Ngày 6/10, bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động thuộc Tổng cục Thống kê, cho hay chín tháng qua, lực lượng lao động (bao gồm những người có việc làm và thất nghiệp) đã giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Nếu không có dịch Covid-19 và lực lượng lao động duy trì tốc độ tăng 1% mỗi năm như giai đoạn 2016 đến 2019, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động.
"Nói cách khác, Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người", bà Vũ Thị Thu Thủy nói.
Đại dịch đã khiến 31,8 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, gồm lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, 69% lao động bị giảm thu nhập nhẹ, gần 40% phải giảm giờ làm hoặc giãn việc và khoảng 14% mất việc. Tình trạng thiếu việc làm đã lan rộng ra các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thay vì tập trung ở nông, lâm, thuỷ sản như thời gian trước.
Dịch vụ vẫn là khu vực có tỷ lệ lao động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 69% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng với 66%; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.
Quý này, 1,2 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tăng 148.000 người so với cùng kỳ năm trước. Với tỷ lệ thất nghiệp 4% ở khu vực thành thị, đây là năm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng mười năm qua.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý này đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước. Nhưng nếu tính chung chín tháng, thu nhập của người lao động lại giảm khoảng 83.000 đồng. Thu nhập giảm cao nhất ở các ngành hoạt động tài chính, dịch vụ hỗ trợ, lưu trú, vận tải kho bãi. Ngược lại, thông tin truyền thông, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội lại là ba ngành có thu nhập tăng.
Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết đã phải cắt giảm lao động, nhiều nhất là vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ lưu trú. Lao động bị giảm lương trong các doanh nghiệp thuộc ba nhóm ngành này lần lượt là 99%, 43% và gần 28%. Dự kiến đến cuối năm 2020, số doanh nghiệp cắt giảm lao động sẽ tăng lên hơn 36%. Tỷ lệ cắt giảm lao động ở doanh nghiệp vừa và nhỏ cao gấp đôi doanh nghiệp lớn.
Chỉ gần 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận được hỗ trợ, chủ yếu là giãn, hoãn thuế giúp duy trì trả lương người lao động; 4% trong đó nhận được hỗ trợ liên quan đến chính sách lao động và bảo hiểm xã hội.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng nếu kiểm soát dịch tốt, mọi nguồn lực của nền kinh tế sẽ được huy động cho ba tháng cuối năm, bởi Tết Âm lịch kích thích mua sắm nội địa, lực lượng lao động tham gia thị trường có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trong dịp Tết nhiều công việc chỉ mang tính chất thời vụ, tạm thời. Vì vậy, Chính phủ cần đẩy nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là gói an sinh 62.000 tỷ đồng đã tung ra từ hồi tháng 4.
Hoàng Phương