Những vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ đã phần nào giúp quân đội Ukraine kháng cự tốt hơn trước lực lượng Nga. Pháo phản lực Cơ động Cao HIMARS do Mỹ và đồng minh cung cấp đã bắt đầu tấn công vào chuỗi hậu cần sau chiến tuyến, trong đó có các kho đạn.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết những cuộc tập kích như vậy đã làm chậm đà tiến cũng như bào mòn hỏa lực của quân đội Nga ở mặt trận miền đông, nơi Moskva được đánh giá là đang chiếm ưu thế.
"Ukraine đã tấn công được các cứ điểm của Nga ở nước này, sâu hơn phía sau chiến tuyến và làm gián đoạn khả năng tiến hành các chiến dịch pháo kích", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho hay.
Nhưng liệu việc phá hủy các kho vũ khí và trung tâm chỉ huy có đủ làm suy yếu năng lực tác chiến của Nga ở Ukraine và thay đổi cục diện chiến trường, tránh được một cuộc chiến dai dẳng hay không vẫn là câu hỏi cốt lõi chưa có lời đáp đối với NATO.
Họ gần đây đã chuyển sang cung cấp các thiết bị chính xác hơn, tầm xa và đắt tiền hơn cho Kiev. Các chuyên gia "đang tiến hành rất nhiều đánh giá, phân tích về những vũ khí nào hiệu quả nhất mà họ có thể hỗ trợ" Ukraine, một quan chức tình báo cấp cao phương Tây giấu tên cho hay, thêm rằng những khí tài này phải được sử dụng dễ dàng mà không cần đào tạo chuyên sâu, đồng thời dễ bảo trì, sửa chữa.
Rob Lee, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, Mỹ, cho biết HIMARS và các hệ thống tương tự đã có tác động ngay lập tức đến cuộc xung đột, làm suy giảm đáng kể lợi thế của Nga về pháo tầm xa, điều từng giúp Moskva đạt được nhiều bước tiến trong tháng 5 và tháng 6.
Quân đội Ukraine cũng đồng tình. "Vũ khí của chúng tôi đã tấn công chính xác và gây tổn thất lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường", trung úy Valentyn Koval, một sĩ quan điều khiển tổ hợp HIMARS, tuyên bố.
Tình báo Ukraine nói rằng lực lượng Nga đã bị choáng ngợp và mất tinh thần trước tầm bắn và độ chính xác của các tên lửa mới do phương Tây viện trợ Ukraine.
Theo Rob Lee, Nga có ít hệ thống phòng thủ chống lại pháo phản lực hiện đại của phương Tây vì chúng có thể bắn nhanh và di chuyển lập tức ra khỏi tầm bắn của pháo binh đối phương. Chúng cũng có thể hoạt động vào ban đêm, khiến máy bay không người lái Nga khó phát hiện hơn.
Mức độ hiệu quả của vũ khí phương Tây khi thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào loạt mục tiêu giá trị cao của Nga sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tuần tới. Một số nhà phân tích tình báo cho hay họ đã nhìn thấy những dấu hiệu thay đổi trong chiến thuật của Nga, có thể bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt pháo binh do các cuộc tập kích từ phía Ukraine.
Lee cho rằng HIMARS dường như đã gây khó khăn đáng kể cho quân đội Nga. Nhưng ông cảnh báo điều đó không đồng nghĩa là Ukraine sẽ có thể xoay chuyển cục diện chiến trường và giành lại lãnh thổ. Để làm được điều này, Ukraine phải tập hợp được số lượng đủ lớn các đơn vị quân đội, pháo binh được đào tạo bài bản và có đủ đạn dược.
Mỹ cam kết chuyển 12 tổ hợp HIMARS cho Ukraine, nhưng tới nay mới có 8 tổ hợp đến tay Kiev. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksii Danilov nói rằng nếu Kiev có 50 tổ hợp HIMARS, "đó sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác".
Nhưng các nước phương Tây khó cung cấp lượng lớn HIMARS như vậy cho Ukraine bởi chúng đắt đỏ, nguồn cung không đủ đáp ứng và thường bị hạn chế xuất khẩu.
Lee lưu ý một yếu tố hạn chế lớn hơn nữa là đạn dược của HIMARS. "Chúng ta không có đủ để cung cấp cho họ", ông nói.
