Năm 2009, tỷ lệ này là 44%. Với tốc độ hiện tại, Oxfam dự đoán đến năm 2016, nhóm người này sẽ sở hữu trên 50% tài sản toàn cầu.
Kết quả báo cáo được công bố trùng thời điểm Diễn đàn Kinh tế Thế giới sắp khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ). Giám đốc Oxfam - Winnie Byanyima là người đồng tổ chức sự kiện này. Bà cho biết sẽ yêu cầu hành động khẩn cấp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
"Đã đến lúc các lãnh đạo dùng quyền lực của mình để tạo ra một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn. Nếu không giải quyết sự bất bình đẳng này, quá trình chống lại đói nghèo sẽ phải mất hàng thập kỷ. Người nghèo đang chịu 2 sức ép, một là họ được chia phần nhỏ hơn trong miếng bánh kinh tế, hai là chính miếng bánh ý cũng đang nhỏ đi do tăng trưởng chậm lại", bà nói.
BBC cho biết Oxfam đang kêu gọi các Chính phủ chấp nhận kế hoạch 7 điểm để giải quyết tình trạng này. Trong đó có điều tra nạn trốn thuế của các công ty và tăng lương cho nhân viên.
Năm ngoái, Oxfam đã gây chấn động Davos khi công bố 85 người giàu nhất thế giới có tài sản tương đương 50% người nghèo nhất (3,5 tỷ người). So sánh này hiện tại còn đáng sợ hơn, khi chỉ cần 80 người top đầu là đã đủ cân bằng.
Nghiên cứu công bố hôm nay của họ cũng cho thấy sau khi trừ tài sản của 1% người giàu, hơn một nửa phần còn lại thuộc về 20% người giàu nhất hành tinh. Dân số còn lại của thế giới chỉ đóng góp 5,5% tài sản.
Tính trung bình, mỗi người trưởng thành có 3.851 USD năm 2014. Con số này ở nhóm 1% là 2,7 triệu USD. Hồi tháng 10 năm ngoái, một báo cáo từ ngân hàng Credit Suisse cũng cho thấy 1% người giàu nhất sở hữu 50% tài sản toàn cầu.
Hà Thu