![]() |
Nhiều hộ dân lấn chiếm hành lang sông Nhuệ. |
Ông Nguyễn Văn Bản, Viện phó Viện Khoa học thủy lợi - chủ nhiệm dự án cho hay, công trình là một phần trong quy hoạch tổng thể thành phố dọc theo sông Nhuệ của Bộ Xây dựng. Hai bên sông sẽ là những khu nhà vườn, biệt thự, làng sinh thái, hồ điều hòa... Hai làn đường dọc theo bờ sông, rộng 10-14 m, sẽ tăng cường giao thông vành đai Hà Nội. Ngoài ra, con sông sau khi nạo vét sẽ đảm bảo tưới cho 53.000 ha cây trồng và tiêu thoát nước cho 107.000 ha xung quanh khu vực.
Theo Cục Thủy lợi, sông Nhuệ bị bồi lắng nhiều nên chỉ hoạt động được 85% công suất tưới tiêu. |
Việc chỉnh trang được thực hiện ở đoạn sông qua Hà Nội và Hà Tây, với chiều dài hơn 30 km trên toàn bộ con sông 74 km. Trong giai đoạn 1 (năm 2004-2005), các công trình đầu mối như cống Liên Mạc (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm) và kênh dẫn thượng lưu, hạ lưu sẽ được gia cố hiện đại. Giai đoạn 2 (2005-2010), sẽ gia cố và chỉnh trang khu vực hai bờ sông. Ước tính, 1.000 hộ dân sẽ phải di dời trong dự án này. Hầu hết họ đang sinh sống trong hành lang bảo vệ lòng sông.
Chủ dự án cho biết, ngoài hình thức thi công bảo vệ bờ bằng bê tông khung thông thường, phần chân móng sông (từ đáy sông lên cao 4 m) sẽ dùng công nghệ thảm bê tông bao khuôn FS. Công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, có thể thi công dưới nước mà không cần làm khô chân móng, không phải đắp đê quây. Kết cấu có khả năng chịu lực tốt, không bị ăn mòn hóa chất, tuổi thọ 30-50 năm.
Mối lo ngại của các chuyên gia lập dự án là tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ. Do vậy, song song với việc triển khai dự án, cơ quan chức năng phải kiểm soát và xử lý nước thải ngay từ các cửa cống để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông.
Dự án "Gia cố kênh dẫn cống Liên Mạc và bờ sông Nhuệ" được thực hiện bằng vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây. Chính quyền Hà Nội dự kiến xin Chính phủ cho đấu giá đất để tạo vốn thực hiện dự án.
Đoàn Loan