23 năm trước ở thủ đô Rio de Janeiro (Brazil), U15 nữ Vasco da Gama được triệu tập thi đấu với các đàn chị, với sự xuất hiện của Marta Viera da Silva. Ban đầu, không mấy ai chú ý đến cô bé cho đến khi bóng lăn. "Hồi đó, tôi đã biết Marta có năng khiếu và thật khó ngăn cản", huyền thoại bóng đá nữ Brazil Sisleide (Sissi) nói với CNN. "Sự đặc biệt ấy khiến chúng tôi phải chơi rắn".
Trong ký ức Sissi, Marta, lúc đó 15 tuổi, luôn đợi hậu vệ lao đến để thực hiện động tác lừa bóng, khiến đối phương lỡ trớn rồi ngã ra sân. "Các hậu vệ nổi điên với Marta vì không biết làm sao để ngăn chặn cô gái này", cựu tiền đạo 56 tuổi cho hay. Ngay từ buổi tập đầu tiên ấy, Sissi tin rằng Marta sẽ trở thành một ngôi sao của tuyển nữ Brazil.
Nhưng những gì Marta làm được vượt xa sức tưởng tượng.
Ở tuổi 37, Marta chơi sáu kỳ World Cup và được coi là nữ cầu thủ vĩ đại mọi thời. Cô lập kỷ lục sáu lần giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc năm của FIFA, bao gồm năm năm liên tiếp từ 2006 đến 2010, và là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại của tuyển nam và nữ Brazil (115 bàn).
Marta còn vô địch UEFA Champions League, Copa Libertadores, giành cả Chiếc Giày Vàng và Quả Bóng Vàng World Cup năm 2007. Đến năm 2019, Marta trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại năm kỳ World Cup, sau này có Christine Sinclair (nữ Canada) và Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) san bằng. Với 17 bàn, Marta vượt qua Miroslav Klose (Đức) để thành chân sút vĩ đại nhất World Cup mọi thời. Cô đã ba lần vô địch Copa America. Thiếu sót duy nhất của Marta có lẽ là một danh hiệu tập thể tầm thế giới, dù từng vào chung kết World Cup 2007 và Olympic 2004 rồi 2008.
Marta nghĩa là "tất cả" đối với tuyển nữ Brazil (As Canarinhas - những chú chim hoàng yến xanh) suốt 21 năm qua. Cô đưa bóng đá nữ lên một tầm cao mới và trở thành một biểu tượng, một hệ quy chiếu cho nhiều nữ cầu thủ sau này.
Thời điểm Marta nổi lên như một ngôi sao triển vọng đầu những năm 2000, ở Brazil vẫn tràn ngập biểu tượng bóng đá nam với Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo, Cafu, Roberto Carlos, Dida – những con người nổi bật trong tập thể vô địch World Cup lần thứ năm. Nhưng Marta vẫn rực sáng theo cách riêng với hình ảnh một cầu thủ tấn công toàn năng có kỹ thuật gần như hoàn hảo, và xuất sắc trong cả ghi bàn lẫn kiến tạo. Những mô tả trên gói gọn trong bàn thắng được xem là đẹp nhất sự nghiệp Marta, ấn định chiến thắng 4-0 của Brazil trước Mỹ ở bán kết World Cup 2007 – ngắt chuỗi 51 trận bất bại của đội tuyển hùng mạnh bậc nhất.
Juca Kfouri, một trong những bình luận viên Brazil nổi tiếng nhất, đánh giá lối chơi của Marta thời đỉnh cao không có đối thủ ở Brazil, ngay cả khi đang sở hữu một số cầu thủ nam vĩ đại. "Marta hoàn hảo tất cả kỹ năng cơ bản từ chuyền, sút tốt hai chân, đánh đầu đến nhãn quan trong trận", Kfouri nói với CNN. "Với một cầu thủ bóng đá, Marta hoàn thiện hơn những thiên tài như Ronaldo hay Rivaldo".
Ngay cả bản thân "vua bóng đá" Pele sinh thời cũng hoan nghênh những so sánh giữa ông với Marta, nổi bật nhất là nhận xét kinh điển khi gọi Marta là "Pele mặc váy". Nhưng tầm ảnh hưởng của Marta không chỉ giới hạn trên sân cỏ mà còn mở ra một thời kỳ phát triển tốt hơn cho bóng đá nữ Brazil.
Từ năm 1941 đến 1979, phụ nữ chơi bóng tại Brazil là bất hợp pháp, nhưng cũng có những ngoại lệ như huyền thoại Sissi khi bỏ qua giới luật để đá bóng với con trai cùng lứa. Thời điểm Marta nổi lên như ngôi sao triển vọng của thế giới thì bóng đá nữ Brazil vẫn non trẻ sau nhiều năm bị kìm hãm.
