"Chiến tranh không mang một khuôn mặt đàn bà"

Một đêm đầu tháng Ba năm 1971, người ta dúi vào tay nữ hộ lý Bùi Thị Đoán một đứa trẻ đỏ hỏn.

Đêm ấy, chị Đoán đang trực ở bệnh viện tỉnh Thái Bình. Người phụ nữ lớn tuổi trình bày rằng ai đó đã gửi đứa trẻ cho bà để đi vệ sinh, rất lâu rồi không thấy quay lại. Mọi người hoảng hốt đốt đèn bão đi các gốc cây xung quanh để tìm. Rồi họ nhận ra: người mẹ đã cố tình bỏ đứa con ở lại.

Đoán từng là thanh niên xung phong. Ở cái tuổi lỡ thì, cô mang trong mình mặc cảm của một phụ nữ không bao giờ dám sinh con. Nhiều người đến tìm hiểu, nhưng Đoán không muốn lấy chồng. Cô sợ phải sinh ra những đứa con tật nguyền - nhiều đồng đội từ chiến trường của cô đã như thế.

Đoán muốn nhận cháu bé làm con. Bệnh viện không cho. Đoán cố nài. Cô đặt tên em bé là Tuấn. Những ngày tháng đói khổ ấy không có gì cho con ăn, chỉ có nước cơm vắt bằng vải màn, cho thêm chút đường. Cô làm cả giấy khai sinh cho con.

Tờ giấy khai sinh ghi tháng 5 năm 1971, đến bây giờ người mẹ vẫn giữ kỹ dưới đáy tủ, chưa một vết rách nào. Phía dưới, còn dòng ghi chú: “Con bỏ ngoài bệnh viện tỉnh. Chị Đoán cam đoan nuôi cháu như con đẻ. Phần cha bỏ trống”.

Ước mong làm mẹ của người nữ thanh niên xung phong ấy không kéo dài được lâu. Chỉ hai tháng sau, đứa trẻ ốm, rồi qua đời.

Năm 1981, chị Đoán được cho nghỉ mất sức. Trở về quê, không có nơi nương tựa, chị tìm đến cửa Phật. Đã hơn 30 năm, bây giờ sư Đoán là trụ trì chùa Văn - ngôi chùa làng nhỏ nằm trong xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Thái Bình là mảnh đất đưa ra mặt trận nhiều thanh niên xung phong nhất trong chiến tranh chống Mỹ. Và chắc chắn không phải sự vô tình, bây giờ ở mảnh đất ấy, có đến gần 20 ngôi chùa có những nhà sư, từng là nữ thanh niên xung phong. Số phận của những người như Bùi Thị Đoán, trở thành một dạng điển hình.

Họ trở về từ chiến trường, trên mình mang mảnh đạn còn sót lại, hay là chất độc hóa học. Họ đã để lại tuổi đôi mươi trên những cung đường huyền thoại. Cô độc, ốm yếu và thậm chí mang cả nỗi ám ảnh. Họ tìm đến nơi cửa Phật.

Đôi khi, là sau những ước mơ cuối cùng của người phụ nữ không thành.

Trong bão lửa

Ga Gôi, Nam Định, 4 giờ chiều 20/8/1966.

Đoàn tàu quân sự vừa tập kết xong hàng hóa, chuẩn bị đi Thanh Hóa chi viện cho chiến trường. Máy bay Mỹ ập tới, bắn tên lửa và thả bom. Đoàn tàu bốc cháy.

Các chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc C895 và C894 xông vào cứu số hàng, trong đó có hai cô gái Bùi Thị Đoán và Nguyễn Thị Phương.

50 năm không khiến cho ký ức về ngày hôm đó phai nhạt. Họ kể cùng một câu chuyện. Những thùng hóa chất bén lửa, tỏa khói nồng nặc. Những thùng hàng trên vai mà các cô cố vác ra khỏi đoàn tàu, cũng đã vỡ, hóa chất chảy lên đầu, lên cổ. Da họ cháy. Nhiều người xỉu tại chỗ.

Đoán và Phương tỉnh dậy tại bệnh viện đường sắt ngoài Hà Nội. Hình ảnh cuối cùng họ còn nhớ là đồng đội nằm la liệt trên sân đình Gôi. 23 người chết, 256 người bị thương và nhiễm độc.

