Syria và Iran cáo buộc quân đội Israel đêm 1/4 tiến hành vụ không kích phá hủy tòa lãnh sự Iran bên trong khu vực đại sứ quán ở Damascus, khiến tướng Mohammed Reza Zahedi, chỉ huy hàng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng 6 quan chức cấp cao, trợ lý thiệt mạng.
Israel gần đây thường xuyên nhắm mục tiêu vào IRGC và nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Syria. Tel Aviv nhiều lần cáo buộc Tehran hỗ trợ vũ khí cho Hezbollah và các nhóm dân quân trong Trục Kháng chiến tại Iraq, Syria, Lebanon tiến hành các cuộc tập kích bằng tên lửa, UAV vào lãnh thổ Israel.
Đến nay, các đòn ăn miếng trả miếng giữa Israel và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn chưa gây ra phản ứng quyết liệt châm ngòi cho xung đột toàn diện ở Trung Đông, ngoại trừ những cuộc giao tranh lẻ tẻ ở biên giới Israel - Lebanon. Cả Israel và Iran dường như đang cố duy trì một "lằn ranh đỏ" mong manh để không gây ra tình huống đối đầu trực diện với nhau.
Tuy nhiên, vụ tập kích tòa lãnh sự có thể là "giọt nước làm tràn ly" làm thay đổi cán cân tình hình vốn rất mong manh ở Trung Đông, giới chuyên gia nhận định. Về mặt kỹ thuật, tòa lãnh sự và khu vực đại sứ quán tại Syria là lãnh thổ có chủ quyền của Iran, khiến đây trở thành cuộc tấn công công khai nhất nhằm vào Tehran trong nhiều năm trở lại đây.
Tướng Zahedi cũng là quan chức cấp cao nhất của Iran thiệt mạng trong một cuộc tập kích, kể từ khi Mỹ phóng tên lửa hạ sát tướng Qassem Soleimani của IRGC ở Baghdad hồi tháng 1/2020.
"Các sự kiện ở Damascus hôm nay cho thấy Israel đã dồn lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei vào góc tường", Mohammad Ali Shabani, chuyên gia phân tích Iran, bình luận viên tại tạp chí điện tử Amwaj.media nhận định trong bài đăng trên mạng xã hội X.
Theo Shabani, việc tòa lãnh sự bị tấn công đã khiến Khamenei bị "bẽ mặt" trước các đồng minh trong khu vực và từ đây, ông có thể sẽ phải đưa ra những biện pháp đáp trả cứng rắn hơn với Israel nhằm lấy lại vị thế.
Shabani đánh giá Hezbollah chắc chắn sẽ tham gia vào nỗ lực trả đũa cùng Iran. Nhóm chiến binh người Shiite ở Lebanon đã đọ hỏa lực gần như mỗi ngày với lực lượng Israel kể từ hồi đầu tháng 10 năm ngoái, sau khi Hamas tấn công Israel và Tel Aviv đáp trả bằng chiến dịch quân sự quy mô nhằm vào Dải Gaza. Hezbollah khi đó tuyên bố tấn công Israel để hỗ trợ Hamas, nhưng chưa mở mặt trận thứ hai nhằm vào nước này.
Các lực lượng thân Iran trong khu vực, đặc biệt là Hezbollah, hiện vẫn kiềm chế nhằm giữ cho xung đột với Israel không leo thang trở thành một cuộc đối đầu toàn diện. Sau cuộc tấn công vào khu vực sứ quán Iran tại Syria, sự kiềm chế đó có thể sẽ không còn.
Theo Steven Cook, nhà phân tích thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trụ sở tại Washington, IRGC sẽ ra lệnh nới lỏng những hạn chế đối với các lực lượng ủy nhiệm tại Iraq và Syria nhằm gây áp lực từ mọi phía lên Israel.
"Iran cũng có thể chỉ đạo Hezbollah leo thang các cuộc tấn công vào Israel, vốn đang ngày càng trở nên táo bạo và thường xuyên hơn", ông nhận xét.
Jon Alterman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, cho rằng cuộc tấn công có thể là tín hiệu răn đe mà Israel muốn gửi tới các đối thủ.
