Đại lễ năm nay có chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc".
Nhiều hoạt động văn hóa sẽ diễn ra trong khuôn khổ Đại lễ như: triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh Phật giáo, diễu hành hoa, lễ tắm Phật, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trồng cây, phát quà từ thiện, thắp nến cầu nguyện hòa bình… Đặc biệt, du khách sẽ được tham dự Đại lễ cầu an cho Việt Nam hội nhập phát triển, cầu nguyện hòa bình với sự quy tụ các cao tăng Phật giáo trên toàn thế giới.
Ban tổ chức Vesak 2014 dự kiến sẽ đón khoảng 10.000 người, trong đó có 1.500 quan khách đến từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban Quản lý chùa Bái Đính đã lên kế hoạch chuẩn bị khoảng 5.000 suất ăn buffet và 40.000 suất cơm hộp miễn phí mỗi ngày để phục vụ khách mời và Phật tử tham dự sự kiện.
Hơn 2.000 sinh viên tình nguyện ở các trường đại học ở Hà Nội và Ninh Bình đã được tập huấn để tiếp đón các đoàn khách quốc tế. Các khách sạn, nhà nghỉ, trên 20 ngôi chùa và tư gia của Phật tử Hà Nội, Ninh Bình... đã sẵn sàng tiếp đón đại biểu, du khách thập phương.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị và bệnh viện một số địa phương chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng hỗ trợ kịp thời trong các tình huống đột xuất. Ngoài ra, ở ngay tại các phòng họp của Đại lễ cũng có một bộ phận y tế thường trực để hỗ trợ khi cần thiết.
Trong buổi họp công tác tổ chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đại lễ Phật đản 2014 có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, xã hội với Việt Nam. Sự kiện này đồng thời là cơ hội giới thiệu đất nước, con người, văn hóa truyền thống, lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với quốc tế, phát triển tiềm năng du lịch tâm linh, góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Tháng 5/2008, Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Sự kiện này để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về đất nước, con người và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 54, mục 174 của chương trình Nghị sự Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn, thời gian tương đương với tháng 5 Dương lịch) là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Hằng năm Đại lễ Vesak được tổ chức trọng thể tại Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York, cũng như các văn phòng Liên Hợp Quốc tại khu vực. Nhiều nước như Thái Lan, Sri Lanka, Malaysia, Singapore, Campuchia... ngày Phật Đản là ngày nghỉ lễ. Trong ngày này, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng. Người mộ đạo thường thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, làm việc từ thiện với cộng đồng... Tại Việt Nam, Phật đản không phải ngày nghỉ lễ nhưng ngày càng được coi trọng, tổ chức trọng thể với nhiều hoạt động như: diễu hành, rước xe hoa mừng sự giáng sinh của Đức Phật... |
Quỳnh Trang