Bây giờ Ga Gôi vẫn còn bia tưởng niệm. Hằng năm, cứ đến ngày 20/8, nhiều đồng đội lại về đây thắp hương.

Cuộc đời người sống sau trận Ga Gôi rẽ theo nhiều hướng. Người vào chiến trường B, người thì chuyển ngành. Họ đều không thoát được dấu vết của trận đánh.

Nữ thanh niên xung phong tìm bình yên nơi cửa Phật
 
 

Trích phim tài liệu "Trở về từ Ga Gôi" của Truyền hình Quân đội.

Sư Đoán trong sân chùa Văn

Đoán bị tâm thần. Bây giờ sư không thể nhớ được những ngày ấy nữa, chỉ biết đồng đội thỉnh thoảng về thăm vẫn kể là bị nặng, cứ lang thang, ra đồng mò cua bắt ốc ăn - đơn vị phải cử người chăm sóc.

Tỉnh táo được một chút, về quê làm hộ lý ở bệnh viện tỉnh, cô cũng nay ốm mai đau, ngất lên ngất xuống. Cô không lấy chồng. Nhiều đồng đội của cô không cưỡng được mong muốn làm mẹ và đã có hơn 20 đứa trẻ mang di chứng chất độc hóa học sinh ra từ buổi chiều Ga Gôi ấy. 

Nguyễn Thị Phương ở đơn vị khác, cứu một toa tàu không bốc cháy, di chứng không nặng nề như Đoán, nhưng cũng đau yếu luôn luôn. 

Sư thầy Thích Đàm Phương bây giờ là trụ trì chùa Cau Đẻ, ở huyện Vũ Thư. Bà không còn muốn nhắc lại chuyện xưa. Bốn mươi năm theo Phật, bà dường như đã tìm thấy tịnh độ. Sư chỉ than thở chuyện cơ thể đau nhức, không đi thăm được đồng đội nữa. “Nhưng sống được đến tuổi này, cũng là nhờ Phật rồi”.

Hỏi về ký ức, thầy bảo "ông Phạm Tiến Duật đã viết rồi". Hóa ra, cuộc đời bà đã thành một tứ thơ.

Sư thầy Thích Đàm Phương trong buổi tụng kinh chiều

"Chiến tranh Phương trở về quê mẹ

Năm năm rồi mười năm lặng lẽ

Ngày mưa ngày nắng, ngày ốm ngày khỏe

Phương thành cô giữ trẻ cho làng

Rồi một buổi mai chỉ còn váng nắng

Nghe tin Đạt hy sinh ngoài mặt trận

Nguyễn Thị Phương vào chùa, cắt tóc đi tu...

Phương thành sư thầy Đàm Phương là thế

Nửa đời trước hy sinh

Nửa đời sau nữa, lại hy sinh..."

Bản thân các thầy cũng không biết tại sao đất Thái Bình lại có nhiều nữ thanh niên xung phong xuất gia như thế. Chỉ biết, họ gặp lại nhau khi cùng xuống tóc.

Trong cửa thiền

Họ tìm thấy điều gì nơi cửa Phật?

Sư Dậu không thể diễn giải một cách mạch lạc câu hỏi ấy. Đầu bà có vết sẹo lớn và cả mảnh bom bên trong. Câu chuyện của bà không trôi chảy, chỉ có những mảnh ký ức vụn ghép lại. Sư hay đau đầu, và người ta kể, thỉnh thoảng vẫn bỏ đi lang thang.

Sư cũng chẳng trở thành trụ trì được. Bây giờ sư được giao trông một ngôi chùa cũ, thật ra là một cái miếu có thờ Phật ở huyện Đông Hưng. Làng nghèo, chùa cũng xác xơ. Đến bữa, sư nấu cơm trắng, hái rau trong vườn chấm muối ăn.

Nhưng sư thích kể chuyện. Sư đem ra mấy quả chuối cũ, mời phóng viên ăn, rồi nhẩn nha kể chuyện. Câu trước là chiến trường biên giới phía Bắc những năm 80, đến câu sau đã là sự đùm bọc của đồng bào Tây Nguyên những ngày chống Mỹ. Và sư kể nhiều về một thanh niên tên Trác - một con nghiện, sư nuôi trong chùa này mấy năm trước.

