Fatima Amahmoud, nhân viên khách sạn Moxy ở trung tâm thành phố Boston, đôi khi cảm thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ dọn dẹp 17 phòng trong một ca làm việc. Có lần cô phải dọn căn phòng với lượng lông chó màu vàng bám trên rèm cửa, ga trải giường và thảm tích lũy trong ba ngày, vì chủ của con chó từ chối dọn phòng hàng ngày. Amahmoud biết rõ sẽ không thể dọn phòng trong 30 phút.
Nhiều khách sạn khuyến khích việc khách lựa chọn không dọn phòng hàng ngày, bởi phương án này tiết kiệm hóa chất làm sạch và có lợi cho môi trường, đồng thời cắt giảm chi phí lao động và giúp họ đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực kể từ Covid-19.
Tuy nhiên, công đoàn nhân viên dọn phòng ở Mỹ đang tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt để khôi phục dịch vụ tự động dọn phòng hàng ngày ở những chuỗi khách sạn lớn. Họ nêu lý do là không thể xử lý được khối lượng công việc quá tải khi phải làm sạch những căn phòng đã không được dọn dẹp trong vài ngày, trong khi giờ làm ít đi kéo theo thu nhập suy giảm.
Khoảng 10.000 nhân viên khách sạn thuộc công đoàn Unite Here đã đình công ngày 1/9 ở 24 khách sạn trên 8 thành phố Mỹ, trong đó có Honolulu, Boston, San Francisco, San Jose, San Diego và Seattle.
Theo công đoàn, nhân viên khách sạn "đang bị kéo căng", ban quản lý thường xuyên phân công ba nhân viên làm công việc của 4 người, tập trung vào tốc độ hơn là chất lượng. Tại Boston, nơi nhân viên dọn phòng kiếm được 28 USD một giờ, công đoàn đang tìm cách tăng lương thêm 10 USD một giờ 4 năm một lần.
"Chúng tôi không chấp nhận 'bình thường mới', khi các khách sạn hưởng lợi bằng cách cắt giảm các dịch vụ dành cho khách và từ bỏ cam kết với người lao động", Chủ tịch Unite Here Gwen Mills nói.
Nhân viên ở những thành phố khác có thể đình công trong vài ngày tới, bởi đàm phán giữa người lao động và chủ lao động đang lâm vào bế tắc do vướng mắc về yêu cầu tăng lương, phản đối cắt giảm nhân sự. Đã có 15.000 người lao động bỏ phiếu ủng hộ đình công.
"Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với quản lý rằng khối lượng công việc đó quá sức", Amahmoud nói, cho hay nhân viên khách sạn Moxy chưa tiến hành đình công dù đã bỏ phiếu đồng ý.
Michael D'Angelo, giám đốc nhân sự của chuỗi khách sạn Hyatt tại Mỹ, cho hay các khách sạn trong chuỗi đã lên kế hoạch dự phòng để giảm thiểu tác động của đình công.
"Chúng tôi thất vọng vì Unite Here chọn đình công trong khi Hyatt luôn sẵn sàng đàm phán", ông nói.
Trước khi cuộc đình công bắt đầu, khách sạn Hilton tuyên bố "cam kết đàm phán thiện chí để đạt thỏa thuận công bằng, hợp lý". Các khách sạn Marriott và Omni không trả lời yêu cầu bình luận.
Cuộc đình công là lời nhắc nhở về tác động dai dẳng của đại dịch đối với phụ nữ có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ da màu và gốc Tây Ban Nha, nhóm người chiếm số lượng lớn trong ngành dịch vụ.
Theo Cục thống kê lao động Mỹ, ngành khách sạn Mỹ hiện sử dụng khoảng 1,9 triệu người, ít hơn 196.000 lao động so với hồi tháng 2/2019. Theo số liệu thống kê liên bang, gần 90% nhân viên dọn dẹp là nữ.
Unite Here cho hay lực lượng lao động này chủ yếu là phụ nữ da màu, trong đó nhiều người là dân nhập cư đã luống tuổi. Chủ tịch Unite Here Gwen Milss cho hay mục tiêu của đàm phán là đảm bảo mức lương đủ nuôi sống gia đình cho những người làm ngành dịch vụ ngang với mức lương của đàn ông làm trong các ngành công nghiệp truyền thống.
"Ngành dịch vụ khách sạn đang bị định giá thấp. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng phụ nữ và người da màu lại áp đảo trong ngành này", ông nói.
Họ hy vọng cuộc đình công lần này sẽ thành công, nối tiếp thành công ở nam California khi công đoàn giúp người lao động đàm phán được mức lương tăng đáng kể, tăng mức đóng lương hưu và đảm bảo khối lượng làm việc công bằng theo thỏa thuận mới với 34 khách sạn. Theo đó, nhân viên dọn phòng sẽ được trả 35 USD một giờ vào tháng 7/2027.
Hồng Hạnh (Theo AP)