Dưới đây là những món rất đặc sắc bạn có thể mua làm quà cho người thân dịp Tết cận kề:
Ô mai, bánh cốm Hà Nội
Với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt như hội tụ tinh hoa của ẩm thực Hà Thành, ô mai là thứ quà được nhiều người chọn mua làm quà khi rời Hà Nội. Bạn có sự lựa chọn đa dạng các loại ô mai như mơ, mận, gừng, sấu, khế, chanh, hồng, đào, me… tập trung nhiều ở phố Hàng Đường.
Là đặc sản của Hà Nội, bánh cốm hấp dẫn bởi lớp cốm dẻo quánh bên ngoài, lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong, thoang thoảng hương thơm tự nhiên của bưởi. Bạn có thể mua ở phố Hàng Than.
Bánh đậu xanh Hải Dương
Từ lâu loại bánh này đã trở thành thứ đặc sản mà bất cứ người dân Hải Dương nào cũng phải tự hào. Bánh được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, trộn với một ít mỡ và đường tạo nên hương vị bánh vừa thanh ngọt vừa béo ở đầu lưỡi. Bánh được đóng trong hộp giấy tiện dụng để mua làm quà.
Bạn có thể mua bánh đậu xanh ở thành phố Hải Dương, các cửa hàng trên quốc lộ 5. Ảnh: Ngoisao. |
Cơm cháy Ninh Bình
Là một trong những đặc sản của vùng đất cố đô, cơm cháy được chế biến theo quy trình kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu. Để cơm được ngon người ta dùng gạo nếp hương, nấu bằng nồi gang trên than củi, để lửa cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên, để chỗ thoáng, lúc gần ăn mới chiên giòn. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo.
Bánh gai Nam Định
Ở Nam Định có khá nhiều nhà trồng lá gai, đó là nguyên liệu chủ yếu làm nên vị ngon đặc trưng của bánh gai. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi. Nổi tiếng nhất là bánh gai bà Thi, được nhiều người mua làm quà mỗi khi ghé thăm nơi đây.
Bánh cáy Thái Bình
Làm bánh cáy phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ việc ngâm nếp, nấu xôi gấc, lấy nước gừng, rang thóc thành hạt “nẻ” (vỏ thóc bóc ra), mỡ phần, nạo dừa, ngâm đường 15 ngày. Ngoài ra còn phải chuẩn bị mạch nha, hương hoa bưởi, mứt bí… Đầu tiên, người ta chiên hạt nếp đã rang đến khi giòn và có màu trứng cáy. Sau đó, trộn các nguyên liệu còn lại vào với nhau cho đến khi chúng kết dính với nhau thành một khối như cục bột và cho vào khuôn có sẵn để ép thành bánh cáy thành phẩm.
Bánh cáy khi ăn cắt thành khúc. Ảnh: Ngoisao. |
Chè Thái Nguyên
Từ lâu, chè Thái Nguyên đã trở thành một thức quà đặc biệt của nhiều du khách khi ghé thăm xứ chè. Sau quy trình hái và chế biến nghiêm ngặt, chè có hương thơm dịu đặc trưng, màu nước xanh trong, vị chát dịu khi mới uống, sau đó là vị ngọt lắng sâu. Các loại chè đa dạng về hương vị, khối lượng để bạn lựa chọn mua làm quà.
Chả mực Hạ Long
Điều làm nên hương vị đặc trưng cho chả mực Hạ Long nằm ở kỹ thuật giã tay, thay vì xay máy như nhiều nơi khác. Sau khi được nêm nếm gia vị, những miếng chả tròn đầy được rán trên chảo dầu sôi sục cho chuyển sang màu vàng bắt mắt và tỏa hương thơm nức mũi. Nhờ vậy, chả mực Hạ Long có độ giòn và vị đậm đà rất tự nhiên, thích hợp để ăn kèm xôi trắng hoặc bánh ướt.
Chả mực Hạ Long được nhiều người ưa thích. Ảnh: Nguyên Chi. |
Măng khô Hòa Bình
Măng khô được chế biến từ măng tươi bằng cách phơi kiệt và sấy khô hoàn toàn. Nếu gặp được nắng, măng có màu vàng ruộm tự nhiên. Nếu thời tiết không thuận lợi, những người làm măng sẽ treo măng lên gác bếp, khi măng khô sẽ chuyển sang màu vàng. Lúc này người ta mới xé măng ra thành từng miếng nhỏ hơn rồi phơi thêm lần nữa cho khô hẳn. Măng khô có thể kết hợp chế biến nhiều món như hầm xương, miến ngan… thích hợp làm quà tặng cho gia đình.
Bánh cóc mò Thái Nguyên
Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm nếp vài giờ cho nếp mềm. Lá chuối xé miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc bánh. Bánh cóc mò được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là chín, được bán thành chùm ở các chợ trên Thái Nguyên.
Lạp xưởng Điện Biên
Lạp xưởng thường làm trước dịp Tết vài ba tháng, để quanh năm không hỏng, ăn quanh năm lúc nào cũng thấy ngon. Lòng để làm lạp xưởng là lòng non. Nhân làm lạp xưởng là thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, những phần ngon của thịt lợn. Lạp xưởng được nhồi căng, đem phơi dưới nắng khoảng 3 ngày rồi treo lên gác bếp, là món ăn trong nhiều dịp lễ Tết của người Điện Biên.
Xem thêm: Những món ăn nghe tên là thấy Tết
Má Lúm