Đến nay, Ukraine vẫn sử dụng các quả đạn tầm xa của HIMARS một cách thận trọng, chỉ khai hỏa với số lượng hạn chế mỗi đêm, trong các chiến dịch tập kích được hỗ trợ bởi dữ liệu tình báo Mỹ giúp định vị kho đạn và sở chỉ huy của Nga.
Các hệ thống mới này đòi hỏi phải huấn luyện nhiều hơn so với những loại lựu pháo mà phương Tây đã gửi trước đây, vì vậy tốc độ triển khai chúng cũng chậm hơn. Một cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi về việc liệu Ukraine có nên rút binh lính và sĩ quan khỏi chiến trường để huấn luyện họ trên những hệ thống vũ khí mới hay không. Điều này sẽ làm mỏng đi đáng kể lực lượng tiền tuyến của Kiev.
Những quy trình chuyển giao vũ khí chậm chạp ở phương Tây, cũng như nguồn cung đạn pháo phản lực hạn chế đang khiến người dân Ukraine thất vọng.
Một số nhà phân tích cảnh báo nếu các hệ thống vũ khí mới không cho thấy kết quả rõ ràng trong tương lai gần, tâm lý háo hức của phương Tây khi hỗ trợ chúng cho Ukraine sẽ mất dần đi.
Tây Âu, do hệ quả của cuộc xung đột, đang phải đối mặt với giá năng lượng và lương thực tăng cao. Tình cảnh của họ có thể còn tồi tệ hơn nữa khi mùa đông đến gần. Tại Mỹ, cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 sẽ dồn mối quan tâm của cử tri vào lạm phát và giá năng lượng tăng cao.
Thủ tướng Italy Mario Draghi, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất nỗ lực gửi vũ khí cho Ukraine, đã phải đối mặt với tranh cãi nội bộ trước câu hỏi có nên tiếp tục viện trợ Ukraine hay không. Phong trào 5 Sao, một trong những đảng lớn nhất hậu thuẫn ông, đã thách thức chính sách này, cho rằng nó cản trở khả năng tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Phong trào 5 Sao đã đe dọa rút khỏi liên minh cầm quyền, khiến chính phủ của ông Draghi có nguy cơ sụp đổ.
Căng thẳng cũng gia tăng ở phương Tây liên quan đến các lệnh trừng phạt áp lên Nga. Tháng trước, Hungary đã phản đối lệnh hạn chế nhập khẩu dầu Nga vào Liên minh châu Âu. Hệ quả từ các lệnh trừng phạt phương Tây, những động thái đối phó mà Nga tung ra và tác động từ lạm phát tăng cao là tác nhân quan trọng khiến đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giành được thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội tháng trước.
"Theo thời gian, phương Tây sẽ khó lòng duy trì những hình thức hỗ trợ mà họ đã cung cấp trong 6 tháng qua", Rachel Rizzo, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Washington, Mỹ, nhận xét.
Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá xung đột có thể "sẽ kéo dài", Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết hồi cuối tháng trước. Trong kịch bản đó, họ dự báo Nga sẽ tiếp tục kiểm soát thêm những phần lãnh thổ nhỏ ở Ukraine, nhưng không có đột phá đáng kể nào.
Tình thế này dẫn đến một cuộc chiến lâu dài ở mà đó không bên nào có thể đánh bại bên kia, giới phân tích nhận định. Một số người cho rằng cục diện đó có lợi cho Nga, bởi Tổng thống Vladimir Putin không phải lo lắng về dư luận trong nước và có kho vũ khí tương đối lớn từ thời Chiến tranh Lạnh, cho phép quân đội Nga bảo vệ được những phần lãnh thổ đã kiểm soát ở Ukraine.
Châu Âu đang thể hiện những rạn nứt trong thực hiện các lệnh trừng phạt với Nga. Đức nằm trong số những nước gây áp lực lên EU nhằm thuyết phục Litva ngừng ngăn chặn các chuyến hàng Nga đến vùng lãnh thổ Kaliningrad của nước này. Berlin lo ngại các hành động như vậy có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột trực diện với Moskva.
Trên chiến trường Ukraine, binh sĩ ấn tượng với uy lực của HIMARS, nhưng thất vọng vì số lượng của chúng vẫn còn hạn chế. "Chúng tôi không thể ở tất cả mọi nơi cùng một lúc, vì vậy mọi thứ đang tiến triển rất chậm", sĩ quan Koval, người vận hành một tổ hợp HIMARS, nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)