Marta được xưng tụng là "nữ hoàng bóng đá" buộc nhà chức trách Brazil phải nhìn nhận lại bóng đá nữ, đầu từ thời gian và dành thêm các nguồn lực cho đội tuyển nữ và giải quốc nội. Không phải Marta, không ai có đủ sức mạnh để tạo nên sự thay đổi ấy, để dám lên tiếng chê bai nền bóng đá hùng mạnh đã đầu tư quá ít cho nữ giới.
Cơn cuồng Marta ở Brazil được thể hiện đậm nét ở Olympic Rio 2016. Neymar dẫn dắt đội nam, còn Marta dẫn đầu đội nữ cho mục tiêu HC vàng. Cả hai cùng mặc áo số 10 biểu tượng, nhưng người hâm mộ nhận ra chỉ có thể dễ dàng mua áo đấu của Neymar trên khắp đất nước. Một số người hâm mộ tự giải quyết vấn đề bằng cách gạch tên Neymar rồi viết đè tên Marta ở lưng áo. Đến đầu năm nay, bang Alagoas – quê hương của Marta – đề xuất kế hoạch táo bạo là đổi tên "SVĐ vua Pele" thành "SVĐ nữ hoàng Marta", nhưng chưa được chấp thuận.
Sau khi Brazil bị loại ở vòng 1/8 World Cup nữ 2019, Marta gây ngỡ ngàng khi tô son môi đỏ đậm. Cô giải thích rằng nó thể hiện cho tinh thần "sẵn sàng để lại máu trên sân cỏ". Cô cầu xin những cô gái trẻ Brazil sẵn sàng kế thừa trách nhiệm cô chưa làm được, vì Marta không tồn tại mãi mãi. "Bóng đá nữ đang dựa vào bạn để tồn tại. Hãy suy nghĩ và coi trọng nó nhiều hơn. Hãy khóc khi bắt đầu để mỉm cười khi kết thúc", Marta nói.
Kfouri cảm nhận những khoảnh khắc như thế là minh chứng cho việc Marta một mình gánh vác "sự mong manh của bóng đá nữ Brazil" suốt sự nghiệp. Brazil là đất nước mà bóng đá nữ chưa bao giờ được ủng hộ, cùng nhiều năm bị cấm đoán. Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi đất nước này lại có một người phi thường như Marta, với sáu lần là nữ cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Sau tất cả nỗ lực, Marta vẫn không thể hoàn thiện giấc mơ khi Brazil rời World Cup nữ 2023 ngay ở vòng bảng sau trận hoà 0-0 Jamaica hôm 2/8. Marta chưa từng tưởng tượng điều này xảy ra ngay cả trong cơn ác mộng tồi tệ nhất. Dẫu vậy, cô nói rằng bản thân kết thúc hành trình nhưng đánh dấu khởi đầu mới cho thế hệ tiếp theo.
Marta đã không có lời chia tay World Cup trọn vẹn, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều sự điên rồ đã xảy ra trên đất Australia và New Zealand. Không chỉ Marta, những biểu tượng của bóng đá nữ như Christine Sinclair, Megan Rapinoe cũng chung hoàn cảnh. Những quyền lực tối cao như Mỹ, Brazil, Đức, Canada hay Na Uy lần lượt bị lật đổ. Đằng sau nỗi buồn là những niềm vui khi trình độ giữa các nền bóng đá đã dần thu hẹp, cùng hàng loạt sao mai bước ra ánh sáng để tiếp tục đưa bóng đá nữ phát triển.
Một di sản khác của Marta là để lại một thần tượng vĩ đại cho bóng đá nữ thế giới. Hai mươi năm trước, không ai biết tên cô nhưng lần này, khi chia tay, ai cũng nói "tạm biệt Marta".
Sissi kể rằng thời cô thi đấu không có những cầu thủ nữ để ngưỡng mộ, nhưng mọi thứ thay đổi kể từ khi Marta xuất hiện. "Bây giờ, mọi người có thể nói: "Tôi muốn được như Marta", Sissi chia sẻ. "Tôi không nghĩ sẽ có một Marta nào khác. Cô ấy tạo ra một tác động lớn không chỉ ở Brazil mà trên khắp thế giới".
Những cô gái Jamaica vừa loại Brazil cũng thừa nhận di sản ấy. Khi ôm lấy Marta sau trận, đội trưởng Khadija Shaw nói với thần tượng rằng cô là nguồn cảm hứng cho rất nhiều cô gái trẻ ở Caribe và khắp thế giới. Còn Chenya Matthews khẳng định nói lời cảm ơn tới Marta là không đủ sau khi tiên phong đấu tranh cho bóng đá nữ, để những người như cô có thể xỏ giày đá bóng như hiện nay.
Hiếu Lương