Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa, hôm 14/3 cho biết dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine và Israel sẽ được đưa ra bỏ phiếu riêng rẽ trong vài tuần tới. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện dường như đã nhượng bộ trong vấn đề viện trợ cho Ukraine, sau nhiều tháng kiên quyết phản đối.
Dự luật viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 2 với tỷ lệ áp đảo, trong đó 22 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã cùng bỏ phiếu thuận với hầu hết thành viên phe Dân chủ. Dự luật sau đó được chuyển tới Hạ viện xem xét.
Tuy nhiên, một nhóm nhỏ nghị sĩ Cộng hòa trung thành với cựu tổng thống Donald Trump, người phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, đã đe dọa sẽ phế truất Chủ tịch Hạ viện Johnson nếu ông đưa dự luật ra bỏ phiếu. Dưới áp lực của nhóm nghị sĩ cực hữu này, Johnson đã trì hoãn đưa dự luật ra bỏ phiếu suốt nhiều tuần qua, khiến gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine bế tắc giữa lúc nước này gặp rất nhiều khó khăn trên chiến trường.
Nhưng có vẻ như các thành viên Dân chủ tại Hạ viện đã tìm ra một vũ khí hiếm khi được sử dụng để buộc Johnson phải đổi ý, đó là "kiến nghị vượt quyền".
Theo quy trình thông thường, một dự luật trước khi đưa ra bỏ phiếu phải được các ủy ban do Chủ tịch Hạ viện chỉ định xem xét, đánh giá. Quy định này giúp Chủ tịch Hạ viện có thể trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua dự luật trong thời gian dài.
Nhưng nếu một "kiến nghị vượt quyền" được đệ trình và nhận được chữ ký của đa số nghị sĩ, dự luật sẽ được đưa thẳng lên Hạ viện để bỏ phiếu mà không cần báo cáo đánh giá từ ủy ban. Khi bị "vượt quyền", cả Chủ tịch Hạ viện và các ủy ban liên quan sẽ không thể làm gì để ngăn cản việc bỏ phiếu với dự luật.
Các thành viên Dân chủ tại Hạ viện tuần qua đã bắt đầu nỗ lực "kiến nghị vượt quyền" nhằm buộc Hạ viện bỏ phiếu về dự luật viện trợ Ukraine, Israel và Đài Loan đã được Thượng viện thông qua. Một nhóm nhỏ các nghị sĩ lưỡng đảng cũng thúc đẩy kiến nghị thứ hai, kết hợp điều khoản viện trợ của Ukraine, Israel và Đài Loan với các biện pháp kiểm soát an ninh biên giới trong dự luật mới.
Để kiến nghị thành công, họ cần thu thập được ít nhất 218 chữ ký của các nghị sĩ. Kiến nghị đầu tiên có 177 người ủng hộ, nhưng đều đến từ các thành viên Dân chủ chiếm thiểu số tại Hạ viện. Do một số đảng viên Dân chủ cấp tiến từ chối ủng hộ điều khoản viện trợ cho Israel, nên phe kiến nghị có thể sẽ phải thuyết phục được nhiều đảng viên Cộng hòa ủng hộ.
Các kiến nghị vượt quyền kiểu này rất ít khi được thực hiện tại Hạ viện Mỹ, do chúng có cơ hội thành công rất thấp. Các thành viên thuộc đảng chiếm đa số thường không muốn ký vào kiến nghị, vì lo sợ bị coi là làm suy yếu khả năng lãnh đạo của đảng.
Nhưng trong tình cảnh nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang rất chia rẽ, cơ hội thành công của kiến nghị bỗng trở nên cao hơn. Yêu cầu khẩn cấp về viện trợ cho Ukraine dường như cũng sẽ thúc đẩy những người Cộng hòa có chính sách đối ngoại cứng rắn hướng tới ủng hộ kiến nghị, nếu họ tin rằng cần phải thông qua gói viện trợ Ukraine ngay lập tức.
Chưa rõ các kiến nghị này có đạt được đa số hay không, nhưng chúng dường như đang tạo ra tác động hiếm thấy trên chính trường Mỹ, khi buộc phe Cộng hòa phải thay đổi quan điểm về gói viện trợ cho Ukraine, giới chuyên gia nhận định.
"Sớm hay muộn, gói viện trợ nước ngoài cũng sẽ được bỏ phiếu", Chủ tịch Ủy ban Nội quy Hạ viện Tom Cole nói. "Vì vậy, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một gói viện trợ của riêng mình và đưa nó lên, hoặc phải chấp nhận bất cứ điều gì mà kiến nghị vượt quyền tạo ra".
Bình luận của Cole đề cập đến tác động lớn nhất có thể xảy ra nếu phe Dân chủ hội đủ sự ủng hộ cho kiến nghị vượt quyền của mình. Mối đe dọa từ kịch bản đó được cho là đã gây sức ép lớn, buộc lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện phải cân nhắc hành động.
Sarah Binder, chuyên gia từ Viện Brookings, trụ sở tại Washington, cho biết kể từ năm 1935, khoảng 639 kiến nghị vượt quyền đã được đưa ra tại Hạ viện Mỹ, nhưng chưa đến 4% trong số đó thành công. Thêm 4% kiến nghị nữa không hội đủ sự ủng hộ, nhưng mối đe dọa của chúng đã buộc Hạ viện Mỹ phải hành động.
Tỷ lệ này giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Trong thế kỷ 21, kiến nghị vượt quyền thành công hiếm hoi là việc đảng Cộng hòa thuyết phục chủ tịch của họ thông qua chiến dịch cải cách tài chính vào năm 2002 và việc một nhóm lưỡng đảng buộc Hạ viện phải bỏ phiếu để tái cấp phép cho Ngân hàng Xuất Nhập khẩu vào năm 2015.
Chủ tịch Hạ viện Johnson đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Ukraine đang ở trong tình thế khó khăn và nhiều thành viên trong đảng của ông cũng trở nên mất kiên nhẫn khi các khoản hỗ trợ cấp thiết cho Kiev bế tắc. Chia rẽ trong đảng Cộng hòa khiến ông không có nhiều lựa chọn hành động.
Trong bối cảnh này, Johnson có thể coi kiến nghị vượt quyền của phe Dân chủ như một cái cớ để đưa dự luật viện trợ cho Ukraine ra bỏ phiếu. Điều đó có thể tốt hơn cho Johnson về mặt chính trị, giúp ông tránh được mũi dùi công kích từ những người hoài nghi về viện trợ Ukraine.
Điểm đáng chú ý là một số thành viên cực hữu, như nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene, đang gợi ý rằng họ sẽ không buộc Johnson phải chịu trách nhiệm hoặc tìm cách lật đổ ông nếu ông không thể phớt lờ kiến nghị vượt quyền đang được phe Dân chủ thúc đẩy.
"Nhưng ngay cả khi Johnson coi nó như một cái cớ, việc phe Dân chủ tại Hạ viện có thể sử dụng công cụ này để gây sức ép cho thấy nội bộ đảng Cộng hòa đang trở nên rối ren như thế nào", Aaron Blake, bình luận viên kỳ cựu từ Washington Post, đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Reuters, AFP)