Trang nuôi dạy con Aha Parenting chia sẻ làm thế nào để lắng nghe con tốt nhất.
1. Dành sự chú ý
Khi con tâm sự với bạn, đây là thời gian dành cho việc lắng nghe và là cơ hội giúp hai bên kết nối. Bạn nên gác lại những mối bận tâm khác như công việc, tiền bạc và tập trung cao độ vào con.
Trẻ em rất giỏi quan sát và biết khi nào bố mẹ thực sự lắng nghe, khi nào không. Khi bố mẹ phớt lờ, trẻ có thể hờn dỗi hoặc ngừng chia sẻ, về lâu dài sẽ tạo nên khoảng cách lớn giữa hai bên. Đó có thể là lý do khi bạn hỏi con "Ngày hôm nay của con thế nào?" mà chỉ nhận được câu trả lời "Không có gì ạ".
Ngược lại, khi bạn dành sự chú ý cho con, các bé như được cổ vũ tinh thần để tiếp tục chia sẻ.
2. Tạo cuộc trò chuyện mở
Ngoài lắng nghe, việc tạo cuộc trò chuyện mở cũng rất quan trọng để thể hiện sự quan tâm của phụ huynh dành cho con cái. Bạn nên thừa nhận cảm xúc của con thay vì gạt đi hoặc đánh giá đúng hay sai. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi trực tiếp nếu muốn hiểu rõ hơn cảm xúc của con vì việc đi thẳng vào vấn đề có thể khiến trẻ cởi mở hơn.
Ví dụ, trẻ nói ghét anh trai mình. Thay vì bảo: "Con không được nói như vậy về anh" hay "Con làm vậy là sai, mau xin lỗi anh đi", bạn có thể nói: "Con chắc đã rất giận anh trai" hoặc hỏi: "Tại sao con lại ghét anh trai?". Từ đó, trẻ sẽ tiếp tục kể cho bạn nghe lý do và chia sẻ nhiều điều khác có liên quan.
3. Xác thực cảm xúc
Nếu không phải người nói nhiều hoặc đơn giản muốn lắng nghe con chia sẻ nhiều hơn, bạn có thể dùng những câu cảm thán để xác thực cảm xúc của trẻ. Ví dụ như: "Điều đó hẳn rất xấu hổ/ khó chịu/ đáng sợ", "Thảo nào con khó chịu", "Bố mẹ rất tiếc vì không có mặt để giúp đỡ"...
4. Đồng cảm thay vì thăm dò
"Hãy nói cho bố mẹ biết con cảm thấy thế nào?" không phải là câu hỏi thể hiện sự đồng cảm mà ngược lại mang nghĩa thăm dò, ra lệnh. Một người phù hợp để chia sẻ là người tạo dựng được sự đồng cảm, thân thiết gần như là ngang hàng với người nói. Sự đồng cảm sẽ khích lệ trẻ chia sẻ nhiều hơn.
Bạn có thể nói: "Sáng nay bố mẹ trông con có vẻ buồn", "Hôm nay con hơi yên tĩnh nhỉ" kèm theo nụ cười ấm áp.
5. Vị trí trò chuyện
Nhiều trẻ cảm thấy thoải mái trò chuyện khi bố mẹ không nhìn trực tiếp. Chẳng hạn, trẻ sẽ nói nhiều hơn khi bố mẹ đang lái xe, khi đi dạo phố hay mua sắm. Nếu không, bạn có thể tắt hết điện trong phòng và trò chuyện cùng con trước giờ đi ngủ.
6. Không bắt trẻ thay đổi cảm xúc
Khi trẻ bày tỏ cảm xúc tiêu cực, nhiều phụ huynh động viên con vui lên hoặc đánh lạc hướng sang câu chuyện khác. Tuy nhiên, việc đồng cảm với điều tồi tệ là cách tốt nhất để những cảm giác này tiêu tan.
Câu an ủi "Con hãy vui lên" thường không có giá trị vì trẻ không biết làm thế nào để loại bỏ cảm xúc tiêu cực. Trong khi đánh lạc hướng chỉ có tác dụng tức thời, sau đó những cảm xúc tồi tệ sẽ quay trở lại và làm trẻ bối rối.
7. Không thay trẻ giải quyết vấn đề
Nếu trẻ chưa kịp chia sẻ xong, bố mẹ đã nghĩ ra cách giúp con thì đây không phải cách trò chuyện hướng trẻ cởi mở hơn. Điều quan trọng là phụ huynh hãy kiên nhẫn lắng nghe con chia sẻ mọi điều.
Sau đó, bạn cũng không nên nghĩ cách giải quyết thay mà động viên con tìm cách. Phụ huynh có thể vì quá lo lắng mà sốt sắng giúp con nhưng nếu để trẻ tự làm thì sẽ giải tỏa cảm xúc tốt hơn, học được cách giải quyết vấn đề.
8. Giữ yên lặng
Có những tình huống, trẻ học cách giải quyết vấn đề thông qua việc tự nói chuyện và tự nhìn nhận bản thân. Việc bạn rao giảng bài học hay lên lớp con có thể tước đi cơ hội tự đánh giá của trẻ.
Nếu muốn trẻ biết bạn vẫn đang lắng nghe, hãy tạo ra âm thanh ngắn như: "Ồ", "Thế à".
9. Quản lý cảm xúc của bạn
Khi trẻ chia sẻ điều gì đó khiến bạn lo lắng, hoảng loạn hay bất bình, hãy giữ bình tĩnh. Trong tình huống này, trẻ cần người để chia sẻ không phải để mắng mỏ hay khiển trách. Bạn có thể khéo léo nhắc nhở con sau khi hiểu rõ vấn đề và trẻ được giải tỏa khúc mắc.
Ví dụ, khi trẻ nói "Con ghét cô giáo. Cô quát con trước mặt các bạn", hẳn nhiều phụ huynh sẽ không kìm được mà hỏi: "Sao? Con đã làm gì khiến cô quát con?". Thay vào đó, hãy sử dụng phương pháp đồng cảm như: "Chà điều đó chắc rất xấu hổ. Bố mẹ hiểu con đang thấy rất tức giận với cô".
Nếu bạn muốn nói chuyện với cô giáo hay giảng giải cho con việc làm sai, hãy xử lý sau. Điều quan trọng trước nhất là giúp trẻ giải tỏa cảm xúc và gợi ý cách giải quyết phù hợp.
10. Lắng nghe nếu trẻ khóc
Khi trẻ khóc, bố mẹ chỉ cần ở bên lắng nghe hoặc ôm ấp, vỗ về. Trong tình huống này, bạn khuyên con nín đi hầu như sẽ không có tác dụng. Khóc là hoạt động giải tỏa cảm xúc, không phải hành động xấu nên bạn hãy để con khóc thỏa thích. Sự hiện diện và vỗ về của bố mẹ sẽ khiến trẻ nhận ra các em luôn được yêu thương, có người để tâm sự sau này.
Tú Anh (Theo Aha Parenting)