Giới chuyên gia an ninh sinh học lo ngại xung đột vũ trang tại Ukraine làm gia tăng rủi ro các phòng thí nghiệm chịu thiệt hại, làm rò rỉ những mầm bệnh nguy hiểm.
Tương tự nhiều nước khác, những phòng thí nghiệm công tại Ukraine nghiên cứu cách giảm thiểu một số loại bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến động vật lẫn con người, trong đó có Covid-19. Các phòng thí nghiệm của họ đã nhận được ủng hộ từ Mỹ, EU và WHO.
Trả lời câu hỏi của Reuters về hợp tác với Ukraine trước và trong khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/3 gửi email xác nhận đã hợp tác cùng nhiều phòng thí nghiệm công tại Ukraine trong vài năm qua nhằm nâng cao mức an ninh sinh học, ngăn các sự cố "phát tán mầm bệnh do vô tình hoặc cố ý".
"Trong khuôn khổ hợp tác, WHO đã nhấn mạnh khuyến nghị Bộ Y tế Ukraine và những cơ quan chịu trách nhiệm tiêu hủy các mầm bệnh nguy cơ cao nhằm ngăn rủi ro phát tán", cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết.
Thông báo từ WHO không tiết lộ cụ thể thời điểm gửi khuyến cáo cho chính phủ Ukraine, cũng như chi tiết các mầm bệnh hoặc yếu tố độc hại được những phòng thí nghiệm nước này nghiên cứu. WHO cũng không xác nhận liệu phía Ukraine đã thực hiện đúng theo khuyến nghị hay chưa.
Các quan chức Ukraine ở Kiev và tại đại sứ quán ở Washington không đáp ứng yêu cầu bình luận.
"WHO thường xuyên hỗ trợ các quốc gia thành viên nâng cao năng lực y tế công cộng của họ, bao gồm bằng cách tạo điều kiện cải thiện an toàn và an ninh cho các phòng thí nghiệm lưu giữ các mẫu mầm bệnh gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng", WHO viết trong email gửi cho CNN hôm nay. Họ không nói rõ từng đưa ra khuyến cáo hủy mầm bệnh với các nước khác hay chưa.
Cơ sở nghiên cứu sinh học tại Ukraine đang trở thành tâm điểm chú ý, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này với mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 9/3 cáo buộc Mỹ vận hành phòng thí nghiệm vũ khí sinh học tại Ukraine. Theo Zakharova, quân đội Nga trong thời gian hoạt động tại Ukraine đã phát hiện một số tài liệu cho thấy "âm mưu khẩn trương xóa bằng chứng các chương trình sinh học quân sự". Bà cáo buộc phía Ukraine tiêu hủy mẫu bệnh phẩm nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, song không công bố thêm bằng chứng nào.
Kiev kịch liệt phản bác thông tin do Moskva công bố. Quan chức chính phủ Mỹ cũng cáo buộc Nga vu khống và kiếm cớ để thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí sinh học hoặc vũ khí hóa học.
Trong email gửi ngày 10/3, WHO kêu gọi các bên trong vấn đề Ukraine hợp tác đảm bảo tiêu hủy an toàn mọi mầm bệnh nguy hiểm, đồng thời liên hệ hỗ trợ kỹ thuật khi cần. WHO nhấn mạnh bất kỳ lực lượng nào tiếp cận các mẫu bệnh phẩm đều cần tuân thủ tôn chỉ này và sẵn sàng hỗ trợ mọi bên tại Ukraine.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến mở phiên họp trong ngày 11/3 xoay quanh cáo buộc về hoạt động sinh học của Mỹ ở Ukraine. Cuộc họp được đề xuất bởi phái đoàn Nga nhưng không kèm bằng chứng.
Trung Nhân (Theo Reuters)