Vành đai 1
Đường vành đai 1 có từ thời Pháp thuộc (thời Pháp gọi là Route circulaire), đi qua các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Chạy từ Nhật Tân dọc theo sông Hồng xuống phía Nam, vành đai 1 được hình thành bởi các con đường Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, La Thành, Bưởi, Lạc Long Quân.
Điểm cuối của vành đai 1 là đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái vừa được thông xe năm 2016.
Tuyến đường có tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Do nằm ở khu trung tâm, chi phí đền bù giải toả lớn nên trung bình mỗi mét đường vành đai 1 lên tới 2 tỷ đồng.
Trên đường vành đai 1 có hai cầu vượt đường bộ bằng thép là Ô Đông Mác, Trần Khát Chân và hầm chui Kim Liên.
Đường vành đai 2
Vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài là 43,6 km; tổng mức đầu tư khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Đường vành đai 2 chạy qua cầu Vĩnh Tuy - đường Minh Khai - đường Đại La - Ngã tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.
Vành đai 2 đang được mở rộng đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở (đường Trường Chinh) và quy hoạch mở rộng đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.
Năm 2016, tuyến vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Nhật Tân được đưa vào hoạt động với hai cầu vượt sông Hồng là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.
Vành đai 2,5
Vành đai 2,5 bắt đầu từ khu đô thị Tây Hồ Tây, đường Nguyễn Văn Huyên, đường Dương Đình Nghệ, đường Trung Kính, đường Hoàng Đạo Thúy, đường trục khu đô thị Khương Đình, đường trục khu đô thị Định Công, đường Kim Đồng, phố Tân Mai, phố Đền Lừ.
Riêng đoạn từ đường Hoàng Đạo Thúy đến đường Kim Đồng gồm nhiều đường nội thị nhỏ.
Đoạn Tân Mai - Đền Lừ và Kim Đồng vừa được thông xe.
Đoạn Kim Đồng nối với khu đô thị Định Công đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Trong giai đoạn II, Hà Nội sẽ chỉnh trang mở rộng tuyến từ Hoàng Đạo Thúy đến khu đô thị Tây Hồ Tây, từ năm 2025 sẽ hoàn thành nốt các đoạn còn lại trong đó có hợp phần quan trọng nhất Hoàng Đạo Thúy - khu đô thị Định Công.
Vành đai 3
Vành đai 3 là tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội, dài khoảng 65 km, đi qua các quận và huyện Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm.
Điểm nhấn của tuyến đường này là hệ thống cầu cạn được thiết kế theo chuẩn cao tốc, phục vụ xe ôtô chạy tốc độ tối đa 90 km/h.
Vành đai 3 kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn từ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp.
Riêng đoạn từ Ninh Hiệp đến đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài gồm nhiều đường nội thị nhỏ đi qua các điểm Việt Hùng - Đông Anh - Tiên Dương - Nam Hồng (nằm phía Nam của đường sắt phía Bắc).
Hiện tuyến vành đai 3 đã hoàn thiện 80% với hệ thống đường trên cao, kết hợp đường bộ từ Mai Dịch đến cầu Thanh Trì. Còn đoạn trên cao từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long dài hơn 5 km đang được thi công, dự kiến hoàn thiện trong khoảng 2 năm tới.
Việc mở rộng đường vành đai 3, đoạn từ cầu Thanh Trì đến Mai Dịch (tức các đường Pháp Vân, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng) đã được hoàn thành và đưa vào khai thác kết hợp đường trên cao và đường bộ.
Trên đường vành đai 3 có 3 cây cầu lớn là cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng.
Hệ thống đường vành đai kết nối với đường sắt đô thị ở Thủ đô.
Bá Đô - Nhật Quang