thân.
Dấu hiệu đáng lo ngại là trẻ tỏ ra sợ hãi khi phải lên xe buýt, cố tình nhỡ chuyến hay tìm lý do để đi phương tiện khác. Trẻ cũng có thể nói bóng gió về "một người bạn" bị bắt nạt trên xe buýt. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ dễ né tránh các tình huống tương tự như đi ôtô đông người.
8. Nhịn đi vệ sinh đến khi về nhà
Phụ huynh cần nhìn vào thực tế rằng các vụ bắt nạt ít khi diễn ra ngay trên sân trường mà ở những nơi kín đáo, không có người lớn giám sát như cổng sau, góc khuất chân cầu thang, hành lang, đặc biệt là nhà vệ sinh. Trừ trường hợp đặc biệt, không học sinh nào muốn nhịn giải quyết nhu cầu ở trường.
9. Tự ti
Bị bắt nạt ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của mỗi người, hoặc sự tự ti cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào "tầm ngắm" của những kẻ bắt nạt ngay từ đầu. Jan Urbanski (Đại học Clemson, Mỹ) giải thích: "Một khi trẻ trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường, chúng bắt đầu nghĩ có lẽ mình làm sai, có lẽ mình chưa đủ tốt".
10. Bắt nạt trẻ nhỏ hơn
Đối với một số trẻ, khi không thể phản kháng kẻ bắt nạt mình, chúng tìm cách giải tỏa bằng cách bắt nạt những đứa trẻ khác hoặc anh chị em trong gia đình. "Nếu phát hiện con bắt nạt người khác, bạn hãy bắt con chịu trách nhiệm, nhưng đồng thời tìm hiểu con có bị ai bắt nạt như vậy hay không", Urbanski khuyên.