Hơn 20.000 người Israel cùng gia đình các con tin bị Hamas và đồng minh bắt cóc đã tuần hành đến văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tuần qua, kêu gọi chính phủ làm mọi cách để giải cứu các nạn nhân. Cuộc biểu tình đã diễn ra trong 5 ngày, những người tham gia tuần hành trên đường cao tốc nối Tel Aviv đến Jerusalem.
"Chúng tôi muốn chính phủ nói rõ kế hoạch giải cứu. Chúng tôi không thể chờ đợi nữa. Chúng tôi muốn họ hành động ngay, bằng mọi giá phải đưa con tin về nhà", Noam Alon, 25 tuổi, bày tỏ bức xúc.
Giới chức Israel xác định khoảng 240 người bị Hamas cùng các nhóm vũ trang đồng minh bắt cóc đến Dải Gaza trong vụ đột kích khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng ngày 7/10.
Sau hơn một tháng Israel tuyên chiến đáp trả rồi đưa quân vào Dải Gaza, Hamas mới trả tự do cho 4 con tin. Tổ chức này nhiều lần tuyên bố có hàng chục con tin đã thiệt mạng vì các đòn tập kích của Israel, song không công bố danh sách cụ thể. Quân đội Israel cũng phát hiện dấu vết hoặc thi thể một số con tin.
Theo trang Middle East Eyes chuyên nghiên cứu và quan sát tình hình Trung Đông, đây là cuộc khủng hoảng con tin lớn nhất của Israel kể từ cuộc chiến năm 1973 giữa quốc gia này và liên minh Arab. Tuy nhiên, tính chất hai sự kiện khác nhau cả về thành phần con tin lẫn mức chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel.
Trong cuộc chiến năm 1973, phần lớn con tin Israel bị bắt là quân nhân, chủ yếu là phi công do máy bay rơi trong lãnh thổ Syria và Ai Cập. Nạn nhân trong cuộc khủng hoảng lần này chủ yếu là dân thường. Số quân nhân bị bắt được ước tính khoảng 35 người.
Trong những sự việc trước đây, Israel thường thể hiện lập trường sẵn sàng làm mọi cách để giải cứu công dân. Năm 2011, chính phủ tại Tel Aviv đã chấp nhận thả hơn 1.000 tù nhân Palestine để đổi lấy Gilad Shalit, quân nhân Israel bị Hamas bắt cóc vào năm 2006.
"Israel tồn tại một 'giao ước xã hội' bất thành văn: Công dân đồng thuận để con cái tòng quân, với điều kiện nhà nước sẽ làm mọi cách để đưa họ 'về nhà', kể cả binh sĩ vong trận", nhà bình luận Meron Rapoport của Middle East Eyes viết.
Bầu không khí chính trị tại Israel đã thay đổi lớn từ sau sự kiện ngày 7/10, đặc biệt là khi làn sóng cánh hữu trong xã hội trỗi dậy mạnh mẽ dưới thời chính quyền Netanyahu. Dư luận Israel như bị chia thành hai nửa.
Phe cánh hữu nhấn mạnh sự tồn vong của quốc gia đòi hỏi hi sinh. Họ cho rằng thiết lập thỏa thuận con tin có thể đồng nghĩa Israel cho Hamas thời gian để hồi phục, tái tổ chức, mở thêm đòn tấn công vào dân thường Israel.
"Chiến thắng và hủy diệt Hamas trở thành vấn đề sống còn đối với Israel lẫn dân tộc Do Thái. Khi tư duy này xuất hiện, sinh mạng của 240 con tin bỗng trở thành cái giá không quá đắt", Rapoport bình luận.
Phe còn lại nhấn mạnh cần cứu tất cả con tin, thực hiện đúng giá trị và nền móng đã hình thành Israel là tạo ra nơi nương náu cho người Do Thái sống sót sau cuộc đại diệt chủng trong Thế chiến II.
