Thống kê của Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết, Hà Nội có 180 lượt khám cấp cứu tai nạn do đánh nhau. Tại Bệnh viện Việt Đức, hầu như hôm nào bác sĩ cũng tiếp nhận các trường hợp đánh nhau với đủ thành phần, lứa tuổi. Hiện tại, còn nhiều ca chấn thương nặng phải tiếp tục điều trị.
Như ở Khoa phẫu thuật tim mạch lồng ngực hiện có 2 ca nặng. Trong đó có một thanh niên 15 tuổi, ở Tân Yên (Bắc Giang) được chuyển đến cấp cứu vào ngày 28 Tết do bị vật nhọn đâm sau lưng, xuyên vào phổi gây tràn dịch màng phổi. Theo lời kể của người nhà, mấy ngày nghỉ học cuối năm, cậu học sinh lớp 10 lên mạng làm quen với một bạn gái ở xã bên cạnh. Có thể do ghen tuông, sau đó cậu bị một thanh niên lạ tìm đến và đâm vào sau lưng, khiến máy chảy ồ ạt.
Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân nam 82 tuổi ở Sơn Dương (Tuyên Quang) được chuyển đến cấp cứu từ mùng 3 Tết vì bị đâm. Theo người nhà, ông bị chính con trai đâm. Gia đình ông có 5 con trai, người con thứ tư ham mê cờ bạc. Trưa mùng 2 Tết, anh này định mang chiếc xe máy mới đi cầm đồ, song bị bố giữ lại.
Trong lúc tức giận, người con đã phóng một thanh xà beng sắt to thẳng về phía bố. Thanh sắt đã đâm xuyên qua miệng, qua thành cổ xuống phía bả vai, xuyên thủng khí quản, thực quản, làm gãy 4 răng trái của nạn nhân. Ngay khi được đưa vào viện, ông đã được mổ cấp cứu, đặt ống nội khí quản, hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn cần theo dõi thêm và phải ăn qua xông.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, nếu như Tết nguyên đán năm ngoái chỉ có khoảng 7-8 ca cấp cứu vì đánh nhau thì dịp Tết năm nay con số tăng lên đến 19 ca. Theo bác sĩ Nguyễn Lê Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại, các ca đến viện chủ yếu là chấn thương nhẹ, sau khi sơ cứu được điều trị ngoại trú. Nặng nhất là một nam thanh niên vào viện mùng 4 Tết vì bị bạn chém do mâu thuẫn sau khi uống rượu. Vết chém ăn sâu vào bả vai, vùng thắt lưng, chảy máu ồ ạt gây sốc mất máu.
Ông Hoàng Vũ Tú đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An kể lại việc mình vô cớ bị đánh. Ảnh: Hải Bình. |
Nghệ An cũng có tới 131 lượt bệnh nhân nhập viện do đánh nhau, trong đó có 2 ca tử vong. Sáng 26/2, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Vũ Tú (51 tuổi, trú tại xã Đồng Thành, Yên Thành) kể, chiều 30 Tết ông đang chở vợ trên đường đi thắp hương cho bà ngoại thì bất ngờ bị ông Đặng Thành Long (trú cùng xã, là anh em thông gia) từ lề đường lao ra chặn đầu xe.
"Ông Long nhảy vào đấm tôi túi bụi mà không rõ vì sao. Từ trước tôi và ông Long không hề mâu thuẫn", ông Tú bức xúc kể. Sau đó ông Long được vợ dìu về nhà sơ cứu trước khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành. Do vết thương nặng, hai ngày sau ông Tú được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Nghệ An và được xác định gãy xương chính mũi, chấn thương sọ não.
"Hôm qua, ông Long tới bệnh viện xin lỗi tôi và nhận sai hoàn toàn vì lúc đó đã có hơi men dẫn tới mất kiểm soát hành vi. Đúng là xui xẻo, chỉ vì men rượu của người khác mà tôi phải ăn Tết trên giường bệnh", ông Tú buồn rầu nói và cho biết sau một tuần điều trị, ngày mai sẽ được xuất viện.
Ngoài bệnh nhân Tú, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An còn cấp cứu cho 20 nạn nhân khác do đánh nhau trong 9 ngày Tết, hiện đã ổn định sức khỏe và xuất viện.
