Mùa xuân đã đến với Vũ Hán, nơi Covid-19 khởi phát lần đầu từ tháng 12 năm ngoái, khi thành phố này chính thức dỡ phong toả từ hôm nay. Dưới ánh nắng ấm áp, nhiều người cùng xếp hàng trước một cửa tiệm thịt ngỗng. Bên trong công viên gần đó, nhân viên môi trường cũng tất bật trồng thêm nhiều khóm hoa tươi.
Thành phố 11 triệu dân đang dần bắt nhịp cuộc sống, đánh thức lại một thế giới vừa quen vừa lạ. Hàng xóm tay bắt mặt mừng với nhau, cùng trò chuyện bên tiếng ồn của xe tải phun thuốc khử trùng khắp đường phố.
Người Vũ Hán cảm thấy nhẹ nhõm vì dường như đại dịch tồi tệ nhất đã trôi qua, song vẫn có sự bất an lơ lửng khi người dân không thấy dễ để đưa ra đánh giá về cách chính quyền xử lý ổ dịch.
"Những người bình thường như chúng tôi sẽ không bao giờ biết sự thật", Long Menglei, 30 tuổi, cho biết.
Trung Quốc báo cáo gần 82.000 ca nhiễm và hơn 3.300 ca tử vong do nCoV. Nước này đã tuyên bố chiến thắng đại dịch khi số người nhiễm và số người chết liên tục giảm mạnh. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi đây là "cuộc chiến toàn dân".
Trung Quốc ngày 7/4 thông báo nước này lần đầu tiên không ghi nhận thêm ca tử vong kể từ khi Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi liệu những con số được công bố có phản ánh đúng sự bùng phát của dịch bệnh hay không khi giới chức ở Hồ Bắc, tâm Covid-19, nhiều lần sửa số liệu với lý do nhầm lẫn.
Toàn cầu hiện ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 82.000 người chết. Italy đang là vùng dịch chết chóc nhất thế giới với hơn 17.000 ca tử vong, gấp hơn 5 lần so với Trung Quốc.
"Dịch bệnh cứ leo thang từng bước và tôi nghĩ đó là do họ không xử lý tốt ngay từ đầu. Nếu chính quyền chú ý đến Covid-19 nhiều hơn, nó sẽ không bao giờ để lại hậu quả như hiện nay", Long nói.
Vào lúc cao điểm, có tới khoảng 5.000 thi thể chờ hoả táng tại một nhà tang lễ ở Vũ Hán. Một nhân viên tại đây cho biết ca làm việc của anh bắt đầu 5h30 sáng cho tới tối muộn.
Chợ hải sản ở Vũ Hán, địa điểm bị nhiều chuyên gia nghi là nơi khởi phát nCoV, hiện vẫn phong toả và cảnh sát thường xuyên tuần tra ở khu vực. Nguồn gốc của Covid-19 đang là vấn đề gây tranh cãi khi Trung Quốc từng tố quân đội Mỹ "mang nCoV đến Vũ Hán".
"Có rất nhiều tin đồn rằng sự lây nhiễm đã xảy ra trong Thế vận hội quân sự thế giới năm ngoái", Cheng Yong, 30 tuổi, một thợ làm tóc cho biết. "Có thể là từ khách du lịch nước ngoài. Bạn thấy đấy, bây giờ người Trung Quốc không ra nước ngoài, nhưng số ca nhiễm nCoV bên ngoài Trung Quốc cao hơn rất nhiều".
Bên cạnh những lo ngại về số ca nhiễm nCoV được báo cáo, nhiều người lại khẳng định rằng dịch bệnh chắc hẳn đã được kiểm soát hoàn toàn khi chính phủ tự tin dỡ lệnh phong toả. Rất nhiều ý kiến ca ngợi cách chính phủ Trung Quốc xử lý ổ dịch.
"Bây giờ cả thế giới đang đối phó với loại virus này và chỉ có Trung Quốc thành công. Chúng tôi thật sự phải cảm ơn Đảng và nhà nước", Cai Yao, 34 tuổi, một cư dân khác ở Vũ Hán cho biết.
Tuy nhiên, các hạn chế ở Vũ Hán vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Các tuyến giao thông đang dần nối lại, song mọi người phải có mã số y tế "xanh", chứng nhận tình trạng sức khỏe tốt, để vào các khu vực công cộng. Nhiều khu dân cư cũng tiếp tục áp đặt các hạn chế của riêng mình.
Các khách sạn được dùng làm trung tâm cách ly và bệnh viện dã chiến 1.000 giường vẫn tiếp tục được sử dụng. Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ cùng lực lượng cảnh sát vẫn xuất hiện liên tục ở khu vực này.
Ngoài khẩu trang cần thiết, một số cư dân vẫn mặc bộ đồ bảo hộ kín mít khi ra đường. Đôi khi họ tự chế ra những đôi bọc giày bằng vải, đeo thêm găng tay hoặc trùm áo mưa bên ngoài.
"Tôi vẫn còn một chút lo lắng và sợ hãi. Dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, vẫn còn rủi ro có thể bị nhiễm virus", Song Huangqin, 20 tuổi cho biết. Ở khu nhà của cô, mọi người chỉ được phép ra ngoài hai tiếng mỗi ngày dù toàn thành phố đã dỡ lệnh phong toả.
Khuyến cáo về các biện pháp phòng chống Covid-19 vang lên khắp mọi nơi, bao gồm cả trên hệ thống GPS: "Hãy hạn chế tụ tập, rửa tay thường xuyên và luôn đeo khẩu trang".
Với một số người Vũ Hán, đợt bùng phát thứ hai của đại dịch này là điều họ không thể chịu nổi.
"Chẳng còn khả năng nào khác. Tôi nghĩ chúng ta nên tin vào chính phủ", người đàn ông họ Zhang, 40 tuổi, đang tận hưởng không khí bên ngoài sau hơn 70 ngày trong nhà, chia sẻ.
Ngọc Ánh (Theo Telegraph)