Dù Hamas trong những ngày đầu chiến sự đe dọa giết con tin nhằm trả đũa Israel tập kích, tổ chức vũ trang này thời gian qua đã chấp nhận thả một số con tin và ra yêu sách trao đổi tù nhân. Axios dẫn nguồn thạo tin tiết lộ Yahya Sinwar, thủ lĩnh Hamas ở Gaza, đã nối lại đàm phán với Israel qua đại diện ở Qatar với kế hoạch thả con tin theo hai giai đoạn.
Trong giai đoạn một, Hamas sẽ trả tự do cho khoảng 50 người với điều kiện Tel Aviv ngừng bắn trong 5 ngày đồng thời thả khoảng 150 phụ nữ và trẻ em Palestine bị giam trong nhà tù Israel. Trong thời gian ngừng bắn, Hamas sẽ trao đổi với những nhóm vũ trang đồng minh để xác định vị trí số con tin Israel còn lại, sau đó trả tự do cho họ ở giai đoạn hai.
Những tín hiệu từ Hamas về khả năng trao đổi người đã mang lại hy vọng cho bộ phận xã hội Israel ủng hộ ưu tiên giải cứu con tin, góp phần thúc đẩy cuộc tuần hành tuần qua.
Người thân các nạn nhân kêu gọi chính phủ tăng tốc đàm phán. Họ chỉ trích ông Netanyahu "chỉ hứa hẹn suông", không công bố cụ thể kế hoạch giải cứu hay thường xuyên gặp gia đình con tin.
Chính quyền Israel trong khi đó lập luận rằng đàm phán với Hamas qua trung gian tại Qatar và Ai Cập cần được giữ bí mật, đồng thời khẳng định những bước tiến trên chiến trường có lợi hơn cho nỗ lực giải cứu.
"Nhiều người nghĩ rằng chúng ta nên chờ đợi. Tuy nhiên, với những con tin là trẻ em và người cao tuổi, vốn có những nhu cầu đặc biệt, thời gian không còn nhiều", Sharone Lifschitz, một nghệ sĩ tại Anh có người cha 83 tuổi bị bắt cóc đến Dải Gaza, nói.
Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập tại Israel tham gia cuộc tuần hành tuần qua, khẳng định ủng hộ chiến dịch tại Dải Gaza nhưng vẫn yêu cầu ông Netanyahu từ chức. Tương tự Lapid, nhiều người biểu tình đòi giải cứu con tin đang hoài nghi toan tính chính trị của Thủ tướng.
Từ trước khi chiến sự nổ ra, ông Netanyahu đã rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vì đề án cải tổ tư pháp trao quyền lực quá lớn cho chính quyền cánh hữu và đe dọa nền tảng dân chủ tại nước này. Sự kiện ngày 7/10 vô tình củng cố chỗ đứng cho ông Netanyahu do Israel cần một chính phủ thống nhất trong thời chiến.
Các khảo sát thời gian gần đây cho thấy chính quyền Netanyahu ngày càng mất lòng dân.
Khảo sát do Channel 13 công bố ngày 3/11 cho thấy 76% người dân Israel muốn ông Netanyahu từ chức. Tờ báo cánh hữu Israel Hayom ngày 7/11 cũng đổi lập trường và cho rằng ông Netanyahu phải bị bãi nhiệm một khi chiến sự kết thúc. Khảo sát thời chiến của Channel 12 công bố hôm 16/11 cho thấy đảng Likud của Netanyahu sẽ bị phe đối lập bỏ xa nếu Israel tổ chức bầu cử quốc hội ngay lập tức.
Khảo sát của Đại học Bar Ilan tại Tel Aviv ước tính chỉ 4% dư luận Israel tin rằng phát ngôn từ ông Netanyahu về diễn biến chiến trường là đúng sự thật.
"Thật không thể tin nổi khi Israel có 240 người bị bắt cóc nhưng chính phủ của chúng ta lại không đối thoại với gia đình các nạn nhân, không nói cho họ biết điều gì đang diễn ra, những phương án nào đang được cân nhắc, cũng như lý do ủng hộ và phản bác cho từng phương án. Họ không nói một lời nào", Stevie Kerem, thành viên tổ chức cuộc tuần hành, nói.
Thanh Danh (Theo Reuters, Middle East Eyes, Axios)