Dạy trẻ làm việc nhà từ nhỏ
Julie Lythcott-Haims, cựu hiệu trưởng trường Cao đẳng, trực thuộc Đại học Stanford và là tác giả của cuốn sách "Nuôi dạy con cái", tin rằng làm việc nhà là bước đệm và công cụ học tập giúp trẻ tự tin, xây dựng khả năng phục hồi và trở nên độc lập khi lớn hơn.
Làm việc nhà cũng khuyến khích trách nhiệm, tinh thần làm việc nhóm và kỷ luật công việc cần thiết trong cuộc sống sau này. Ngoài ra, trẻ làm việc nhà từ nhỏ thường có lòng nhân ái và trách nhiệm hơn.
"Bằng cách dạy trẻ làm việc nhà, trẻ sẽ sớm nhận ra mình phải làm công việc của cuộc sống để trở thành một phần của cuộc sống", Julie Lythcott-Haims nói.
Dạy trẻ kỹ năng xã hội từ nhỏ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke đã theo dõi hơn 700 trẻ trên khắp nước Mỹ từ khi 5 tuổi đến năm 25 tuổi. Họ phát hiện ra trẻ có kỹ năng chia sẻ, lắng nghe, hợp tác và tuân thủ quy tắc ở tuổi lên 5 thường thành công hơn trong tương lai.
Những đứa trẻ có kỹ năng xã hội mạnh mẽ và có thể hòa đồng với các bạn đồng trang lứa, có khả năng kết bạn dễ hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng tình bạn thời thơ ấu rất tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ, mang lại cho trẻ cơ hội thực hành các kỹ năng xã hội nâng cao hơn, như giải quyết vấn đề và giải quyết xung đột.
Ngược lại, trẻ em thiếu các kỹ năng xã hội và tình cảm có nhiều khả năng trở nên phụ thuộc vào sự trợ giúp của nhà nước, gặp rắc rối pháp lý, lạm dụng chất kích thích và gặp các vấn đề về mối quan hệ.
Cha mẹ đặt kỳ vọng cao vào trẻ
Neal Halfon, giáo sư Đại học California, Mỹ và đồng nghiệp nhận thấy kỳ vọng của cha mẹ có tác động rất lớn đến thành tích của trẻ, dựa trên dữ liệu khảo sát từ 6.600 trẻ sinh ra tại Mỹ năm 2001.
Phát hiện này xuất phát từ một bài kiểm tra tiêu chuẩn, trong đó 57% cha mẹ của những đứa trẻ có thành tích thấp nhất mong đợi con mình vào đại học, trong khi 96% cha mẹ của những đứa trẻ có thành tích tốt nhất mong đợi con mình vào trường đại học tốt.
Điều này trùng hợp với hiệu ứng Pygmalion: Khen ngợi, tin tưởng và kỳ vọng có một loại năng lượng có thể thay đổi hành vi của con người. Khi một người nhận được sự tin tưởng và khen ngợi của người khác, họ cảm thấy mình đã nhận được sự ủng hộ của xã hội, do đó nâng cao sự tự tin, có được động lực tích cực và cố gắng hết sức để đáp ứng mong đợi của đối phương nhằm tránh sự thất vọng.
Mặc dù vậy, không nên đặt nặng kỳ vọng dẫn đến sự áp đặt lên con trẻ vì vô hình chung sẽ mang kết quả ngược lại.
Cha mẹ yêu thương nhau
Theo nghiên cứu của Đại học Illinois, những đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ hòa thuận sẽ có điều kiện sống tương lai tốt hơn hẳn những đứa trẻ sống trong gia đình mâu thuẫn.
Giáo sư Robert Hughes, trưởng khoa Phát triển Con người và Cộng đồng thuộc Đại học Illinois cho biết xung đột giữa cha mẹ trước khi ly hôn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến con cái, trong khi xung đột sau ly hôn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của chúng.
Cũng theo nghiên cứu này, sau khi ly hôn, nếu người không có quyền nuôi con luôn dành tình yêu thương và liên lạc với đứa trẻ, đồng thời ít có tranh chấp với bạn đời cũ thì trẻ vẫn phát triển tốt và đạt thành công. Những trẻ sống trong gia đình đơn thân hoặc chưa ly hôn nhưng bố mẹ luôn cãi cọ, xung đột, chúng luôn tự ti và có tâm lý bất ổn.
Cha mẹ có trình độ học vấn cao hơn
Một nghiên cứu năm 2014 do nhà tâm lý học Sandra Tang của Đại học Michigan cho thấy, cha mẹ có trình độ học vấn cao có nhiều khả năng nuôi dạy những đứa trẻ có trình độ học vấn cao hơn.
