Thông tin được PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam, ngày 20/1, thêm rằng 30 năm về trước, đa phần là người bán máu, số đơn vị máu hiến rất khiêm tốn. Ở giai đoạn này, mỗi năm, Việt Nam chỉ tiếp nhận khoảng 100.000 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ máu hiến chưa đến 10%.
11994 là năm đầu tiên nước ta phát động phong trào hiến máu nhân đạo. Nhờ đó, lượng máu các cơ sở y tế tiếp nhận tăng nhiều, với 138.000 đơn vị máu, 14,5% trong số này là máu hiến. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu.
Năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó 99% từ nguồn hiến, tương đương tỷ lệ 1,5% dân số. Tổing cộng trên 21,3 triệu đơn vị máu hiến tặng trong 30 năm qua. Cả nước thành lập 5 trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng.
"30 năm qua thực sự là cuộc 'cách mạng' thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện", ông Thanh nói. Trước đây, người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay mở rộng mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo... Trước đây, người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị thì nay được tôn vinh, ủng hộ.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhìn nhận trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương bị phong tỏa vẫn có hàng chục nghìn người vượt khó khăn để tham gia hiến máu. Nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm, hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...
Hàng vạn người hiến máu trên 30, 50 lần, thậm chí hơn 100 lần. "Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng mà công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh được kịp thời, giúp ngành y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc...", bà Lan nói.
Để duy trì và phát triển phong trào hiến máu nhân đạo, Bộ trưởng Lan cho rằng cần xây dựng các giải pháp để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số, kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu.
Lê Nga