Ba trường được dự án hỗ trợ gồm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lý, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa và Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế An, tỉnh Nghệ An.
Khoản hỗ trợ này sẽ giúp bữa ăn của các em được tăng thêm khoảng 10.000 đồng mỗi ngày, kéo dài từ 1/10/2024 đến 30/5/2025.
Đồng hành cùng dự án, đại diện công ty De Heus cho biết hỗ trợ dinh dưỡng là một trong những hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập của công ty. Ngoài hoàn thành sứ mệnh đóng góp giá trị bền vững trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, đưa thực phẩm sạch đến gần hơn với người tiêu dùng Việt, công ty muốn cũng hướng tới trẻ em, nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng của đất nước.
"Trong đó, việc hỗ trợ kinh phí cho các em nhỏ ở vùng cao khó khăn có thêm những bữa ăn đủ đầy, thực đơn được thay đổi đa dạng cũng là điều chúng tôi ấp ủ thực hiện từ lâu", đại diện nhà tài trợ nói.
Ông Hoàng Sỹ Xuân, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lý, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nói hạnh phúc khi nhìn học trò có thêm bữa ăn ngon. Thầy Xuân cho biết trường có 430 học sinh, trong đó có 320 học sinh hưởng chế độ bán trú.
"Hơn 70% gia đình các em đều thuộc hộ nghèo, về bữa sáng các gia đình sẽ cho các em tiền vài nghìn đồng mỗi ngày để ăn, tuy nhiên không thể đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đủ chất dinh dưỡng", Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Từ khi được tài trợ bữa ăn, học sinh nhà trường có thêm những bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng như: bánh mì, bánh bao, mì tôm trứng chan nước hầm xương. Các bữa ăn do nhân viên cấp dưỡng nấu tại trường, đảm bảo sạch sẽ, an toàn thực phẩm.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, học sinh được uống sữa vào bữa sáng, thêm món ăn dinh dưỡng như chả cá, xúc xích, thịt gà, trứng vào bữa trưa và chiều.
"Trước đây thực đơn các bữa sẽ có hai món, giờ có thêm kinh phí, bữa ăn các em được bổ sung thêm một món. Học sinh phấn khởi hơn, phụ huynh cũng yên tâm khi con học tập tại trường", ông Nguyễn Xuân Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Tại Nghệ An, 150 học sinh của trường Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong cũng được cung cấp đủ bữa sáng với thực đơn như xôi trứng/chả, bánh mì pate, bánh bao, mì tôm trứng,...
Thông qua dự án "Dinh dưỡng học đường", bà Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Quỹ Hy vọng cho biết ngoài việc tiếp tục hỗ trợ các trường vùng cao khó khăn xây trường, lớp mới, xây công trình vệ sinh, nhà tắm, việc bổ sung dinh dưỡng cho học sinh bán trú cũng là vấn đề cấp thiết.
"Chúng tôi mong các nhà tài trợ sẽ đồng hành dài lâu để mang lại tác động bền vững, lâu dài, giúp duy trì và đảm bảo sức khỏe học tập cho học sinh bán trú vùng cao, các em có thêm động lực tới trường", bà Xuân Tú chia sẻ.
Bên cạnh dự án hỗ trợ dinh dưỡng, De Heus Việt Nam còn tổ chức chương trình "Góp cây gây rừng", nhằm đóng góp cho đề án trồng một tỷ cây xanh, chung sức tái tạo mảng xanh cho Việt Nam. Công ty tiếp tục duy trì những hoạt động hướng về cộng đồng được định hướng bởi chương trình phát triển bền vững "Responsible Feeding" - Nuôi dưỡng có trách nhiệm. Chương trình này giúp đơn vị xác định một cách toàn diện các cơ hội cải thiện tính bền vững của hoạt động vận hành như: giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu bao bì nhựa, sử dụng nguyên liệu bền vững hơn, tạo nên các giá trị tích cực cho môi trường và cộng đồng, đặc biệt là người chăn nuôi. Theo đó, công ty tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức để nâng cao năng lực cho người chăn nuôi, giúp họ tối ưu hiệu suất chăn nuôi và thích ứng với các thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Thanh Nga