Nghiên cứu trên 14.000 trẻ mẫu giáo từ năm 1998 đến năm 2007 cho thấy con của những bà mẹ ở tuổi vị thành niên (từ 18 tuổi trở xuống) ít có khả năng hoàn thành bậc trung học hoặc đại học hơn những đứa trẻ khác.
"Trình độ học vấn của cha mẹ dự đoán đáng kể thành công về mặt giáo dục và sự nghiệp của trẻ sau 40 năm", nghiên cứu khẳng định.
Cha mẹ có xu hướng dạy trẻ học Toán sớm
Một phân tích tổng hợp năm 2007 với 35.000 trẻ mẫu giáo của nhà nghiên cứu Greg Duncan đến từ Đại học Northwestern tại Mỹ, Canada và Anh cho thấy việc phát triển kỹ năng toán học sớm từ trẻ có thể mang lại những lợi thế to lớn.
Theo Greg Duncan, các kỹ năng Toán học bao gồm: Khái niệm về số, thứ tự độ lớn và các khái niệm Toán học cơ bản. Việc nắm vững các kỹ năng này không chỉ giúp trẻ đạt được kết quả tốt trong việc học tập sau này mà còn nâng cao khả năng đọc của trẻ.
Trẻ được chăm sóc chu đáo suốt 3 năm đầu đời
Lee Raby, nhà tâm lý học tại Đại học Minnesota từng nghiên cứu 300 người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó cho thấy: Những đứa trẻ được chăm sóc chu đáo trong ba năm đầu đời không chỉ có khả năng đạt kết quả tốt trong các kỳ thi thời thơ ấu mà còn dễ có những mối quan hệ lành mạnh và thành tích học tập cao hơn khi đã ngoài 30.
"Điều này cho thấy đầu tư vào mối quan hệ cha mẹ và con cái sớm có thể mang lại ảnh hưởng tích cực lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ", Lee Raby nói.
Cha mẹ khuyến khích trẻ làm việc chăm chỉ và không trốn tránh thất bại
Carol Dweck, nhà tâm lý học tại Đại học Stanford phát hiện ra rằng người lớn và trẻ em suy nghĩ về thành công theo hai cách. Một là "suy nghĩ cố định" rằng thành công là kết quả của trí thông minh, khả năng sáng tạo bẩm sinh, không thay đổi. Hai là "tư duy tăng trưởng" khi nhận thấy thất bại chỉ là bàn đạp khích lệ, là cơ hội học hỏi và là hướng phát triển tự nhiên theo mô hình xoắn ốc để đi đến thành công.
Cốt lõi trong sự phân biệt thành công của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của con cái trong tương lai. Cha mẹ của những người thành công thường không trông mong quá nhiều hay khen ngợi vào khả năng thông minh vốn có của con cái, họ dạy con "tư duy tăng trưởng" để trẻ tự phấn đấu, học tập và làm việc chăm chỉ hơn cho những thành tựu sau này.
Các bà mẹ là phụ nữ đi làm
Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard cho thấy các bà mẹ làm việc bên ngoài nhà rất có lợi cho sự phát triển của con cái.
Những cô gái lớn lên trong kiểu gia đình này có xu hướng học tập ở trường lâu hơn, đảm nhận những vai trò quan trọng hơn trong tương lai và kiếm được nhiều tiền hơn 23% so với những bạn cùng trang lứa có mẹ là nội trợ. Trong khi đó, con trai có xu hướng đảm nhận nhiều trách nhiệm gia đình hơn, khi chúng dành thêm 7,5 giờ mỗi tuần để chăm sóc con cái và thêm 25 phút làm việc nhà.
Cha mẹ có điều kiện kinh tế, xã hội cao
Theo nhà nghiên cứu Sean Reardon tại Đại học Stanford, khoảng cách thành tích của những đứa trẻ cha mẹ có thu nhập cao so với những đứa trẻ mà cha mẹ có thu nhập thấp là khá lớn, chênh lệch 30-40%. Lớn lên trong tình trạng thiếu thốn vật chất có thể giới hạn khả năng được bồi dưỡng và phát triển lên mức độ cao hơn của trẻ.
Điều kiện kinh tế, xã hội của cha mẹ ở mức cao có thể can thiệp sâu sắc và thúc đẩy nhiều thành tựu trong giáo dục cũng như hiệu suất thành công của con cái.
Trang Vy (Theo sohu)