Năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) có Chỉ thị 364 giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Theo chủ trương này, ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Kon Tum được xác lập sau nhiều lần tách, nhập.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, quá trình đo đạc có sai sót (do máy móc sơ sài, sai số lớn, bản đồ hiện trạng sử dụng đất được vẽ trong phòng và không kiểm tra lại thực địa) nên đường địa giới hành chính theo chỉ thị này không trùng khớp thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương. Hiện, 238 hộ với hơn 1.000 người thuộc thôn 3 của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đang sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum).

Tổng diện tích vùng chồng lấn 6.200 ha, tỉnh Quảng Nam đề xuất đưa 3.000 ha đất khu vực người dân đang sinh sống về xã Trà Vinh. Ảnh: Sở Nội vụ Quảng Nam
Chính quyền Quảng Nam cho biết, các hộ dân sống tại thôn 3, xã Trà Vinh đã sinh sống ở vùng đất này từ thời xa xưa, trước khi triển khai Chỉ thị 364. Phong tục, tập quán người dân khu vực này là của bà con dân tộc thiểu số vùng Quảng Nam, khác với phong tục, văn hóa người thiểu số ở Tây Nguyên. Người ở đây chủ yếu là dân tộc Ca Dong, mang họ Nguyễn, họ Hồ, khác với người Xê Đăng ở Tây Nguyên mang họ A, họ Y.
Trong khi đó, tỉnh Kon Tum lại cho rằng địa giới hành chính với Quảng Nam được xác định từ lâu (ngày 15/4/1950) do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập đơn vị kháng chiến hành chính, tiếp tục quản lý sau khi lập tỉnh Gia Lai- Kon Tum (ngày 20/9/1975) đến nay. Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước về địa giới của hai địa phương không tốt nên sau 1975 một số đồng bào dân tộc thiểu số của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My sang xâm canh, xâm cư tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông quản lý, dẫn đến hiện trạng như bây giờ.
Cũng theo chính quyền Kon Tum, việc thực hiện Chỉ thị 364 năm 1991 đã được thống nhất giữa địa phương này và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (đến năm 1997, tỉnh Quảng Nam mới được tái lập). Mặc dù qua nhiều lần thành lập, chia tách các đơn vị hành chính của mỗi tỉnh nhưng tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Kon Tum giáp ranh với tỉnh Quảng Nam vẫn không thay đổi.

Hơn 200 hộ dân Quảng Nam đang sinh sống và định cư trên đất Kon Tum. Ảnh: Trần Hoá
Tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, bộ hồ sơ, bản đồ địa giới của xã Đăk Nên, của huyện Kon Plông và của tỉnh này được xác lập khi thực hiện theo Chỉ thị số 364 đã đảm bảo "đầy đủ, chính xác, thống nhất, pháp lý" và phù hợp với công tác quản lý địa giới hành chính của các bên liên quan đến thời điểm hiện nay.
Tình trạng người dân hộ khẩu tỉnh này nhưng lại đang sinh sống, canh tác trên địa phận địa phương khác gây khó khăn cho cả hai tỉnh trong quản lý dân cư, đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh. Từ năm 2008 đến nay, Quảng Nam và Kon Tum đã có nhiều cuộc làm việc, lấy ý kiến người dân nhưng chưa tìm được "tiếng nói chung".
Mới đây nhất, tại buổi làm việc giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam ngày 18/8, ông Nguyễn Công Tạ, Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh, cho biết cự ly từ địa bàn 238 hộ dân thôn 3 đang ở đến Kon Tum xa gấp 3-4 lần so với về Quảng Nam. Đặc biệt, cư dân vùng chồng lấn có quan hệ văn hóa, tập quán lâu đời với người tại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My. Do đó, toàn bộ người dân mong muốn được giữ nguyên hộ khẩu Quảng Nam và tiếp tục định cư trên mảnh đất cha ông để lại.
Vì vậy, phía Quảng Nam đề xuất đưa 3.000 ha đất khu vực người dân thôn 3 đang sinh sống về xã Trà Vinh, trong tổng số hơn 6.200 ha chồng lấn để không gây xáo trộn cuộc sống của người dân. "Đó là phương án hợp lý nhất", ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói và mong muốn hai địa phương sớm thống nhất phương án, tôn trọng ý kiến người dân.

Các hộ dân ở vùng chồng lấn không điện, đường, trường, trạm... và sóng điện thoại. Trong ảnh là căn nhà của gia đình anh Hồ Văn Hoàng, 37 tuổi ở cuối làng. Ảnh: Trần Hoá
Cũng theo ông Thanh, việc thiếu quan tâm, đầu tư khiến người dân thiệt thòi. Trách nhiệm có phần thuộc về cơ quan nhà nước. Hiện, dân ở đâu thì nên ở đó. "Nếu hai địa phương không giải quyết được, đề nghị Bộ Nội vụ và các ban ngành đi kiểm tra thực tế, lấy ý kiến dân để có hướng giải quyết", ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho rằng phương án trên là không thể vì theo Chỉ thị 364, địa giới hành chính đã được xác định năm 1991. Ngoài ra, vùng đất này vẫn có dân của xã Đăk Nên đang canh tác. Nếu chuyển một nửa diện tích đất cho Quảng Nam, dân xã Đăk Nên sẽ thiếu đất canh tác do phần lớn nương rẫy của họ nhường cho thủy điện Đăk Đrinh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho rằng, nếu bàn giao một nửa diện tích chồng lấn cho Quảng Nam, buộc tỉnh này hoán đổi lại diện tích tương đương cho Kon Tum, ở vị trí giáp ranh.
Tỉnh Kon Tum đề xuất nếu Quảng Nam đồng ý, Kon Tum sẽ tiếp nhận 238 hộ chuyển giao cho xã Đăk Nên quản lý và tạo điều kiện người dân sớm ổn định cuộc sống; hoặc tỉnh Quảng Nam xây dựng khu tái định cư tại xã Trà Vinh để vận động đưa các hộ dân đang sinh sống ở xã Đăk Nên về. Trường hợp Quảng Nam không đồng tình cả hai phương án, hai địa phương báo cáo Bộ Nội vụ, trình cấp thẩm quyền quyết định.
Ngoài Kon Tum và Quảng Nam, cả nước còn một số trường hợp "tranh chấp" địa giới hành chính do lịch sử để lại giữa các địa phương, hiện chưa thống nhất được, như: khu vực Núi Vân và hòn Sơn Chà, giáp ranh thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa - Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng; khu vực Suối Xia, giáp ranh xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa và các xã Mai Hịch, Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình.
Một số khu vực có thời gian tranh chấp nhiều năm đã được Thủ tướng có Nghị quyết xác định ranh giới như: TP HCM và Đồng Nai (cù lao Gò Gia rộng 3.400 ha, giáp ranh giữa xã Thạnh An, huyện Cần Giờ và xã Phước An, huyện Nhơn Trạch), giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình (khu vực đền Cát Đùn, giáp ranh giữa xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy và các xã Gia Hưng, Gia Hòa, huyện Gia Viễn, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; khu vực Chín quả đồi Lim, giáp ranh giữa xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy và xã Thạch Bình, huyện Nho Quan), giữa tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng (khu vực nông trường Quý Cao, giáp ranh các xã Quang Trung, Nguyên Giáp huyện Tứ Kỳ và các xã Đại Thắng, Tiên Cường, huyện Tiên Lãng)...
Trần Hóa