Thất tình là một cảm giác lẻ loi và tuyệt vọng do thất bại trong tình yêu. Theo chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng Tư vấn TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM, trong cuộc sống hầu hết mọi người sẽ nếm trải cảm giác thất tình dưới những hình thức khác nhau.
Nhiều người vẫn than rằng "Quá khó để thoát khỏi nỗi đau thất tình", hình ảnh của "người yêu hụt" cứ ám ảnh mãi trong tâm trí họ, có thể trong một vài năm, thậm chí vài thập kỷ. Ngược lại, một số người lại luôn xem kinh nghiệm thất tình là một điều thú vị trong quá khứ. Những suy nghĩ về một mối quan hệ đổ vỡ chỉ khiến họ phân tâm một thời gian rồi thôi.
Thất tình ở mức độ "nặng" được xem là một căn bệnh về tâm lý. Nếu không được "chữa khỏi" kịp thời, nó có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí thôi thúc người ta tự sát hoặc giết người mình yêu.
Vậy, bạn hãy thử hỏi lòng xem đã bao giờ mình đã phải lòng ai trong quá khứ mà không được đáp trả, hiện bạn còn vẫn nhớ đến họ? Bạn đánh mất bản thân trong những suy nghĩ mê muội về người ấy, nhất là trong lúc cô đơn. Suốt ngày bạn thơ thẩn cất tiếng hát não nề "Đời việc gì đến sẽ đến. Nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên". Thực ra đó mới chỉ là một chút hương vị của cảm giác thất tình mà thôi, chứ chưa đến nỗi thành "bệnh" đâu.
Thất tình trở thành "bệnh" khi bạn cảm thấy tuyệt vọng, chán sống. Bạn bị từ chối tình cảm, nỗi đau và sự ám ảnh khiến bạn không thể yêu ai được nữa. Thật khó để đẩy những suy nghĩ về người đó ra khỏi đầu bạn. Cảm giác đau đớn cô lập bạn với mọi người xung quanh và ngay cả khi cố gắng thế nào, bạn cũng không thể tìm ra lối thoát.
Tất cả những gì bạn cần là chiếm được trái tim người ấy, trong khi chính bản thân mình cũng không thể không thể giải thích nổi vì sao ta chỉ cần người đó chứ không phải bất kỳ ai khác.
Mỗi ngày qua đi bạn thấy mình si tình, căng thẳng hơn, liều lĩnh hơn, dễ nổi nóng bởi sự vô tâm của "người yêu hụt", song lại dễ phấn chấn mỗi khi họ gây cho bạn bất kỳ sự chú ý nào. Bạn luôn ở trong trạng thái hỗn độn, phải chịu đựng sự rối loạn ám ảnh, chán nản và cảm giác đen tối.
Có một ranh giới vô cùng mỏng manh giữa sự đau khổ thông thường và bệnh thất tình. Vậy làm thế nào để biết mình có bị căn bệnh tâm lý này không? 10 dấu hiệu sau đây sẽ giúp bạn nhận ra điều đó. Và lời khuyên cho bạn nếu thấy mình có những đặc điểm này, hãy nói với bạn bè hay người thân để nhờ họ tư vấn, đồng thời cố gắng kéo mình ra khỏi vực sâu nguy hiểm do bạn "tự đào" này nhé!
1. Tính tình thất thường
Hầu như bạn luôn cảm thấy chán nản và tuyệt vọng, cho rằng không còn lý do nào để sống nếu thiếu tình yêu của người ấy.
Giả sử: Khi bạn yêu ai đó và mời họ đi chơi. Họ từ chối bạn ngay trong cuộc trò chuyện đầu tiên, bạn có thể bị thất tình trong vài giờ hoặc vài ngày nhưng hoàn toàn có thể vượt qua. Nhưng nếu bạn yêu người đó nhưng lại che giấu tình cảm của mình, hoặc nhận lại những tín hiệu lẫn lộn từ họ, đó là lúc bạn bắt đầu làm cho căn bệnh thất tình trở nên trầm trọng hơn. Để rồi khi người đó đi xa, bạn cảm mình không thể sống thiếu họ, nhưng lúc này đã quá muộn để nói ra sự thật.
2. Cô lập mình
Thất tình sẽ trở nên tệ hại hơn nếu người yêu từ chối bạn trong vài tuần hoặc vài tháng rồi sau đó trở lại để cố gắng lôi kéo sự chú ý khi mà bạn đang cố thoát ra. Cuối cùng họ lại quay lưng đi. Cảm giác lạc lõng và bối rối với những tín hiệu hiệu lẫn lộn từ đối phương khiến bạn thấy cuộc sống thật vô nghĩa khi không có người đó bên cạnh.
Khi ấy bạn muốn cô lập mình ra khỏi thế giới, không có gì làm bạn thích thú, trong khi không ai hiểu được những gì bạn đang nghĩ. Sự tuyệt vọng có thể khiến bạn nghĩ đến hành động tự vẫn khi cho rằng "chết là chấm dứt mọi nỗi khổ", thay vì nhẫn nại và kiên định chịu đựng nỗi đau qua đi.
3. Luôn cảm thấy mệt mỏi
Căng thẳng tinh thần kéo dài làm bạn dễ dàng mệt mỏi, không còn chút năng lượng để làm bất kỳ điều gì mình muốn.
4. Chán ăn
Nhìn vào thức ăn bạn thấy buồn nôn, mất đi cảm giác ngon miệng. Từ đó dẫn đến tình trạng sụt giảm cân nặng.
5. Mất tập trung
Bạn luôn bị mất tập trung, thậm chí không làm gì, dù bạn thấy mình đã làm bằng hết khả năng.
6. Tình trạng rối loạn cưỡng chế
Bạn luôn kiểm tra hộp thư Email, Facebook hoặc trông điện thoại xem mình có nhận được tin nhắn mới từ người này hay không. Có thể bạn biết sẽ không có tin nhắn nào nhưng bạn luôn bắt mình phải kiểm tra, việc này trở thành một phần cuộc sống của bạn.
7. Tích trữ kỷ niệm
Bạn quý trọng ký ức về người ấy và giữ chặt những điều nhỏ bé tưởng chừng như vô nghĩa, có thể chỉ là một tấm vé xem phim hoặc một sợi tóc. Bạn khó có thể chịu đựng nỗi đau nếu bị mất nó bởi vật đó có ý nghĩa to lớn đối với bạn.
8. Suy diễn quá mức
Bạn dành hàng giờ để phân tích những điều người ấy nói, ngôn từ người đó sử dụng. Bạn luôn cố gắng nhìn mọi thứ từ nhiều quan điểm khác nhau thậm chí đó chỉ là điều bình thường như một cái vẫy tay hoặc một lời chào.
9. Khóc ròng
Sự ra đi của một người khiến bạn khóc ngay cả khi không có lý do gì. Bạn cảm thấy chán nản từ những thứ nhỏ nhất đến cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nỗi đau khổ chiếm trọn trái tim khiến bạn trở nên mẫn cảm, dễ bị tổn thương về mọi phương diện.
10. Mất ngủ
Bạn không thể ngủ được, thậm chí phải uống thuốc an thần. Mỗi khi nằm xuống, tâm trí bạn tràn đầy những suy nghĩ về tình yêu và "người yêu hụt" đó. Bạn mất hàng giờ trằn trọc trên giường cho đến khi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Thi Trân