Trác là Chí Phèo của Đông Các. Vào tù ra tội, không nhà không cửa, lúc lên cơn nghiện, Trác đi quấy phá, dọa nạt, xin đểu trong chợ làng. Nhưng sư Dậu kể, lúc hết cơn, Trác rất ngoan: hắn xin vào chùa để quét tước, giúp việc. Rồi sư bảo Trác ở lại hẳn trong chùa.

Sư cho Trác một chỗ ngủ trong miếu, một cái nồi cơm và gạo riêng. “Ai cho cái gì sư cho nó cái nấy”. Sư dạy Trác, ra chợ muốn ăn cái gì thì chắp tay xin, đừng đi ăn cướp. Bà con cũng hiểu, coi hắn như người của nhà chùa đi khất thực. Cứ thế, Trác sống được nửa năm cùng sư Dậu.

Nhưng rồi Trác vẫn lên cơn, cầm dao dọa sư, phá phách trong chùa. Sư không bận lòng. “Tôi chết mà người làng được sống yên thì mới có ý nghĩa. Tôi sống mà người ta chết thì chẳng nghĩa lý gì”, bà nói với chính quyền. Mọi việc Trác làm, sư cứ lờ đi. Trác đi bậy trong chùa, sư theo dọn. Trác dùng loa đàn hát giữa đêm, sư lại nhờ người gỡ cái loa ấy xuống.

“Ở chiến trường tôi còn chẳng sợ”, sư cười.

Đêm nọ, Trác tưới xăng khắp chùa, cầm dao vào phòng sư. Hắn đòi một tỷ, nếu không sẽ giết sư và đốt chùa. Sư bảo, nếu giết, sư phải cảm ơn anh. Rồi bà ngồi trên giường niệm Phật.

Cái giường bây giờ vẫn để nơi góc chùa. Đã cháy đen. Trác châm lửa đốt chùa thật. Rạng sáng ấy trời mưa và người làng đến kịp.

Sư Dậu bên chiếc giường đã cháy đen

Cậu Chí Phèo chùa Đông Minh ấy đã đi tù. Nhưng sư kể chuyện vẫn hồn nhiên - và vẫn khen - là ngày thường thằng ấy ngoan lắm, vẫn quét sân ở kia. Bà chỉ tay vào gốc mít, nơi vẫn còn vết cháy đen.

“Hình như nó mãn hạn tù, ra mấy tháng rồi”, một người làng ngồi trong sân chùa chêm vào.

Sư vẫn cười.

Không đi học giới luật để trở thành trụ trì, cũng không thể diễn giải những khái niệm cao siêu của Phật pháp, nhưng sư có thể kể chuyện thằng Trác.

Sư Đoán không phải cô gái duy nhất ngày ấy khước từ quyền làm vợ, làm mẹ của mình.

Ở Thái Bình bây giờ, người ta còn kể cho nhau nghe chuyện sư Thân ở chùa Đông Am. Người cùng hẹn ước thời thiếu nữ, tưởng đã hy sinh nơi mặt trận, bỗng một ngày trở về.

Mừng vui gặp lại người xưa, nhưng không đoàn tụ, cô gái Lương Thị Thân đã xuống tóc. Cô biết mình nhiễm chất độc da cam, không thể làm mẹ.

Người làng kể rằng người đàn ông ấy nhiều năm sau vẫn lên chùa mong sư thầy quay lại, nhưng đều bị chối từ.

Gần 20 nữ thanh niên xung phong không trở về với cõi trần ấy, chỉ là một ẩn dụ chiếu nhỏ của những gì Thái Bình đã cho đi và không nhận lại. Hàng nghìn thiếu nữ đã đi và để lại thanh xuân nơi chiến trường như thế, hoặc không bao giờ về quê nữa.

Họ đều không muốn nhắc nhiều chuyện xưa. Hơn ba mươi năm trong cửa thiền, mọi nỗi đau trở thành quá vãng.

Cũng có lúc họ nghẹn lời. Như sư Đoán, khi nói về đứa con năm xưa và mong ước làm mẹ.

Tấm giấy khai sinh 46 năm không một vết ố. Tôi vô tình nhìn thấy nó khi sư Đoán lần giở chồng giấy tờ cũ. Đằng sau tờ giấy, vẫn còn dòng bút phê: “Duyệt cấp sữa bồi dưỡng cho cháu”.

Đứa trẻ ấy đã mất mà không kịp uống hớp sữa nào trong đời.

 

Bình luận
Ý kiến của bạn