Các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng bao gồm nhân viên y tế Bệnh viện, sản phụ, trẻ sơ sinh, người nhà chăm nuôi và nhân viên đang làm ở các lĩnh vực khác như bảo vệ, môi trường xanh...
Hải Phòng sẽ tiếp tục truy vết, xét nghiệm các trường hợp đã đến khám và xuất viện tại bệnh viện này. Tỉnh tính đến phương án lập bệnh viện dã chiến, đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 và Bệnh viện Kiến An, với phương châm: gọn nhẹ, đảm bảo đủ các yếu tố cách ly, điều trị.
Đại học Hải Phòng và Đại học Hàng Hải được đề nghị cho sinh viên nghỉ học sớm, để trưng dụng khu ký túc xá làm khu cách ly tập trung.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng bị cách ly y tế từ ngày 1/2, do một người chồng dương tính với nCoV đã đến đây chăm sóc vợ mình. Điều tra dịch tễ, "bệnh nhân 1833" đã đi chăm vợ đẻ từ ngày 23 đến 27/1 tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, đi qua các khu vực phòng khám, phòng đẻ, phòng mổ và chăm sóc vợ ở phòng 607, tòa nhà 6 tầng - Trung tâm Sơ sinh. Bệnh nhân ăn uống và mua thuốc ở hiệu thuốc cạnh bệnh viện.
Bệnh viện Phụ sản lập danh sách tất cả trường hợp F1, F2, tiến hành cách ly và xét nghiệm; tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân, phu khử khuẩn toàn bộ các khoa, phòng... nơi bệnh nhân đi qua.
Đến sáng 3/2, Bộ Y tế ghi nhận 310 ca nhiễm cộng đồng, ở 10 tỉnh thành gồm Hải Dương (226), Quảng Ninh (38), Hà Nội (21), Gia Lai (13), Bình Dương (4), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.
Tổng ca nhiễm cả nước lên 1.891, số khỏi 1.461, số tử vong do Covid-19 là 35, bốn người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính. Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 3 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 7 người âm tính lần hai và 2 người âm tính lần ba.
Thùy An