Thứ tư, 22/1/2025
Thứ tư, 26/10/2016, 21:00 (GMT+7)

10 cổ thư ẩn chứa thông điệp khó giải mã

Nhiều bản thảo cổ đại được viết bằng ngôn ngữ và hình minh họa khó hiểu, khiến giới khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc giải mã thông điệp ẩn chứa trong đó.

Đoạn văn bản "liber linteus" lưu giữ trên vải bọc của một xác ướp Ai Cập niên đại khoảng 2.200 năm được viết bằng tiếng Etrusca, loại ngôn ngữ sử dụng ở Italy thời cổ đại. Xác ướp và tấm vải bọc này đang nằm trong Bảo tàng Zagreb, Croatia. Tuy nội dung văn bản còn nhiều bí ẩn, các nhà khoa học tin rằng đây thực chất là một cuốn lịch về nghi lễ an táng. Ảnh: Wikimedia.

"Phúc âm của Đức mẹ Maria" lưu giữ ở Đại học Harvard, Mỹ, là bản thảo cổ xưa viết bằng tiếng Coptic, một thứ ngôn ngữ của người Ai Cập. Bản thảo có niên đại cách đây khoảng 1.500 năm. Ảnh: Live Science.

Năm 2014, Anne Marie Luijendijk, giáo sư tại Khoa Tôn giáo thuộc Đại học Princeton, Mỹ, cố gắng giải mã nội dung bản thảo. Luijendijk cho rằng, bản phúc âm bao gồm 37 lời sấm truyền dùng để dự đoán tương lai. 

"Sách chép tay Dresden" lần đầu xuất hiện tại Thư viện Hoàng gia ở Dresden, Đức, trong những năm 1730. Đây là cuốn sách của người Maya có niên đại khoảng 800 năm. Sách gồm 39 trang với chữ viết và hình minh họa đẹp ở cả hai bên. Năm 2016, nghiên cứu đăng trên tạp chí Thiên văn học trong Văn hóa chỉ ra cuốn sách ghi lại những giai đoạn hoạt động của sao Kim trên bầu trời, giúp người Maya tổ chức các sự kiện lễ nghi vào ngày chính xác. Ảnh: Alexander von Humboldt.

Năm 2006, Hội Địa lý Quốc gia Mỹ dịch "Phúc âm của Judas", một cuốn sách viết từ thế kỷ thứ ba nói về Judas Iscariot, người phản bội Chúa Jesus trong Tân Ước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng ý với nội dung bản dịch và cách giải thích trong cuốn sách. Ảnh: Joseph Barabe.

"Luận thuyết về những chiếc bình" là cuốn sách viết bằng tiếng Hebrew tiết lộ nơi cất giấu kho báu trong đền thờ vua Solomon. Bản sao cuốn sách được viết vào năm 1648 và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ảnh: Wikimedia.

"Người viết cuốn sách dựa vào các phương pháp diễn giải Kinh Thánh truyền thống để chỉ ra nơi cất giấu kho báu. Nhưng tôi nghĩ rằng đây chỉ là một tác phẩm hư cấu thú vị, không phải các chỉ dẫn có thật để tìm kiếm kho báu trong ngôi đền bị mất tích",  James Davila, giáo sư tại Đại học St Andrews, Scotland, nhận xét. 

"Popol Vuh" là cuốn sách viết về những câu chuyện sinh giới, tôn giáo, hiện tượng bí ẩn, lịch sử, thiên văn, quá trình ra đời của thế giới động vật trên hành tinh và các huyền thoại của người Maya. Ảnh: Wikimedia.

Năm 1701, linh mục Francisco Ximenez dịch cuốn sách sang tiếng Tây Ban Nha. Bản thảo của cuốn sách dịch đang được bảo quản ở thư viện Newberry tại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. 

"Cuộn sách bằng đồng" là đoạn văn bản tiếng Hebrew khắc trên những tấm đồng được tìm thấy ở hang động tại Qumran, sa mạc Judean, có niên đại từ năm 70.

Nội dung của cuộn sách ghi lại chi tiết nhiều nơi chôn cất kho báu bao gồm vàng, bạc, tàu thuyền và tiền xu. Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa phát hiện kho báu nào ở Israel hay Palestine như trong mô tả của cuốn sách. Ảnh: Wikimedia.

Cuốn sách Grolier từ thế kỷ 13 được đặt tên theo tổ chức phi lợi nhuận Grolier Club ở New York, nơi trưng bày nó trong những năm 1970. Cuốn sách chứa chữ tượng hình của người Maya, hình minh họa các vị thần và lịch theo dõi sự chuyển động của sao Kim. Ảnh: Justin Kerr.

Josué Sáenz, nhà sưu tập người Mexico, cho biết ông mua lại cuốn sách Grolier từ một nhóm cướp vào cuối những năm 1960, nhưng nhiều học giả nghi ngờ về tính xác thực của nó. 

"Sổ tay sức mạnh của lễ nghi" là một cuốn sách thời Ai Cập cổ đại được viết bằng ngôn ngữ Coptic. Nó có niên đại cách đây khoảng 1.300 năm. Toàn bộ 20 trang sách đều làm từ giấy da. Nội dung cuốn sách tiết lộ nhiều câu thần chú, phép thuật về tình yêu, phương pháp trừ tà và chữa bệnh.

Năm 1981, các chuyên gia tại Đại học Macquarie, Australia, mua cuốn sách từ đại lý đồ cổ Michael Fackelmann ở Vienna, Áo, và trưng bày nó tại Bảo tàng Văn hóa Cổ đại trong trường. Tuy nhiên, lý do Michael Fackelmann có được cuốn sách đến nay vẫn là điều bí ẩn. Ảnh: Effy Alexakis.

"Bản thảo Voynich" là tên một trong những cuốn sách bí ẩn nhất thế giới ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1404 đến 1438. Wilfrid M. Voynich, một người Mỹ gốc Ba Lan, phát hiện bản thảo Voynich năm 1912. Cuốn sách dày 240 trang được viết bằng ngôn ngữ khó hiểu và có nhiều hình phác họa về các chủ đề thiên văn, sinh học, vũ trụ, thảo mộc, dược phẩm.

Hơn một thế kỷ qua, nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đã tiến hành 25 phân tích khác nhau về nội dung cuốn sách nhưng tất cả đều không thể giải mã thông điệp trong đó. Hiện nay, bản thảo Voynich được cất giữ tại Thư viện Beinecke, Đại học Yale, Mỹ. Ảnh: Wikimedia.


Xem thêm: Cổ thư của người Maya là sách viết tay lâu đời nhất châu Mỹ

Lê Hùng