Forbes đã rà soát 15.000 công ty niêm yết trong khu vực có doanh thu từ 5 triệu USD đến 1 tỷ USD. Tiêu chí lựa chọn là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và biên lợi nhuận trước thuế lớn hơn 10%, tăng trưởng doanh thu - lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) phải dương trong năm tài chính vừa qua và ba năm trở lại đây, nợ dưới 75% vốn chủ sở hữu và đã niêm yết ít nhất 1 năm.
Chỉ 13 quốc gia có đại diện lọt top 200 năm nay. Cũng như năm ngoái, Trung Quốc thống trị danh sách với 89 cái tên. Sự phục hồi kinh tế tại Nhật Bản cũng giúp nước này có 17 công ty lọt top, tăng mạnh so với chỉ khoảng 4 công ty vài năm gần đây. Ngoài Việt Nam, khu vực Đông Nam Á còn có các doanh nghiệp từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore.
200 công ty trong danh sách này chỉ được liệt kê và không có xếp hạng. Chỉ 52 đại diện là có mặt từ năm ngoái. Lĩnh vực đóng góp nhiều cái tên nhất là Công nghệ thông tin với 55 hãng.
Năm 2010, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong danh sách. Con số này đã tăng lên 10 trong năm 2011 và xuống 8 năm ngoái. Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định và Công ty cổ phần Container là hai hãng còn trụ lại từ năm 2012.
Dưới đây là danh sách 10 công ty Việt Nam lọt top 200 châu Á - Thái Bình Dương:
Tên công ty |
Doanh thu (triệu USD) |
Lợi nhuận (triệu USD) |
Giá trị thị trường (triệu USD) |
Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định | 16 | 4 | 31 |
Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình vũ |
23 | 9 | 65 |
Công ty cổ phần Sách Giáo dục tại Hà Nội |
7 | 1 | 4 |
Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương |
26 | 4 | 38 |
Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa |
45 | 4 | 18 |
Công ty Dịch vụ Vệ sinh công nghiệp (Pan Pacific) |
14 | 4 | 17 |
Công ty Đại lý vận tải SAFI |
16 | 2 | 8 |
Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam |
22 | 3 | 28 |
Công ty cổ Phần Bao Bì Dầu Thực Vật |
17 | 2 | 12 |
Công ty cổ phần Container Việt Nam |
37 | 11 | 52 |
Thùy Linh (theo Forbes)