Donald Trump ngày 20/1 tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. Trong 15 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, ông đã ký tổng cộng 20 sắc lệnh hành pháp trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số sắc lệnh nhận được ủng hộ song cũng có không ít quyết định vấp phải sự phản đối từ công chúng khi gây ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội Mỹ và tình hình thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/1 ký sắc lệnh yêu cầu mỗi khi chính phủ ban hành một quy định mới thì phải thu hồi hai quy định khác. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm giảm thiểu gánh nặng lên các doanh nghiệp.
Trong buổi gặp mặt với chủ một số doanh nghiệp nhỏ cùng ngày, ông Trump nhấn mạnh các quy định đang kiềm chế doanh nghiệp phát triển, mở rộng kinh doanh, đồng thời hạn chế việc cho vay của các ngân hàng.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) chịu trách nhiệm giám sát thực hiện sắc lệnh. Một số lĩnh vực được miễn áp dụng sắc lệnh, ví dụ các ngành nghề liên quan đến quân sự và an ninh quốc gia.
Khả năng áp dụng sắc lệnh trong thực tiễn chưa rõ ràng bởi một số khúc mắc còn tồn tại như : những yếu tố nào tạo nên một quy định, cơ quan nào chịu ảnh hưởng bởi sắc lệnh, cần làm gì để thực hiện sắc lệnh…
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định việc ra sắc lệnh di trú, hạn chế người nhập cư và người tị nạn Hồi giáo hôm 27/1 là nhằm bảo vệ quốc gia khỏi nguy cơ khủng bố.
Sắc lệnh cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn vào Mỹ trong 90 ngày và cấm người tị nạn, bao gồm phụ nữ và trẻ em, vào nước này trong 120 ngày, kể cả những người có thị thực còn thời hạn và được tị nạn hợp pháp.
Quyết định trên lập tức gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Nhiều người phải hoãn hành trình đến Mỹ. Một số người bị giữ lại khi vừa đặt chân tới Mỹ. Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra nhằm phản đối sắc lệnh di trú.
Lãnh đạo một số nước như Anh, Đức, Pháp, Canada đã lên tiếng phản đối. Iran tuyên bố trả đũa bằng cách cấm tất cả người Mỹ nhập cảnh vào nước này.
Ông Trump ngày 25/1 ban hành sắc lệnh chỉ đạo các quan chức bắt đầu "lên kế hoạch, thiết kế và xây một bức tường hữu hình dọc theo biên giới phía nam" và sẽ tài trợ cho nó như thế nào. Công việc khảo sát biên giới cần hoàn thành trong vòng 180 ngày. Phần lớn diện tích xây tường là đất thu hồi từ tư nhân và chính quyền bang Texas.
Sắc lệnh này là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn di dân bất hợp pháp, hạn chế người tị nạn vào Mỹ và răn đe các thành phố bảo vệ di dân.
Kế hoạch vấp phải làn sóng phản đối từ những người ủng hộ nhập cư. Theo họ, ông Trump đang gây ảnh hưởng tới quyền lợi và tự do của hàng triệu người khi đối xử với Mexico như kẻ thù chứ không phải đồng minh. Hiện chưa rõ Tổng thống Trump sẽ chi trả cho bức tường này như thế nào.
Tổng thống Donald Trump ngày 24/1 ký sắc lệnh thúc đẩy xây dựng hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access. Ông muốn cân nhắc lại điều khoản cũng như thời hạn của các dự án trên, trong đó sử dụng thép từ Mỹ là một trong những yêu cầu quan trọng.
Chính quyền của cựu tổng thống Obama cuối năm 2015 hoãn dự án đường ống Keystone vận chuyển dầu thô từ Canada về bang Texas. Công binh Lục quân Mỹ năm ngoái cũng ra quyết định triển khai tuyến đường khác thay cho đường ống Dakota trước những cuộc biểu tình của thổ dân bản địa nơi những đường ống dự kiến đi qua.
Các nhóm hoạt động về môi trường bày tỏ phẫn nộ về sắc lệnh này. Trong khi đó, quyết định của ông Trump nhận được sự hoan nghênh từ ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ và Bộ Tài nguyên Canada. Theo Trump, dự án đường ống Keystone XL có thể tạo ra 28.000 việc làm.
Ông Trump ngày 24/1 ký sắc lệnh hành pháp chính thức chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được coi là di sản nổi bật trong chính sách thương mại quốc tế của người tiền nhiệm Barack Obama.
Sắc lệnh trên chủ yếu mang tính biểu tượng bởi Quốc hội Mỹ chưa thông qua TPP nên hiệp định này chưa có hiệu lực. Vì thế, việc Mỹ "rút khỏi TPP" về thực chất là quyết định đơn phương chấm dứt các cuộc đàm phán quốc tế đang diễn ra đối với hiệp định này.
Sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức, đồng nghĩa với việc 11 nước tham gia TPP còn lại phải tái đàm phán hoặc "khai tử" hiệp định, bởi theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).
Các chuyên gia phân tích cho rằng sắc lệnh trên phản ánh quan điểm của Tổng thống Trump trong việc chuyển đổi chính sách thương mại Mỹ theo hướng phản đối tự do thương mại, quay sang bảo hộ sản xuất và việc làm trong nước. Họ cũng lo ngại rằng việc TPP bị khai tử sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tìm kiếm một hiệp định thay thế nhằm gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Là một quốc gia tham gia đàm phán TPP, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi quyết định này của ông Trump, trong đó có khả năng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị sụt giảm. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ tham gia, cho dù có TPP hay không.
Ông Trump ngày 23/1 ký sắc lệnh tổng thống tái thiết lập lệnh cấm hoạt động tư vấn nạo phá thai quốc tế, hay còn gọi là chính sách Mexico City, vốn được Tổng thống Ronald Reagan thực hiện lần đầu tiên vào năm 1984.
Sắc lệnh này cấm tất cả các cơ quan, bộ ngành của Mỹ "cung cấp hoạt động tư vấn nạo phá thai hay ủng hộ việc tiếp cận các dịch vụ nạo phá thai ở nước ngoài", ngay cả khi họ sử dụng nguồn tài chính không phải từ ngân sách chính phủ Mỹ.
Lệnh cấm này từng là tâm điểm cho cuộc giằng co giữa các đời tổng thống Mỹ, với việc các tổng thống đảng Dân chủ bãi bỏ nó, trong khi các tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đều ký các sắc lệnh khôi phục.
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay sau khi Ngoại trưởng và Bộ trưởng Y tế Mỹ lên kế hoạch thực hiện để thực thi sắc lệnh. Phạm vi áp dụng của lệnh cấm dưới thời ông Trump rộng hơn rất nhiều so với trước đây, với việc toàn bộ các cơ quan chính phủ Mỹ phải thực hiện.
Hàng triệu phụ nữ và gia đình trên thế giới từng nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản qua các chương trình phi chính phủ do Mỹ tài trợ sẽ bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh. Chẳng hạn như nếu một tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS bằng tiền tài trợ của Mỹ, họ sẽ không thể tư vấn cho các phụ nữ nhiễm HIV phá thai, nếu không sẽ bị chấm dứt chương trình tài trợ.
Ông Trump ngày 20/1 ra sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên quan tìm cách "giảm gánh nặng pháp lý" liên quan đến việc sửa đổi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) hay Obamacare trong thời gian chờ bãi bỏ đạo luật này.
Obamacare là một trong những thành tựu của cựu tổng thống Barack Obama. Phe Cộng hòa cho rằng Obamacare tạo điều kiện để chính phủ Mỹ can thiệp quá sâu vào thị trường bảo hiểm sức khỏe, lãng phí ngân sách và tổn hại đến tăng trưởng việc làm.
Ông Trump trong thời gian vận động tranh cử từng tuyên bố sẽ bãi bỏ và thay thế đạo luật nếu đắc cử. Đảng Cộng hòa cam kết nhanh chóng bãi bỏ Obamacare và tìm ra một dự luật có thể lấp vào khoảng trống. Tuy nhiên, phe Cộng hòa đến nay vẫn chưa đưa ra được kế hoạch thay thế nào.
Sắc lệnh đã gây ra một cơn chấn động trong hệ thống chăm sóc y tế Mỹ và tạo thêm nhiều bất ổn trong bối cảnh thị trường bảo hiểm của nước này đang lao đao.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Trump đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang ngừng toàn bộ hoạt động tuyển dụng mới, ngoại trừ hoạt động phục vụ an ninh quốc gia và an toàn công cộng.
Sắc lệnh này được coi là một phần trong nỗ lực của ông Trump nhằm giảm bớt các khoản nợ chính phủ và giảm quy mô biên chế của các cơ quan liên bang.
Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức sau khi ký và sẽ được áp dụng trong 90 ngày. Các trường hợp ngoại lệ thuộc lĩnh vực quân đội, an ninh sẽ được Phòng Quản lý và Ngân sách xem xét cụ thể.
Sắc lệnh kiểu này từng được các tổng thống Ronald Reagan và Jimmy Carter ký để hạn chế việc gia tăng biên chế của các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, báo cáo năm 1982 của Phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ cho thấy các lệnh đóng băng biên chế này "có tác động rất ít tới mức độ tuyển dụng của các cơ quan liên bang".
"Vì chúng không tính đến nhiệm vụ, tải trọng công việc và nhu cầu nhân sự của mỗi cơ quan, các lệnh đóng băng này đã làm gián đoạn hoạt động của các tổ chức chính phủ, và trong một số trường hợp còn làm gia tăng chi phí", bản báo cáo viết.
Vũ Hoàng