VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) xung quanh chương trình này.
- Xin ông cho biết chương trình này được triển khai từ khi nào?
- Từ năm 2000 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ký với IMM Japan về việc đưa nhân công Việt Nam sang làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, nhưng sau đó không thực hiện được vì lao động trốn nhiều quá. Năm 2004, Việt Nam ký lại và năm 2005 ký chính thức. Đến tháng 1/2006, 16 lao động đầu tiên của Bến Tre đã sang Nhật làm việc và đến nay có tất cả 203 người sang.
- Người lao động sẽ phải đóng góp những khoản gì?
- Đây là chương trình phi lợi nhuận. Người lao động chỉ chịu chi phí liên quan đến đi lại, học tiếng trước khi sơ tuyển, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa, tiền ăn ở 4 tháng để học tiếng, kết hợp rèn luyện thể lực và giáo dục định hướng.
Phía IMM trả cho Trung tâm 60.000 yen Nhật (550 USD) cho một lao động sau khi xuất cảnh để trang trải toàn bộ chi phí liên quan đến tuyển chọn. Họ yêu cầu cả Trung tâm lẫn địa phương không được thu của lao động bất cứ khoản nào.
- IMM yêu cầu thế nào đối với lao động?
- Một số doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải có nghề, còn phần đông thì không, chỉ yêu cầu tuổi 20-25, tốt nghiệp THPT, không tiền án tiền sự, không xăm mình, tật nguyền... Có điểm đặc biệt là họ chỉ tuyển nam giới. Trước khi sơ tuyển, địa phương phải tổ chức cho lao động học 2 tuần bảng chữ cái tiếng Nhật.
IMM có đại diện ở Việt Nam, họ cùng Trung tâm tham gia tuyển chọn. Lao động phải thể hiện thể lực tốt qua việc hoàn thành bài chạy mấy nghìn mét, chống đẩy... Thứ hai là kiểm tra đại số, thực ra cũng đơn giản thôi. Thứ ba là phỏng vấn, kiểm tra chỉ số IQ.
- So với chương trình tu nghiệp sinh đang được các doanh nghiệp trong nước thực hiện, chương trình này có gì khác biệt?
- Ngoài chi phí đưa đi (một kênh mất phí, một kênh không) còn có sự khác biệt về lương. Mức lương đi theo kênh IMM cao hơn. Năm thứ nhất lao động hưởng lương 80.000 yen một tháng (750 USD), năm thứ hai 90.000 yen, năm thứ ba 100.000 yen. Từ năm thứ hai lao động được phép làm thêm. Ngoài ra, sau khi hết hợp đồng 3 năm về nước, lao động được trả 600.000 yen (5.500 USD) để tái hòa nhập cộng đồng.
Mục tiêu chương trình tu nghiệp sinh là giúp lao động sang Nhật học hỏi kiến thức về tiếp tục phát huy kiến thức đó, ví dụ anh đang làm thợ gốm tại nhà máy sứ thì sau khi sang Nhật anh lại về nhà máy đó làm gốm sứ. Chương trình của IMM không cần cái đó, họ nói thẳng là khuyến khích lao động ngoài việc học kỹ năng tay nghề còn phải học kiến thức quản lý của Nhật Bản để về tự mở doanh nghiệp, phát triển sản xuất.
- Tại sao chỉ tiêu tuyển dụng chỉ hạn chế hai năm 2008-2009 là 1.000 người?
- Cái này phụ thuộc vào nhu cầu của phía IMM. Hiện mỗi năm họ tuyển của Indonesia mấy nghìn người, của Thái Lan khoảng 1.000. Còn Việt Nam, kế hoạch 2008-2009 IMM đưa ra khoảng 1.000, riêng năm 2008 họ đã có kế hoạch tiếp nhận hơn 300. Trong đó có 50 của Vinasin, còn lại là của các doanh nghiệp khác. Quy mô tuyển dụng phụ thuộc vào nhu cầu của IMM (hiện có 1,2 triệu doanh nghiệp thành viên). Bản thân hiệp hội phải quảng bá lao động Việt Nam. Và cách quảng bá hay nhất chính là lớp công nhân đi trước làm việc tốt, được chủ đánh giá cao.
- Với quy mô tuyển dụng ít, lao động có nhu cầu sẽ đăng ký ở đâu?
- Đây là bài toán khó. Mấy năm qua chủ yếu tuyển lao động ở Nam Bộ, gồm Tiền Giang, Bến Tre và một ít của Thanh Hóa. Sắp tới sẽ tuyển thêm ở Trà Vinh, Bạc Liêu. Quan điểm của Bộ là tập trung tuyển ở các tỉnh nghèo miền Tây Nam Bộ. Những nơi này đã có kinh nghiệm làm tốt, được phía bạn đánh giá cao, hơn nữa cũng muốn đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động ở khu vực này.
Lao động tại các tỉnh trên có đủ tiêu chuẩn, có nhu cầu thì đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội đăng ký tuyển chọn. Nếu được thì làm thủ tục đi. Nếu lượng đăng ký quá lớn thì địa phương sẽ phải sơ tuyển, đó là việc của địa phương, trung tâm không can thiệp.
Hồng Khánh thực hiện