Sự việc bắt đầu khi Chủ tịch UBND TP HCM ban hành quyết định “Không công nhận hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương đối với ông Lê Văn Lý” từ ngày 14/6/2013, do những sai phạm của ông này trước đó trong việc quản lý và điều hành tại trường. Theo quyết định, ông Lý phải bàn giao lại con dấu và các tài liệu liên quan lại cho ĐH Hùng Vương trong vòng 7 ngày. Hội đồng quản trị (HĐQT) của trường sẽ cử một người ra làm hiệu trưởng thay cho ông Lý.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, việc bàn giao con dấu giữa hai bên vẫn chưa xong. Về phía ĐH Hùng Vương, ông Nguyễn Mộng Giao - Phó hiệu trưởng cho biết, sau nhiều lần HĐQT của trường đã họp và triệu tập ông Lý để yêu cầu bàn giao con dấu nhưng ông này "đưa ra nhiều lý do để từ chối".
Ông Giao nói, ông Lý đã cho đóng dấu vào thư mời họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2013 vào ngày 26/6. Người ký thông báo là ông Ngô Gia Lương, một thành viên của HĐQT. Tại cuộc họp này, HĐQT đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Thành Tâm, đồng thời đề cử ông Nguyễn Đăng Dờn lên làm hiệu trưởng, sau đó thông qua Sở GD – ĐT TP HCM để trình lên UBND TP HCM ra quyết định công nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế cuộc họp trên là không phù hợp. Ông Lương chỉ sở hữu 2% cổ phần, lại không được sự ủy nhiệm của các cổ đông khác nên không thể đứng ra triệu tập Đại hội cổ đông.
Trao đổi với VnExpress, ông Lý cho biết, có kế hoạch bàn giao con dấu vào chiều 26/6 nhưng sau đó có cuộc họp bất thường nên lịch bàn giao dời lại. Sau đó đến ngày 3/7 ông bị bệnh và phải nhập viện ở Bệnh viện Thống Nhất cho đến nay chưa được xuất viện. “Tôi đang bị bệnh không làm việc được nữa, con dấu tôi đã bàn giao lại cho ông Ngô Đình Linh – Trưởng phòng Hành chính. Giờ tôi không làm việc ở trường nên các hoạt động ở đấy không biết”, ông Lý nói.
Trước tình hình đó, ngày 4/7 Sở GD – ĐT TP HCM đã có văn bản trả lời ông Lương rằng "HĐQT và chủ tịch HĐQT của trường có đủ tư cách pháp lý để điều hành các hoạt động của trường". Nên việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường hôm 26/6 của ông Lương là "không có giá trị pháp lý". Việc đề cử hiệu trưởng tạm quyền và hiệu trưởng chính thức cũng không có giá trị và không đủ cơ sở để Sở GD - ĐT trình UBND TP HCM công nhận. Đồng thời đề nghị HĐQT hợp pháp hiện hành của trường cử người đại diện tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ, con dấu, hồ sơ sổ sách giấy tờ từ ông Lê Văn Lý.
Từ đó đến nay, ĐH Hùng Vương đã cử 2 hiệu trưởng tạm quyền (theo quy định hiệu trưởng tạm quyền chỉ có hiệu lực trong vòng 1 tháng). "Ông Lý là hiệu trưởng cũ nên chỉ có ông ấy mới đủ tư cách pháp lý bàn giao con dấu. Mọi hoạt động của trường đang bị ngưng trệ và xáo trộn vì việc này chưa được thực hiện", bà Tạ Thị Kiều An, hiệu trưởng tạm quyền cho biết.
Theo lịch những năm trước, vào cuối tháng 7 nhà trường đã tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên ra trường. Tuy nhiên, năm nay, cho tới thời điểm hiện tại những sinh viên năm cuối ĐH Hùng Vương vẫn còn “mắc kẹt” ở trường, chưa biết đến khi nào mới được thi. Quy chế của Bộ GD-ĐT, việc ra quyết định thành lập hội đồng thi tốt nghiệp phải là hiệu trưởng và phải có con dấu.
“Giờ chúng tôi chỉ biết trấn an sinh viên vì sự việc đã ra ngoài tầm tay giải quyết của ban giám hiệu”, Phó hiệu trưởng Nguyễn Mộng Giao nói.
Nguyễn Loan