Một ngày sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022, lãnh đạo 30 nước thành viên NATO nhóm họp khẩn cấp để giải quyết vấn đề mà họ mô tả là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương.
"Trong bối cảnh mọi thứ liên tục thay đổi và khó khăn này, thật khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói. Nhưng không ai trong cuộc họp đó hình dung được mức hỗ trợ sẽ lớn đến mức nào.
Trong những tháng sau đó, nhiều thành viên NATO đã cung cấp nhiên liệu, mũ sắt, vật tư y tế và nhiều thiết bị phi sát thương khác cho Ukraine. Sau rất nhiều cân nhắc, NATO cuối cùng cũng đồng ý chuyển pháo và hệ thống phòng không cho Kiev, với hy vọng chúng không khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin.
NATO từ lâu đã rất lo ngại về nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến toàn diện với Nga, nước sở hữu vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. Gần một năm trôi qua, NATO vẫn cảnh giác với nguy cơ này, nhưng xung đột Ukraine đã tạo ra rất nhiều thay đổi.
Thay đổi rõ rệt nhất là quan điểm trong cung cấp vũ khí cho Ukraine. Từ những dè dặt ban đầu, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine gần đây nhóm họp tại trụ sở NATO ở Brussels để thảo luận về cách đáp ứng nhu cầu quân sự của Kiev. Ngoài xe tăng chiến đấu chủ lực, Ukraine muốn được cung cấp những khí tài hiện đại hơn nữa, trong đó có tiêm kích.
"Ukraine phải thắng cuộc chiến này", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nói. Estonia, quốc gia vùng Baltic có chung biên giới và lịch sử lâu dài với Nga, trở nên cảnh giác cao độ sau khi ông Putin tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. NATO cũng đã tăng cường lực lượng quân sự đồn trú ở nước này.
"Chúng tôi từng rất băn khoăn về việc chuyển xe tăng, nhưng giờ quyết định đã được đưa ra", Bộ trưởng Pevkur nói. "Chúng tôi biết Ukraine cần mọi biện pháp giúp đỡ, điều đó còn có nghĩa là cả tiêm kích".
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch, Mỹ đã viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine với tổng trị giá hơn 110 tỷ USD, trong đó gần 30 tỷ USD dành cho vũ khí và đào tạo binh sĩ. Các đồng minh khác đã viện trợ Ukraine hơn 19 tỷ USD vũ khí và hàng chục tỷ USD hỗ trợ kinh tế.
Không phải thành viên NATO nào cũng ủng hộ điều này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng khi cam kết gửi nhiều vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine, NATO "đang tham gia cuộc chiến".
Tuy nhiên, Tổng thư ký Stoltenberg phản bác lập luận này. Dù kêu gọi đồng minh và đối tác cung cấp nhiều vũ khí, đạn dược hơn cho Ukraine, Stoltenberg nhấn mạnh NATO không tham gia cuộc chiến với Nga.
"Cả NATO và các đồng minh không phải là một phe của cuộc chiến. Điều chúng tôi làm là hỗ trợ Ukraine và Kiev đang tự vệ. Hỗ trợ của chúng tôi tăng lên vì cuộc chiến diễn biến phức tạp", ông nói.
Tuy nhiên, NATO đang đối mặt thách thức. Tốc độ tiêu thụ đạn của Ukraine đang nhanh hơn năng lực sản xuất của cả ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
"Xung đột đã trở thành cuộc chiến tiêu hao và nó cũng dẫn tới cuộc chiến về hậu cần. Các đồng minh cần nỗ lực rất nhiều để có thể cung cấp đạn dược, nhiên liệu và phụ tùng cần thiết", ông Stoltenberg nói.
Một trong những thay đổi đáng chú ý khác do xung đột Ukraine gây ra là sự đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể của NATO, cam kết rằng cuộc tấn công vào bất kỳ đồng minh nào cũng sẽ bị đáp trả bằng phản ứng tập thể, theo Lorne Cook, nhà phân tích của AP.
Cựu tổng thống Donald Trump từng làm suy yếu niềm tin vào sự đảm bảo đó khi đe dọa từ bỏ bất kỳ đồng minh nào mà ông cho rằng không chi tiêu đủ cho lực lượng vũ trang.
Trong giai đoạn đầu cuộc chiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng NATO sẽ bảo vệ từng tấc đất của liên minh, nhằm ngăn chặn nguy cơ Nga nhắm vào bất kỳ thành viên nào. Phần Lan và Thụy Điển thậm chí từ bỏ lập trường trung lập, nộp đơn xin gia nhập NATO để nhận được sự bảo vệ đó.
NATO hiện có khoảng 40.000 lính được triển khai ở Đông Âu, từ Estonia tới Bulgaria. Mỹ cũng có khoảng 100.000 binh sĩ đóng ở châu Âu. Khoảng 140 tàu chiến tăng cường tuần tra trên các vùng biển châu Âu, các hệ thống giám sát trên không liên tục hoạt động và 130 máy bay sẵn sàng xuất kích khi cần.
Những lực lượng này hiện chỉ đóng quân trên lãnh thổ của liên minh, nhưng một số nước thành viên gần biên giới Nga như Litva nói rằng họ sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ Ukraine. Họ tin quốc gia này nên được gia nhập NATO bất kể kết cục cuộc chiến với Nga thế nào.
Khi các lãnh đạo NATO nhóm họp ở thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7, họ có thể xem xét hỗ trợ Ukraine với nhiều thiết bị công nghệ cao hơn.
"Thật khó tin rằng NATO sẽ có những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho Ukraine", bình luận viên Cook cho hay. "Nhưng 18 tháng trước, thậm chí NATO cũng không tin rằng ông Putin sẽ mở chiến dịch quân sự ở Ukraine".
Thanh Tâm (Theo AP)