"Điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển, tập quán văn hóa cộng với hạ tầng kém là nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp, đặc biệt là trẻ em", bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ Trưởng Truyền thông Giáo dục, Cục Dân số, cho biết tại buổi ra mắt Dự án thiện nguyện Tủ thuốc cho em, ngày 24/5.
Ước tính của Liên Hợp Quốc năm 2021 cho thấy chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam cao, khi cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi thì có khoảng 19 trẻ tử vong. Trong khi, ở Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8, còn với các nước phát triển con số này chỉ ở mức 1-2.
Theo bác sĩ Phương, việc thiếu nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị; điều kiện vô khuẩn không đảm bảo; tiên lượng và xử trí còn hạn chế... khiến trẻ em khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đơn giản nhất là thuốc. Ngoài ra, tập quán văn hóa khiến nhiều gia đình theo thầy lang, thầy cúng để chữa bệnh. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời giúp họ có cơ hội hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại thôn, bản.

Bác sĩ Mai Xuân Phương (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Tiến Đạt
Bà Nguyễn Thu Thảo, đại diện dự án Tủ thuốc cho em, cũng cho biết tỷ lệ học sinh được chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay từ trong trường học rất thấp, chỉ hơn 22 triệu học sinh, tương đương 25% dân số, theo thống kê Kinh tế Đô thị năm 2022. Đặc biệt, tại các điểm trường còn khó khăn, không đủ trang thiết bị y tế, thậm chí không có tủ thuốc cho các em. Như tại Hà Giang, các điểm trường chính sẽ gần trạm y tế hoặc có y tế học học đường, còn những điểm trường ở thôn, bản không có. Nếu học sinh ốm đau, giáo viên phải đến các điểm trường chính để xin thuốc.
"Hình ảnh thầy cô phải đi hàng chục cây số để xin vài viên thuốc cho học sinh của mình đã thôi thúc chúng tôi hành động", bà Thảo nói, thêm rằng dự án mang thuốc và trang thiết bị y tế thiết yếu đến các điểm trường, nhằm bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho trẻ. Ngoài các thuốc thiết thiếu, các thầy cô giáo cũng được phát tài liệu hướng, cẩm nang về một số bệnh thường gặp và dẫn sử dụng thuốc.
Dự án bắt đầu được triển khai từ tháng 4 tại Hà Giang với 20 tủ thuốc được đặt tại các điểm trường mầm non, tiểu học, sau đó sẽ lan rộng sang các tỉnh thành khác. Qua khảo sát, hơn 200 điểm trường đã đăng ký, xin tủ thuốc. Dự kiến, trong năm nay, 300 tủ thuốc sẽ được đưa đến các điểm trường, năm sau số lượng là 700 tủ.
Lê Nga