Hôm 19/3, Nhà xuất bản Trẻ tri ân, tặng thưởng những tác giả có sách bán chạy với số lượng trên 100.000 bản, tính từ lúc tác phẩm được in tại đơn vị này lần đầu đến hết năm 2017. Trong 12 cuốn sách được thống kê, có 10 cuốn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (351.157 bản)
Truyện dài gồm 12 chương ra mắt độc giả Việt Nam vào năm 2008. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đưa độc giả ngược về năm tháng tuổi thơ với tình bạn trong sáng của bốn đứa trẻ sống cùng xóm là Tủn, Tí, Hải và Mùi.
Năm 2009, tác phẩm giành giải sách hay của Hội xuất bản Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Một năm sau, Nguyễn Nhật Ánh nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á với tác phẩm này.
Năm 2014, cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh được dịch giả William Naythons chuyển ngữ, nhà xuất bản Overlook, Mỹ, ấn hành với tên tiếng Anh là Give me a ticket to childhood. Trước đó, tác phẩm được dịch sang tiếng Hàn Quốc và Thái Lan.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (249.123 bản)
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của anh em Thiều - Tường. Thiều hiếu động, nhiều lần vô tình khiến em trai chịu vạ sau những trò quậy phá do cậu gây ra. Tường sống nội tâm, ham đọc sách, đặc biệt là những câu chuyện cổ tích. Hai anh em khác tính nhưng luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Thiều và Tường dẫn người đọc vào thế giới ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ mới lớn. Trong một lần hiểu lầm em trai, sự hẹp hòi và đố kỵ của Thiều đã khiến Tường bị thương nặng, không thể ngồi dậy. Cậu tỏ ra ân hận và dành thời gian chăm sóc em trai.
Truyện còn khắc họa mối tình trong trẻo giữa Thiều và Mận - cô gái mất cha trong vụ hỏa hoạn, được gia đình cậu cưu mang. Cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, những đứa trẻ trong tác phẩm dần trưởng thành và gắn kết tình cảm với nhau. Năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể thành phim. Dự án điện ảnh do Victor Vũ thực hiện.
* Trailer "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Tôi là Bêtô (148.915 bản)
Truyện về loài vật của Nguyễn Nhật Ánh ra đời năm 2011. Tác phẩm xoay quanh tình bạn giữa Bêtô với Laica (cún con), Binô sống trong gia đình cô chủ Ni.
Trong tác phẩm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xây dựng nhân vật Bêtô có ngôn ngữ và tính cách riêng. Chú chó trải qua hơn 100 cuộc phiêu lưu ly kỳ với nhiều cung bậc cảm xúc: từ niềm vui, dũng cảm đến nỗi buồn, giận dữ và sợ hãi. Thông qua thủ pháp nhân hóa, tác giả muốn gửi thông điệp về tình yêu, sự gắn kết giữa con người với loài vật, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ thơ. Năm 2008, Tôi là Bêtô giành giải "Tác phẩm văn học hay nhất" do Hội nhà văn TP.HCM trao tặng.
Cô gái đến từ hôm qua (134.256 bản)
Tác phẩm kể về mối tình thơ ngây tuổi học trò với hai nhân vật chính là Anh Thư và Tiểu Li. Cô gái đến từ hôm qua đan xen giữa chuyện quá khứ và hiện tại của chàng Thư. Hồi còn nhỏ, Thư thích thú sai khiến, bắt nạt cô bạn hàng xóm – Tiểu Li. Sau này, gia đình Tiểu Li chuyển nhà, Thư buồn bã giữ lại cuốn sổ ghi kỷ niệm hai đứa. Những năm học cấp ba, Thư say mê cô bạn cùng lớp tên Việt An và tìm cách tán tỉnh.
Việt An dùng mọi chiêu trò, tạo thử thách trên hành trình chinh phục tình cảm của Thư. Chán nản và mệt mỏi, Thư nhớ khoảng thời gian vui vẻ bên Tiểu Li. Tác phẩm mang đến cảm xúc trong trẻo, ngây ngô về thời học sinh, đặc biệt là những rung động của tình yêu đầu đời. Ấn bản đầu tiên của sách ra đời năm 1989.
Năm 2017, sách được chuyển thể thành phim. Dự án điện ảnh do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn.
* Trailer "Cô gái đến từ hôm qua"
Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (123.154 bản)
Sách gồm năm chương với 86 câu chuyện về năm chú chó sống trong một gia đình. Câu chuyện về tình bạn giữa chúng với chị Ni, bố mẹ chị Ni và các vị khách đến nhà vẽ nên một thế giới trong trẻo, dễ thương. Cuộc đời của các con chó nhỏ: Haili, Batô, Suku, Êmê và Pig được tái hiện như đời sống của mỗi con người với tình bạn, tình yêu, đam mê, lòng dũng cảm, sự sợ hãi, và những ước mơ... Những suy nghĩ về cuộc sống, tính cách con người cũng được thể hiện qua lăng kính của loài chó dưới ngòi bút hóm hỉnh và tài hoa của Nguyễn Nhật Ánh.
Nhân vật cún trong truyện được xây dựng từ chính các chú chó đang sống cùng nhà văn. Sống chung nhà, cùng chia sẻ kỷ niệm, giữa nhà văn và các chú chó dường như có một sự thông cảm, thấu hiểu nhau như những người bạn. Theo Nguyễn Nhật Ánh, anh có thể hiểu bạn mình mà "không cần thông dịch". Vì thế, tác giả muốn "đại diện" các chú chó ghi lại các câu chuyện của chúng, lồng vào đó là những tâm sự về cuộc sống xung quanh, những mối tình thâm và đồng cảm về nghệ thuật.
