Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 22/5 cho biết cả nước có hơn 2,7 triệu người đang hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Mức lương 3-7 triệu đồng bằng 64-149% lương tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở đô thị (vùng 1- 4.680.000 đồng/tháng).
Giai đoạn 2016-2022, trung bình mỗi năm có thêm 109.000 người nhận lương hưu. Ngoài tiền hưu trí, lao động sau tuổi nghỉ hưu có thêm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh.
Hiện người hưởng lương hưu cao nhất cả nước là 120 triệu đồng. Do nhiều năm làm quản lý ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người này có thu nhập lẫn tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cao. Để rút khoảng cách lương hưu giữa người đóng cao với đóng thấp, luật hiện hành quy định tiền lương tính đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức 29,8 triệu đồng và lên 36 triệu từ 1/7 khi lương cơ sở tăng.
Ngược lại, thống kê đến tháng 6/2022, cả nước có hơn 67.300 người hưởng lương hưu dưới mức chuẩn nghèo (chuẩn nghèo thành thị là 2 triệu đồng).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiền lương hưu không cố định tại thời điểm người lao động nghỉ hưu mà định kỳ tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tình hình kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng.
Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội đang đề xuất điều chỉnh tăng 12,5-20,8% với từng nhóm từ ngày 1/7. Nếu được thông qua, khoảng 3,4 triệu người được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng, trong đó 1,062 triệu người do ngân sách chi trả và 2,361 triệu người từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Tiền lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào số năm đóng và tiền lương tính đóng BHXH. Năm 2022, tiền lương tính đóng BHXH bình quân toàn hệ thống là 5,73 triệu đồng, bằng 76% thu nhập trung bình của lao động làm công hưởng lương. Doanh nghiệp FDI có mức tiền lương tính đóng BHXH cao nhất và thấp nhất thuộc về khối dân doanh.
Cơ quan quản lý ghi nhận tình trạng doanh nghiệp tách hoặc chuyển các khoản phụ cấp sang phúc lợi khác để không phải tính đóng BHXH. Vì thế tiền lương đóng BHXH hiện chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu, cộng 5-7% phụ cấp nặng nhọc, độc hại, hoặc lao động qua đào tạo nghề. Mức đóng này khiến lương hưu rất thấp. Ví dụ, doanh nghiệp trả cho lao động 20 triệu đồng nhưng đóng BHXH trên nền lương 5 triệu. Nếu đóng đủ năm và nghỉ hưu đúng tuổi, người đó chỉ được hưởng tối thiểu 45% và tối đa 75% bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Để khắc phục tình trạng trên, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Điều này gây thiệt cho lao động bởi quá trình làm việc các khoản trên đều thay đổi.
Phương án hai là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền được tính đóng BHXH bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.
Hết năm 2022, cả nước có 4,94 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng từ hai nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Hồng Chiêu