Dưới đây là 10 dấu hiệu nhận biết trẻ hư, khó bảo:
1. Lịch sự với người khác nhưng không biết cảm ơn bố mẹ
Đứa trẻ cư xử tốt với người khác, nhưng không thể hiện lòng biết ơn với các thành viên trong gia đình là rất tồi tệ. Trẻ em quên nói lời cảm ơn không phải vì cố ý hay vì muốn làm tổn thương ai đó mà là vì cho rằng mọi thứ gia đình làm cho là hiển nhiên.
Các nhà tâm lý học tin rằng hành vi như vậy có thể gây ra những vấn đề trong việc xây dựng mối quan hệ giữa các cá nhân trong tương lai, bởi bố mẹ không dạy trẻ biết ơn những người gần gũi và thân thương nhất với chúng.
2. Đối phó với những công việc nhà đơn giản
Bố mẹ nên giúp con trở nên độc lập. Khi 3 tuổi, trẻ có thể nhặt đồ chơi; 5 tuổi có thể giúp đỡ công việc nhỏ. Năm 10 tuổi, trẻ gọt được vỏ khoai tây, giúp gia đình làm bữa tối. Nếu tất cả nỗ lực lôi kéo trẻ vào công việc gia đình đều thất bại vì trẻ không muốn, không thể hoặc không muốn học cách làm và bố mẹ chấp nhận hành vi đó, nó sẽ khiến trẻ sinh hư.
Theo một số thống kê, trẻ em hiện đại ở độ tuổi 3-12 dành khoảng 3 tiếng mỗi tuần để hỗ trợ các công việc gia đình và không dưới 14 tiếng mỗi tuần ngồi trước máy tính. Nhưng nếu đứa trẻ không có bất kỳ trách nhiệm gì, làm sao chúng có thể đối phó với những công việc khi trưởng thành?
3. Không hòa đồng với bạn bè
Khi giao tiếp với những đứa trẻ khác, một đứa trẻ hư thường không nhận thức được cần "có đi có lại". Việc không thể cân nhắc nhu cầu của người khác và thiếu sự đồng cảm khiến bạn bè không muốn chơi với chúng. Vì vậy, đứa trẻ bắt đầu cảm thấy không thoải mái và thường đổ lỗi cho người khác. Nếu trẻ bị bạn bè xa lánh, bạn cần dành thời gian giúp con khắc phục.
4. Nổi giận khi không nhận được những gì mong muốn
Trẻ mới biết đi không biết cách thể hiện cảm xúc nên thường khóc, rên rỉ, hành động bực bội, bò ra sàn và nổi cơn thịnh nộ. Đó là điều bình thường và bạn chỉ cần giúp chúng trấn an.
Tuy nhiên, trẻ đến tuổi đi học mà vẫn hành động như vậy thì không phải chuyện bình thường. Chúng đang cố mè nheo để bố mẹ mủi lòng và làm theo mọi điều chúng muốn. Hãy nhớ rằng nếu sau một cuộc đối đầu, bố mẹ cảm thấy trống rỗng và kiệt sức, nhưng đứa trẻ có thứ chúng muốn và trông khá hạnh phúc thì có gì đó không ổn trong mối quan hệ này.
5. Không thích các hoạt động liên quan đến cạnh tranh
Thay vì nuôi dạy con như những nhà vô địch, bố mẹ nên dạy cho trẻ bài học quan trọng là đôi khi cũng có thất bại và không có gì phải xấu hổ. Việc tham gia các cuộc thi là để thử sức mình, học hỏi thêm nhiều điều, có thêm bạn mới, dù trẻ thắng hay thua.
6. Nói chuyện với bố mẹ như với bạn bè cùng trang lứa
Đứa trẻ hư hỏng không phải lỗi của chúng mà là của phụ huynh. Bạn đã thất bại trong việc thiết lập ranh giới, đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt và không đưa ra bất kỳ định hướng nào trong cuộc sống. Kết quả là đứa trẻ không cảm thấy uy quyền của bạn. Chúng tin rằng mình có vị trí ngang bằng bạn trong gia đình, thậm chí có thể cao hơn nên hành động một cách thiếu tôn trọng và tự phụ.
7. Muốn chiếm hết thời gian rảnh của bố mẹ
Một đứa trẻ hư sẽ phụ thuộc nhiều vào các thành viên trong gia đình, là trung tâm của gia đình, bố mẹ trở thành nguồn hạnh phúc của chúng.
Bạn cần quan tâm đầy đủ đến trẻ nhưng nên cho chúng hiểu rằng bạn cũng có những nhu cầu riêng. Cuộc sống gia đình chỉ xoay quanh những mong muốn của một đứa trẻ thì đó chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy bạn đang làm hư chúng.
8. Tranh cãi với người lớn
Bạn đã bao giờ gặp phụ huynh luôn bảo vệ con và chăm sóc lợi ích của chúng nếu ai đó buộc tội con làm sai điều gì chưa? Một mặt, đó là kiểu hành vi tự nhiên nhưng nếu bố mẹ cứ đổ lỗi cho giáo viên và những người khác, đứa trẻ sẽ bắt đầu có cảm giác có thể thoát khỏi mọi thứ. Chúng có thể nghĩ rằng mình luôn đúng và những người khác chỉ là kẻ ngốc không biết gì.
9. Không hiểu giá trị của đồng tiền
Đứa trẻ nên hiểu rằng tiền không xuất hiện ở bất cứ đâu và bố mẹ phải làm việc rất chăm chỉ để có được nó. Nếu không, trẻ sẽ sinh hư, nghĩ rằng tiền dễ kiếm và bố mẹ cần đáp ứng mọi mong muốn của chúng.
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ hư ít có khả năng độc lập về tài chính và có nguy cơ mắc nợ cao hơn khi lớn lên. Chúng đã quen với thực tế những gì mong muốn đều thành sự thật mà không cần đến nỗ lực. Khi lớn lên, chúng sẽ vay tiền để thực hiện mong muốn mà không nghĩ trước cách trả nợ.
10. Phàn nàn về việc "bị chán"
Đứa trẻ 1 tuổi có thể tập trung vào một nhiệm vụ trong khoảng 15 phút. Đến 3 tuổi, trẻ thường có thể tự giải trí. Không biết cách đối phó với sự nhàm chán và luôn chờ đợi ai đó mua vui thì thực sự là đứa trẻ hư. Một nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ càng có nhiều đồ chơi thì càng khó tập trung vào một trò chơi và phát triển khả năng sáng tạo.
Dương Tâm (Theo Bright Side)