Truy tìm căn nguyên
Theo Wikihow, chỉ khi bạn biết rõ nguyên nhân khiến mình bị áp lực, bạn mới có thể nghĩ cách giải quyết dứt điểm, khiến nó rời xa khỏi cuộc sống của bạn. Nếu căng thẳng là thứ không thể tránh khỏi, như công việc, học tập hay gia đình, vậy bạn hãy nghĩ cách rút ngắn thời gian chịu áp lực. Giảm thời gian đối diện với áp lực cũng là một bước để hạn chế những căng thẳng mình phải chịu đựng.
Suy nghĩ vấn đề theo góc nhìn mới mẻ, tích cực hơn
Đôi khi căng thẳng xảy đến là do chính góc nhìn của bạn. Bạn nên suy nghĩ, nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực hơn, cố gắng loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Nếu thay đổi quan điểm sống theo hướng tích cực, bạn sẽ chẳng bao giờ phải lo đối mặt với lo âu, căng thẳng.
Tổ chức lại cuộc sống
Rất nhiều khi, căng thẳng đến từ việc bản thân sống mà không theo một hoạch định nào cả. Mọi thứ cứ bị đảo lộn hết lên. Tốt nhất, bạn hãy lập cho mình một thời gian biểu hợp lý, tổ chức lại cuộc sống và chú trọng vào làm những việc bạn cho là quan trọng với mình. Nhìn mọi việc từ đại cục, khoa học, sẽ giúp bạn có tâm thái tích cực và giúp cuộc sống của bạn dễ chịu hơn hẳn.
Nghe nhạc
Theo một nghiên cứu của Đại học Khoa học Sussex, trong 6 phút nghe nhạc, căng thẳng đã giảm khoảng 61%. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc lắng nghe âm nhạc làm tâm trí được thư giãn, hạn chế tăng nhịp tim, hạ huyết áp và giảm lượng hormone gây stress.
Để âm nhạc giúp bạn giảm căng thẳng hiệu quả, bạn không nên chỉ nghe nhạc vào lúc đang bị căng thẳng cao độ mà nên kết hợp âm nhạc vào một số hoạt động thường ngày. Ví dụ như vào buổi sáng thức dậy, hãy bắt đầu ngày mới bằng một bản nhạc báo thức vui tươi từ điện thoại di động. Một bản nhạc hay, vui sẽ khiến tâm trạng một ngày mới tốt hơn.
Đi bộ
Ði bộ có thể làm cho bạn giảm bớt sự lo âu và stress, đó là hiệu quả mà ít ai ngờ tới. Chỉ cần 30 phút đi bộ sẽ khiến cho tâm trạng của bạn trở nên khá hơn. Bỏ ra 90 phút đi bộ 5 lần mỗi tuần là bạn sẽ có được tâm trạng tốt nhất. Do đi bộ giúp cơ thể sản sinh ra endorphin - hormone làm cải thiện tâm trạng tạo cho bạn cảm giác lạc quan, yêu đời hơn.
Viết nhật ký
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), viết nhật ký cũng có thể làm giảm căng thẳng. Khi bạn đang cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ, cần thư giãn thì việc ghi lại cảm xúc của bạn có thể giúp bạn kiểm soát được mọi thứ và phân tích tình hình tốt hơn. Thậm chí, nó có thể cung cấp cho bạn một hướng mới, sắc sảo hơn để giải quyết các vấn đề. Việc đọc lại nhật ký còn giúp bạn nhận ra những điều bản thân cần phải thay đổi và chiêm nghiệm lại những gì đã học được trong cuộc sống.
Hát karaoke
Hát karaoke hay đơn giản là tự hát ở nhà sẽ giúp bạn giải phóng nỗi buồn, sự u uất, nhờ đó giảm căng thẳng. Nó được xem là “loại thuốc tự nhiên” duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người. Trên thực tế, đã có nhiều người chia sẻ rằng, ca hát giúp họ có một tâm trạng tốt hơn và làm cho họ cảm thấy bớt căng thẳng.
Thiền
Theo Skinenergier, thiền định giúp giảm lượng cortisol - hormone gây căng thẳng và lo âu, từ đó giảm thiểu những tác hại mà stress gây ra cho sức khỏe. Thiền có rất nhiều cách, đơn giản nhất là bạn hãy ngồi yên lặng, thả lỏng cơ thể và tập trung toàn bộ tâm trí vào hơi thở. Duy trì điều này đều đặn mỗi ngày, bạn sẽ sớm lấy lại bình tĩnh và sự cân bằng trong cuộc sống.
Cười nhiều hơn
“Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”, bởi nó có tác dụng giải phóng hormone endorphin, làm giảm sự căng thẳng. Nhưng không có nghĩa là bạn ngồi cười một mình. Hãy xem một bộ phim hài, hoặc các gameshow để thư giãn. Hoặc bạn cũng có thể nói chuyện với ai đó vui tính để được cười nhiều hơn.
Đi du lịch
Đây là ý tưởng thực sự tuyệt vời dành cho những ai đang rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Một chuyến đi du lịch ngắn ngày tới nơi bạn thích sẽ giúp bạn được giải thoát khỏi mọi bộn bề cuộc sống và nạp năng lượng tích cực cho bản thân.
Thế Đan
|