"Israel tin rằng nếu họ nhún nhường, mối đe dọa sẽ gia tăng chứ không giảm bớt", ông nói. "Họ cho rằng nếu làm điều gì đó tương tự như vậy một cách thường xuyên, liên tục, các đối thủ sẽ bị răn đe".
Osama Danura, chuyên gia chính trị người Syria, mô tả cuộc tấn công là dấu hiệu leo thang chưa từng thấy trong khu vực, xảy ra vào thời điểm các hoạt động quân sự do Israel thực hiện đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza.
Trước bối cảnh nhạy cảm hiện nay ở Trung Đông, Danura cho rằng cộng đồng quốc tế cần có hành động quyết liệt ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa. "Tấn công vào các cơ quan ngoại giao là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, cho thấy mối đe dọa đáng kể đối với khu vực", ông nói.
Đồng tình với quan điểm của Danura, Mohammed Nader al-Omari, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế người Syria, nhận định vụ tập kích cho thấy Trung Đông đang ở gần bờ vực khủng hoảng như thế nào.
Al-Omari cảnh báo rằng Iran nhiều khả năng sẽ đáp trả bằng hành động quân sự, có thể nhắm trực tiếp vào lực lượng Israel.
Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari đã tuyên bố Tehran sẽ đáp trả quyết liệt vụ tấn công. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ về cuộc tập kích. Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad trong khi đó gọi đây là hành động "tấn công khủng bố".
Sau sự việc, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cùng ngày cho biết Iran "đã chỉ đạo" tiến hành một cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) vào căn cứ hải quân ở miền nam nước này, song không gây thiệt hại lớn.
Sáng sớm 2/4, quân đội Israel thông báo một số vũ khí phóng từ Syria về phía nước này đã bị chặn trước khi tiếp cận mục tiêu.
Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tin rằng xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lan rộng, nhưng điều này có thể không phải là mối lo ngại quá lớn đối với Israel.
"Cuộc tấn công đặt Israel vào thế có lợi vì họ biết Iran không muốn bị kéo vào một cuộc giao tranh khu vực, vì vậy nếu Tel Aviv leo thang các cuộc tấn công nhằm vào khí tài và nhân sự Iran ở Syria, họ có thể không phải trả giá. Còn nếu Iran trả đũa thì đây lại trở thành cái cớ chính đáng để mở rộng xung đột", Vaez lưu ý.
Yigal Carmon, cựu cố vấn thủ tướng Israel, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông (MEMRI), cho hay kiểu phản ứng của Iran trong những năm gần đây là "mềm nắn, rắn buông". Vì vậy, chưa chắc họ sẽ phản ứng quá quyết liệt sau vụ tập kích mà họ cáo buộc là do Israel gây ra.
"Trong cuộc tấn công vào các mục tiêu Iran ở Damascus, Israel có lẽ muốn nói rằng họ sẽ không tiếp tục trò chơi ủy nhiệm của Iran. Động thái leo thang còn cảnh báo rằng Israel sẵn sàng đối đấu trực tiếp với các đối thủ, dù họ đang có giao tranh ở cả Gaza và Lebanon", Carmon cho hay.
Theo Casey Babb, thành viên thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Norman Paterson ở Ottawa, cuộc tấn công mới nhất là một minh chứng cho phạm vi hành động của quân đội Israel.
"Nó báo hiệu cho những kẻ thù của Israel, như Hamas, Hezbollah, nhóm Jihad Hồi giáo Palestine, Iran và các thế lực thù địch khác, rằng họ có khả năng vươn xa không thể lường trước được, không ai được an toàn", Babb nhấn mạnh.
Theo ông, cuộc tấn công sẽ giáng cho Iran một "đòn nghiêm trọng về mặt tổ chức" và làm gián đoạn khả năng "huy động, lập kế hoạch cũng như thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả" của IRGC, đồng thời cho thấy xung đột giữa Israel và Iran đã chuyển sang giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Vũ Hoàng (Theo Fox News, Al Jazeera, CNN, Xinhua)