Hành trình chở 12 tấn thực phẩm bằng xe tải tới Bắc Cực

Cabin chỉ dành cho 2 người giờ nhồi nhét 3-4 người đàn ông. Chuyến đi kéo dài 10 ngày đêm bắt đầu từ thị trấn Belaya Gora (CH Sakha, Nga) tới Bắc Cực, với tiếng băng tuyết lạo xạo vỡ vụn dưới bánh xe tải trở thành thứ nhạc nền kéo dài vô tận đầy ám ảnh.

Amos Chapple, nhiếp ảnh gia New Zealand, một trong số 4 người đàn ông trên chuyến đi thực hiện cách đây một năm, vẫn nhớ hành trình đáng sợ nhất đời mình và vẫn gặp những cơn ác mộng về tiếng băng vỡ dưới bánh xe. Bộ ảnh của anh được trang Boredpanda đăng tải.

Trong 10 ngày đêm, Chapple đồng hành cùng người đàn ông tên Ruslan và một phụ tá trẻ tuổi khi 2 người này lái xe tải rong ruổi từ sông Indigirka để đưa 12 tấn thực phẩm từ Belaya Gora tới cực bắc của Siberia.

Nửa hành trình từ Yakutsk tới Belaya Gora đi theo cao tốc Kolyma. Nửa còn lại dọc theo sông băng Indigirka.

Mọi thứ bắt đầu thuận lợi. Mặt đất rắn chắc nằm dưới bánh xe khi họ khởi hành xuyên qua những ngọn núi. Với 3 người trong cabin, ban đêm trở nên tù túng và đẫm mồ hôi. Trong khi đó, theo lẽ thường, người dân vùng Siberia mê lò sưởi giống như cách mà người Ảrập cuồng điều hòa.

Đến bữa, bếp ga mini được bật lên ngay trên ghế để đun nước làm chín mì ăn liền.

Tai nạn. Andrei, bạn của Ruslan, người lái chiếc van đi cùng đường xe tải chở thực phẩm, vào cua quá hẹp và xe bị lật. Đó cũng là lúc cabin vốn dành cho 2 người biến thành không gian nhốt kín 4 người đàn ông cho tới Belaya Gora.

4 người đàn ông chen chúc, cố thiếp đi ở những tư thế kém thoải mái nhất là đỉnh điểm của sự khổ sở trong trò xếp hình bằng người. Cảnh trên là đêm đầu tiên mà cả 4 người nhét trong cabin.

Đó cũng là khi hết nửa chặng đường trên mặt đất rắn chắc và xe bắt đầu lăn bánh lên mặt băng. Chuyến đi chìm trong ánh sáng của đèn sương mù, rồi đột nhiên Ruslan giật mạnh cần số và dừng lại ngay sát chiếc hố rộng bằng cả chiếc xe. "Cái này mới thôi", rồi người đàn ông này cài số lùi, đưa xe ngược trở lại, tìm đường lên phía thượng lưu.

Mùa xuân khiến thứ gì ở đâu đó đang tan chảy.

Chapple không biết chuyện gì xảy ra ở những chiếc hố kia, nhưng một hướng dẫn viên địa phương cho biết, cứ mỗi mùa đông, khoảng 5 người mất mạng tại khu vực này sau khi khiến mặt băng bị vỡ. Qua mặt băng trong suốt, Chapple nhìn thấy dòng chảy ngầm dịch chuyển bên dưới.

Ruslan minh chứng bằng việc cho nhiếp ảnh gia xem bức ảnh chiếc xe tải của một người bạn bị lọt hố băng. "Nếu bị rơi xuống đó, anh sẽ bị cuốn đi". Chapple lập tức tự hứa rằng nếu chiếc xe tải chở mình gặp tình huống đó, anh sẽ không chần chừ mà nhảy ra. 

Họ tiếp tục hành trình men theo sông băng, nhưng có những điểm buộc phải đi qua sông. Và ảnh trên là lần vượt sông cuối cùng.

Khi băng bắt đầu vỡ lạo xạo dưới bánh xe, Chapple đẩy cửa và nhảy ra ngoài, cùng lúc chiếc xe tải đổ lệch sang bên ngay phía trên chỗ anh vừa tiếp đất. Mấy người đàn ông cố đưa xe trở lại bề mặt nhưng thất bại.