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (118.020 bản)
Sách ra mắt độc giả Việt Nam vào năm 2012. Truyện kể về mối tình của thi sĩ mèo Gấu với nàng mèo Áo Hoa. Song song đó là tình bạn cảm động giữa mèo Gấu và chuột Tí Hon. Tất cả mối quan hệ này được kể bằng mạch truyện hồn nhiên, trong sáng đúng chất của thể loại đồng thoại. Sách dày hơn 200 trang, có 67 hình vẽ minh họa sinh động, ngộ nghĩnh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường xen kẽ những bài thơ tình lãng mạn.
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ viết về tình yêu nhưng người lớn có thể hoàn toàn yên tâm để trẻ con thưởng thức. Tình yêu của mèo Gấu, như câu kết của tác giả, là tình yêu "luôn tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh mà với nó bất cứ ai cũng có thể tạo nên phép màu cho thế giới này".
Mắt biếc (108.204 bản)
Tác phẩm thuộc loại truyện viết về tình yêu thanh thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện xoay quanh chuyện tình cảm của đôi trẻ Ngạn - Lan. Hai người gắn bó với nhau từ thuở ấu thơ. Tình bạn Ngạn dành cho Lan dần trở thành tình yêu thầm lặng. Sau này, cả hai rời làng lên thành phố học, Lan đem lòng yêu Dũng - thanh niên nhà giàu, thiếu đứng đắn - mà không biết tấm lòng của Ngạn luôn hướng về cô.
Ngạn đau khổ nhưng vẫn chúc phúc cho người cậu yêu. Mỗi khi bị Dũng làm tổn thương, Lan tìm đến Ngạn để dốc bầu tâm sự. Sau này, Lan mang thai với Dũng nhưng bị cậu ta ruồng bỏ. Cô sinh bé Trà Long và gửi về cho mẹ nuôi. Bằng tình yêu và sự cảm thông, Ngạn hết lòng chăm lo cho Trà Long đến khi khôn lớn. Ấn bản đầu tiên của sách ra đời năm 1990. Năm 2003, Mắt biếc được chuyển ngữ sang tiếng Nhật.
Chúc một ngày tốt lành (103.027 bản)
Truyện mở ra hình ảnh khu vườn nhà bà Đỏ - nơi ghi dấu cặp tình bạn của heo Lọ Nồi, Đuôi Xoăn, cún Mõm Ngắn, đàn gà chíp... Một ngày nọ, các con vật cảm thấy cuộc sống đơn điệu và chán nản.
Để tạo không khí vui tươi, chúng bày trò kêu những tiếng lạ tai. Đầu tiên, heo nói tiếng gà, chó kêu tiếng heo, gà gáy gâu gâu rồi ủn ỉn. Sau đó, nhóm loài vật cách tân ngôn ngữ để có thể giao tiếp với con người. Chúng sáng tạo ra những câu như: "Gô un un" (Chào buổi sáng), "Un gô gô" (Chúc ngủ ngon), "Chiếp un un", "Ăng gô gô", "Chiếp chiếp gô"...
Bằng trí tưởng tượng, Nguyễn Nhật Ánh đã biến khu vườn nhỏ bé của mẹ con bà Đỏ thành thế giới giàu sức sống và nhiều điều mới lạ. Chúc một ngày tốt lành phát hành năm 2014.
Ngồi khóc trên cây (101.012 bản)
Truyện dài xoay quanh mối tình đầu của cô bé Rùa và chàng sinh viên ở quê đang theo học ở thành phố. Mối tình đầu trong veo cùng sự ngượng ngùng, không dám bày tỏ tình cảm chính là biểu hiện cho những khát khao về mối quan hệ thơ ngây, đẹp đẽ.
Không chỉ kể chuyện tình yêu đầu đời với những kỷ niệm của tuổi mới lớn Ngồi khóc trên cây còn gửi thông điệp về lòng tin và điều tốt luôn hiện hữu trên đời. Đọc tác phẩm, độc giả sẽ được trải qua một mạch cảm xúc rưng rưng của tình yêu thương, niềm yêu đời, và cuộc sống thấm đẫm tình người. Câu chuyện toát lên vẻ đẹp hồn hậu một cách giản dị, trong sáng như một đặc trưng truyện của Nguyễn Nhật Ánh.
Ngày xưa có một chuyện tình (100.123 bản)
Ngày xưa có một chuyện tình phát hành năm 2016. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời các nhân vật Vinh, Phúc và Miền. Cả ba cùng lớn lên ở một thị trấn miền Trung. Ba đứa trẻ trải qua những kỷ niệm khó quên của thời cắp sách đến trường, san sẻ nhiều niềm vui ngọt ngào, những nỗi buồn đắng ngắt đầu đời. Chúng có ước mơ, hoài bão nhưng ước mơ bị tan vỡ vì sa ngã của bản thân. Tình bạn đẹp của cả ba là mảnh đất cho tình yêu đâm chồi. Nhưng ở tuổi trưởng thành, các nhân vật bị đặt ở ngã ba đường. Họ phải trả giá cho sai lầm và phải lựa chọn một con đường để đến với hạnh phúc.
Ban đầu, Nguyễn Nhật Ánh đặt tên cho sách là Những đêm không ngủ ở Hà Lam (Hà Lam là một thị trấn ở tỉnh Quảng Nam). Tuy vậy, êkíp làm sách cho rằng tên này chưa nêu bật nội dung tác phẩm. Họ mất nhiều tháng nghĩ ra tên sách. Cuối cùng, chính Nguyễn Nhật Ánh chọn tên Ngày xưa có một chuyện tình.
Trọng Trường