Ngày 20/12, phát biểu trong cuộc toạ đàm do Thanh tra Chính phủ tổ chức, ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) nói, tham nhũng đang là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới.
Theo ông, mỗi năm ước tính khoảng 1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ và khoảng 2.600 tỷ USD bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng - tương đương với 5% GDP toàn cầu.

ông Francesco Checchi, cố vấn về phòng, chống Tham nhũng khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Bá Đô
"Đây là một con số rất lớn, nhưng cái giá của tham nhũng trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều", ông Francesco Checchi nhấn mạnh.
Cho rằng phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, báo chí, cố vấn của UNODC khuyến khích Việt Nam tạo điều kiện và đẩy mạnh sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan vào việc thực thi Công ước về phòng, chống tham nhũng của Liên hợp Quốc, đặc biệt là việc phòng ngừa, thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Theo ông, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống quy định về kê khai tài sản đồng bộ, quy củ hơn nhiều so với một số nước trên thế giới, song vẫn có một số vấn đề gây quan ngại. Cụ thể như, Việt Nam chưa có những phân tích cụ thể về xung đột lợi ích; việc kê khai tài sản vẫn mang tính hình thức và trong thực tế quản lý chưa chặt chẽ.
"Việt Nam cần bổ sung vào bản kê khai các khoản vay, khoản nợ khi xây nhà, mua nhà của quan chức; yêu cầu các lãnh đạo giải trình chi tiêu, thu nhập bất thường...", ông Francesco Checchi khuyến nghị.
Đồng tình với đánh giá trên, ông Cung Phi Hùng - Phó viện trưởng Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, "kê khai xong rồi nộp cho phòng tổ chức, cán bộ của cơ quan cất đi hoặc công khai rất ngắn trong nội bộ cơ quan chứ không công khai ra ngoài để người dân giám sát, làm như vậy rất hình thức và không mang lại hiệu quả".
"Nhiều quan chức rất giàu nhưng không rõ lý do"
Tham luận tại buổi Toạ đàm, ông Nguyễn Văn Kim - Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc xử lý tham nhũng ở Việt Nam đang có bước tiến mới, đặc biệt là xử lý được nhiều cán bộ cấp cao, "điều mà trước đây chưa bao giờ nghĩ tới".
Tuy nhiên, ông Kim nhận định việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu, lý do là quản lý tài sản, thu nhập trong xã hội còn chưa chặt chẽ; những giao dịch bất minh của cá nhân, tổ chức trong kinh tế dân sự chưa có cơ chế xử lý. "Nền kinh tế tiền mặt còn lớn vì vậy rất khó có thể kiểm soát được nguồn tiền bất minh", ông nói.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế cho rằng trong xã hội hiện có nhiều người giàu, một bộ phận nhờ sản xuất, kinh doanh nhưng lại có những người là quan chức.
"Số quan chức rất nhiều tuy nhiên không rõ lý do giàu nhanh và để chứng minh bằng giấy tờ khối tài sản của số quan chức giàu nhanh này thì không dễ", ông Kim nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Bá Đô
Từ một số vụ án lớn được xử lý thời gian qua, Vụ trưởng Pháp chế nói các quan chức thường giàu nhanh từ việc cố tình vi phạm pháp luật; vận dụng, tranh thủ cơ hội mà vị trí công tác đem lại. "Đây thường là những người có vai trò quyết định trong việc hoạch định chính sách, pháp luật", ông nói.
Cũng theo ông Kim, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới "rất gian nan và cần phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa". "Điều quan trọng nhất là phải tìm ra nguyên nhân, gốc gác dẫn đến tình trạng tham nhũng; chỉ ra được những lỗ hổng chính sách thường bị lợi dụng", ông nói.