Chapple từ chối trèo lên cabin. Cuối cùng thì nhiếp ảnh gia đu người ngồi bám chặt vào chiếc lốp dự phòng phía sau xe.

Rồi mọi thứ trở nên tệ hơn. Trong bóng đêm, cả nhóm cố đẩy xe đi, chạy qua chạy lại trên mặt băng, la hét chỉ đạo lẫn nhau.

Khi tất cả dừng lại, Andrei cố giúp Chapple lấy lại tinh thần bằng cách cho xem một video giải trí. Nhiếp ảnh gia thấy anh đã quá liều lĩnh khi tới đây, và khi đó vẫn còn tới nửa chặng đường dường như vô tận trên mặt băng. Chapple ngồi suốt đêm với sự sợ hãi khuấy đảo trong tim, khi những người khác đều ngủ thiếp đi ở những tư thế khác nhau ngay bên cạnh.

Vào lúc 3 giờ, khi bạn đồng hành vẫn ngủ say, Chapple chứng kiến ánh sáng màu xanh lục lóe lên phía chân trời. Đó cũng là lần đầu anh tận mắt nhìn thấy dải sáng bắc cực quang, và cũng là thứ mang lại cho Chapple cảm giác rằng mọi thứ, bằng cách nào đó, rồi sẽ suôn sẻ.

Ngày hôm sau, trời đẹp và trong hơn. Mặt đường rắn hơn. Vào cuối ngày, họ tới thăm một nhà thờ nhỏ ở Zashiversk.

Cả đoàn đã lấy lại tinh thần, ngân nga dưới bầu trời Siberia trong vắt. Và cuối cùng, sau 5 ngày liên tiếp không được tắm gội và thay quần áo, tất cả đã tới Belaya Gora, nơi Ruslan có một căn hộ nhỏ.

Số thực phẩm đã được đưa tới Belaya Gora. Chapple ở lại trong khi Ruslan tiếp tục đưa số thực phẩm tiến gần hơn tới cực bắc. Chặng đường sau đó còn kinh hoàng tới mức có lúc nhiếp ảnh gia cảm thấy tuyệt vọng khi chờ đợi bạn đồng hành trở về. Nhưng rồi Ruslan cũng xuất hiện.

Nhưng vẫn còn hành trình ngược trở về Yakutsk, và ý nghĩ đó lập tức lại khiến Chapple sợ hãi.

Xe của Ruslan kéo theo xe tải khác và đôi khi họ cùng trượt đi trên mặt băng. Băng đang tan nhanh hơn. Trong khi Ruslan muốn đi suốt đêm, Chapple cuộn người trong áo choàng và đứng phía sau chiếc xe tải thứ 2, sẵn sàng nhảy ra bất cứ lúc nào nếu lại gặp chiếc hố nào đó.

Trong khi Ruslan chạy xuyên màn đêm chỉ bằng sự quan sát và cảm tính, thì một tài xế khác sử dụng gậy để kiểm tra độ cứng của băng và lội hố bùn trước khi vẫy tay ra hiệu để Ruslan vượt lên.

Không ít lần họ uống nước lấy từ chính dòng sông. Hành trình đang gần hơn về phía mặt đất rắn chắc. Nhưng không vì thế mà mọi thứ trở nên an toàn hơn.

Chapple chụp được những gì còn lại của một chiếc xe tải lao xuống từ vách núi khiến tài xế tử vong.

Ngày 8/3/2016, nỗi kinh hoàng của những con đường đóng băng đã hoàn toàn nằm lại phía sau khi xe của Ruslan và Chapple lăn bánh lên mặt đất.

Mặt trời đã lên, nhạc được bật to hết cỡ và Chapple đang trên đường trở về nhà. Nhưng Ruslan vẫn chưa xong việc. Tài xế này dành vài ngày ở Yakutsk, chất hàng lên xe và tiếp tục trở lại Belaya Gora, nơi anh có thể trải qua mùa hè ở đó. Khi Ruslan hỏi liệu có muốn tham gia nữa không, nhiếp ảnh gia người New Zealand cúi đầu tỏ ý từ chối. Chapple thật sự hạnh phúc khi được trở lại với mặt đất vững chắc.

Mỹ Anh

Bình luận
Ý kiến của bạn