10.000 kit xét nghiệm và 12.000 mặt nạ chống giọt bắn sẽ được phân bổ đến các cơ sở y tế và lực lượng cán bộ đang làm việc ở các bệnh viện, khu cách ly, nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực của thành phố.
"Hà Nội có số lượng người về từ Đà Nẵng rất đông, nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp RT-PCR rất lớn", bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở y tế Hà Nội, nói.
RT-rPCR là bộ test mới nhất hiện nay, cho kết quả tức thì và độ nhạy cao. Bộ RT-PCR trước đó phải qua một lớp điện di nữa mới có kết quả.
Bà Hà cho biết 10.000 bộ kit, do Bệnh viện đa khoa Tâm Anh trao tặng, ngay trong chiều nay sẽ phục vụ sàng lọc những ca bệnh sớm, những người có biểu hiện nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ, người trở về từ vùng dịch.
Đại diện nhà tài trợ cho biết, kit xét nghiệm này do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất, đã được Cơ quan chuyên môn về thẩm định sản phẩm y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận vào ngày 26/4. Bộ xét nghiệm được sản xuất theo quy trình hết sức nghiêm ngặt và được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại. Bộ xét nghiệm RT- rPCR được sử dụng tại Việt Nam với hiệu quả phát hiện bệnh cao và được rất nhiều quốc gia trên thế giới đặt hàng sản xuất.
Gần 100.000 người đã từ Đà Nẵng về Hà Nội trong ngày từ 15 đến 29/7. Trong đó hàng chục nghìn người đã xét nghiệm nhanh tìm nCoV. Trong số này, một nhân viên công ty xe bus 10/10 xét nghiệm nhanh âm tính, nhưng sau đó qua RT-PCR dương tính, đã trở thành bệnh nhân Covid-19.
Tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện về phòng chống Covid-19 chiều qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu phải xét nghiệm PCR cho tất cả người từ vùng dịch về.
Hiện thành phố có 3 máy xét nghiệm PCR, có thể xét nghiệm 500-700 mẫu một ngày, có thể nâng lên đến 2.000 mẫu nếu được bổ sung máy. Đội ngũ lấy mẫu đã được đào tạo có thể lấy gần 12.000 mẫu dịch họng hầu một ngày, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), trước đó cho biết.