Liên hoan diễn ra từ ngày 12 đến 28/10 tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, quy tụ 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ trung ương tới địa phương, với 27 vở diễn.
Tại họp báo sáng 9/10, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nhận định số lượng diễn viên, đơn vị, vở diễn cho thấy bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật chèo hiện nay. "Các đơn vị gặp nhiều khó khăn vì Covid-19, nhưng họ không chịu ngồi yên, vẫn âm thầm tập luyện và xây dựng những tác phẩm có giá trị. Đó là một trong những lý do số lượng đơn vị và số vở diễn tham gia liên hoan lần này đạt mức cao như vậy", bà nói.
Theo bà Trần Ly Ly, ban tổ chức không giới hạn về đề tài. Trong số 27 vở diễn tham gia, có 60% là đề tài lịch sử, dân gian, 40% là chủ đề mới, hiện đại. Theo quy định, các vở diễn phải được dàn dựng từ 2017 đến nay, hoặc phục dựng với êkíp sáng tạo mới, chưa từng tham gia các cuộc thi. "Chúng tôi vẫn hướng tới những tác phẩm có tính chuyên môn cao, đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn, mang tính dự báo, có tác động tích cực tới đời sống xã hội, nhận thức của khán giả yêu nghệ thuật và mọi tầng lớp nhân dân", bà nói.
Ông Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam - cho biết ban tổ chức nỗ lực quảng bá sự kiện đến với người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài các phương tiện truyền thông, thông qua Sở Giáo dục tỉnh Hà Nam, họ gửi công văn, lịch biểu diễn sự kiện đến các trường trung học cơ sở, phổ thông trên địa bàn tỉnh, khuyến khích học sinh tham gia như một hoạt động ngoại khóa. "Phải để các em biết đến liên hoan, xem các tiết mục, từ đó mới có thể tìm hiểu và yêu chèo. Những hoạt động giáo dục giúp thổi dần tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ", ông nói.
27 vở diễn tham gia liên hoan: Người hát gọi mặt trời, Truyện ngoài chính sử - Làm vua (Nhà hát Chèo Ninh Bình); Thần tướng Yết Kiêu, Duyên nợ cùng chèo (Nhà hát Chèo Hải Dương); Vang bóng một thời (Đoàn chèo Hải Phòng); Ông trạng kỳ tài, Trọn đời vì non nước (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định); Tình sử ngàn năm, Mật chỉ giữa hoàng cung (Nhà hát Chèo Quân đội); Ván cờ oan trái, Nguyễn Đình Nghị (Nhà hát Chèo Hưng Yên); Bến đợi, Hai giọt nước (Nhà hát Chèo Bắc Giang); Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, Thiên duyên huyền tích (Nhà hát Chèo Thái Bình).
Linh từ quốc mẫu, Tình mẹ (Nhà hát Chèo Hà Nội); Dấu thiêng Đông Hải (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh); Đất liền và biển cả (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); Người kế vị ngai vàng (Đoàn Nghệ thuật Phú Thọ); Tiết nghĩa thiên thu, Đèn trời (Nhà hát Nghệ thuật Vĩnh Phúc); Lưu Xá một thời hoa lửa (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thái Nguyên); Hồng hà nữ sĩ, Cánh diều lạc gió (Nhà hát Chèo Việt Nam); Những vì sao không tắt, Khóc giữa trời xanh (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam).
Thành phần hội đồng nghệ thuật bao gồm: nhà lý luận phê bình, tác giả, nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn, nhà nghiên cứu, nhà mỹ thuật, nhạc sĩ. Ban tổ chức dự kiến trao huy chương vàng, bạc, đồng cho các vở diễn và cá nhân nghệ sĩ. Ngoài ra, họ trao giải xuất sắc cho các các nhân trong êkíp sáng tạo như: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa.
Liên hoan Chèo toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn, phối hợp Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, định kỳ ba năm một lần, là ngày hội dành cho các đơn vị và đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công chèo trên cả nước. Sự kiện nhằm phát hiện những tài năng, sáng tạo mới để thúc đẩy bộ môn nghệ thuật truyền thống phát triển.
Hiểu Nhân