Tại Hà Tĩnh, 9 ngày nghỉ Tết có hơn 60 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Bác sĩ Nguyễn Quang Trúc, Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não. Có trường hợp bị đánh gãy tay, gãy chân. Về nguyên nhân đánh nhau, có rất nhiều lý do, tuy nhiên đa số đều là do bia rượu dẫn tới không kiểm soát nổi bản thân.
Ngoài những vụ việc đánh nhau trực diện, cũng có những người khi bị đánh mà không rõ lý do. Anh Nguyễn Ngọc Nam (25 tuổi, trú huyện Cẩm Xuyên), hiện điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng bị thương nặng ở đầu cho hay, mùng 4 Tết khi anh đang trên đường đi chơi về thì bị nhóm 5 thanh niên yêu cầu dừng lại và xông vào đánh hội đồng dẫn tới bất tỉnh.
“Đánh xong, cả nhóm bỏ đi, tôi được gia đình tới chở đi cấp cứu trong tình trạng mất máu nhiều. Tôi trước đó cũng không có xích mích gì với ai, có thể họ nhầm lẫn tôi với một ai đó nên lao vào đánh”, anh Nam kể lại. Bệnh nhân này được xác định là bị chấn thương sọ não, phải điều trị lâu dài, hiện anh lúc mê lúc tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa có tới 150 lượt người đến khám cấp cứu do đánh nhau, tập trung nhiều nhất là ở Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực cho biết, trong mấy ngày nghỉ Tết Ất mùi có 43 ca thương tích nhập viện do ẩu đả, xô xát. Trong đó có một số ca nặng phải điều trị dài ngày như bị đâm thủng bụng gây đứt ruột, bị đâm xuyên ngực hay bị chém vỡ xương sọ.
Theo bác sĩ Vân, hầu hết ca chấn thương do đánh nhau thường xảy ra ở nông thôn, nạn nhân chủ yếu là thanh niên nam giới. Giới trẻ có thói quen lạm dụng bia rượu rồi xích mích, gây gổ đánh nhau với những lý do lãng xẹt, có khi chỉ vì chấp nhặt một chuyện vặt hay vì một câu nói khác ý. Hung khí gây thương thích là dao, kiếm, lê hay các vật sắc nhọn khác.
Cũng theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Hợp lực, đa số các vụ tai nạn do đánh nhau đều được giải quyết theo hướng thỏa thuận dân sự, rất ít vụ việc được lực lượng công an thụ lý điều tra. Bản thân nạn nhân cũng có tâm lý muốn xin xuất viện sớm để tránh rắc rối nếu bị điều tra theo hướng hình sự.
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết tổng hợp số liệu do hơn 1.000 bệnh viện báo cáo lên trong 9 ngày nghỉ Tết cho thấy có số lượt khám cấp cứu tai nạn do đánh nhau là hơn 6.200, trong đó 15 ca tử vong. Đây là năm đầu tiên, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo chi tiết nguyên nhân bệnh nhân đến khám cấp cứu là do đâu. Năm ngoái Bộ yêu cầu báo cáo chủ yếu về pháo nổ, tai nạn giao thông và ngộ độc.
Theo ông Khuê, trong hồ sơ bệnh án của người bệnh khi nhập viện đều có phần về tiền sử, bệnh sử. Về nguyên tắc, khi bệnh nhân nhập viện bác sĩ sẽ khai thác vết thương do xích mích đánh nhau hay tự ngã, tai nạn giao thông... Căn cứ vào thông tin này trên bệnh án, các bệnh viện sẽ tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế. Số liệu được các bệnh viện cập nhật hàng ngày qua hệ thống báo cáo trực tuyến.
“Công việc của bác sĩ là tiếp nhận bệnh nhân, khám, cấp cứu và điều trị bệnh; còn việc có báo cáo lên công an hay không là lựa chọn của bản thân người nhà bệnh nhân”, ông Khuê nói.
Theo cáo cáo của Bộ Y tế thì TP HCM là địa phương báo cáo số khám, cấp cứu do đánh nhau nhiều nhất với hơn 300 lượt, sau đó là An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang, Hà Nội...
Nhóm phóng viên