Cho dù bạn là chủ doanh nghiệp hay người làm công ăn lương thì việc tạo thương hiệu cá nhân đều có tầm quan trọng như nhau. Nó góp phần định hình nền móng sự thăng tiến trong tương lai và phát triển về nghề nghiệp. Dưới đây là những yếu tố có thể tham khảo để xây dựng thương hiệu cá nhân.
Tham gia nhóm ngành nghề chung
Bạn có thể tham gia những chương trình, sự kiện chuyên ngành cho doanh nghiệp tại địa phương hay liên kết vùng, miền... Bên cạnh đó cũng cần đăng ký thành viên những nhóm trực tuyến chung ngành nghề trên các phương tiện truyền thông xã hội, trang web cá nhân. Điều này sẽ giúp tạo mối quan hệ, quảng bá hình ảnh và thông tin cá nhân. Quan trọng hơn, từ đó bạn sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi kiến thức, mở rộng tầm nhìn, tạo vị thế trong cộng đồng ngành nghề chung.
Tận dụng các dịp tham dự hội nghị
Nhiều nhân viên dự hội nghị chuyên ngành một cách miễn cưỡng, xem đây là những buổi nói chuyện nhàm chán, đến ngồi chỉ cho có rồi về. Tuy nhiên mỗi sự kiện đều mang lại giá trị của nó nếu biết cách tận dụng. Tại đây, bạn có thể gặp gỡ những người có chung sở thích, đam mê kinh doanh, cùng tìm hiểu công nghệ, trao đổi kỹ năng, mở rộng quan hệ, tìm các cơ hội hợp tác hay nghề nghiệp mới... Hoặc chí ít, với những người phải thường xuyên làm việc ở văn phòng thì thời gian dự hội nghị cũng là một cách thay đổi môi trường để "refresh", tìm lại cảm hứng trong công việc.
Viết blog
Blog không chỉ là nơi chia sẻ những vấn đề tình cảm riêng tư mà còn là nơi thể hiện quan điểm cá nhân về kinh tế, văn hóa, chính trị... Những bài viết phân tích đa dạng chủ đề sẽ thể hiện tầm nhìn của chủ blog, trình độ, sự hiểu biết, nhạy bén trong nắm bắt và mổ xẻ vấn đề, năng lực bản thân. Từ đó sẽ dẫn dắt người đọc cùng thảo luận về chủ đề, thiết lập mối quan hệ.
Mang theo danh thiếp
Nhiều người cho rằng danh thiếp đang lỗi thời trong thời đại công nghệ phát triển mạnh như hiện tại. Tuy nhiên việc trao danh thiếp cho người đối diện thể hiện sự tôn trọng họ và sự chỉn chu trong giao tiếp của bạn. Hơn nữa, những thông tin thiết yếu như tên, chức vụ, số điện thoại, e-mail... đều được in trên danh thiếp, khi cần thiết đối tác có thể liên hệ nhanh chóng.
Đăng tải thông tin trực tuyến có trách nhiệm
Không ít trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật hoặc sa thải vì những thông tin họ đã đưa lên mạng. Đó có thể là những nội dung không được phép công bố theo quy định công ty, thông tin sai lệch, một chiều, ý kiến cực đoan, hình ảnh nhạy cảm...
Do vậy cần cân nhắc khi đăng bất kỳ thông tin, hình ảnh nào lên các tài khoản mạng xã hội vì mặc dù đây là trang cá nhân nhưng nó vẫn có sức ảnh hưởng nhất định do có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Bình phẩm và chia sẻ ý kiến những người khác
Kết bạn với những người có uy tín, tiếng nói trong chuyên ngành, theo dõi những gì họ đăng tải trên các trang mạng xã hội và tham gia thảo luận, chia sẻ thông tin. Việc tương tác với họ sẽ tăng sự tín nhiệm của mọi người đối với bạn.
Tham gia hoạt động tình nguyện
Đừng ngần ngại tham gia vào các tổ chức từ thiện hay những hoạt động thiện nguyện. Điều này sẽ giúp bạn có được niềm vui khi sẻ chia với người khác, thay đổi quan niệm sống, trở nên lạc quan, yêu đời hơn. Đây cũng là dịp gặp gỡ nhiều người, tạo mối gắn kết và sự ảnh hưởng, học hỏi kỹ năng từ những chuyến đi.
Trao đổi, thảo luận với người lạ
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, người Mỹ mất đến 37 tỷ giờ mỗi năm khi xếp hàng và nhiều người chỉ đứng chờ đợi chứ không biết làm gì. Do đó cần tận dụng mọi khoảng thời gian để bắt chuyện với những người bên cạnh, tìm hiểu càng nhiều càng tốt. Không ai biết liệu người đối diện có thể là một đối tác tốt hay khách hàng tiềm năng nếu không có giao tiếp. Ngay cả khi việc làm quen không đem lại lợi ích cho việc kinh doanh thì nó cũng là một "bài tập" tốt để phát triển kỹ năng cá nhân về khả năng hòa nhập trong cộng đồng, tìm hiểu và thu thập thông tin đa chiều.
Tạo thông tin cá nhân nổi bật
Những kiến thức tiếp thu, chương trình đào tạo đã hoàn tất hay giải thưởng, kế hoạch thành công, sáng chế sản phẩm mới... cần được thể hiện một cách khéo léo trên blog hay tài khoản mạng xã hội. Đây là những thông tin thể hiện sự chuyên nghiệp, vững vàng về kiến thức, chuyên môn giúp bạn ghi điểm với các nhà tuyển dụng hay đối tác, thu hút những người trong cộng đồng mạng có chung sở thích, học vấn hay ngành nghề liên quan.
Tính chuyên nghiệp
Khi đã nhận một công việc thì dù không thích cũng cần hoàn thành một cách tốt nhất có thể với tinh thần trách nhiệm cao. Điều này giúp rèn luyện tính chuyên nghiệp và kỹ năng giải quyết vấn đề. Hợp tác tốt cùng đồng nghiệp cũng là cách tạo dấu ấn về năng lực bản thân, luôn nâng cao kiến thức chuyên môn, xây dựng kế hoạch làm việc và thực thi hiệu quả. Dần dần, thương hiệu cá nhân sẽ được hình thành, tiếp thị hiệu quả hình ảnh cá nhân cả trong ngắn và dài hạn.
Minh Trí