Sáng nay, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội công bố nội dung luận tội, nêu quan điểm với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 20 bị cáo và kêu oan của một bị cáo trong phiên phúc thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu".
Hoàng Văn Hưng, 43 tuổi, cựu trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, bị dẫn giải tới tòa song không có mặt ở phòng xử án. Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc công ty Bluesky, cũng không xuất hiện ở hàng ghế bị cáo.
VKS đánh giá bị cáo Hưng có tình tiết giảm nhẹ mới là "nhận tội, nộp lại tiền khắc phục hậu quả, có hai bác ruột là liệt sĩ".
Tại phiên phúc thẩm, cựu điều tra viên 43 tuổi nói ban đầu kháng cáo kêu oan song sau thời gian dài suy nghĩ đã thay đổi sang xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo thấy "có trách nhiệm" khi để xảy ra sai phạm trong vụ án này và sẽ "tôn trọng mọi phán quyết của tòa".
Bị cáo Hưng xin được vắng mặt trong quá trình xét xử, tuyên án bởi đang phải điều trị tiền đình. Tòa ghi nhận Hưng đã nộp khắc phục đủ hơn 18 tỷ đồng bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
>> Chi tiết mức án VKS đề nghị với 21 người kháng cáo
Với cựu thư ký thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên, VKS ghi nhận bị cáo đã được gia đình nộp khắc phục nốt 450 triệu đồng, hoàn thành nghĩa vụ khắc phục hậu quả, tổng cộng hơn 42,6 tỷ đồng. Trước việc gia đình nộp nhiều thư, giấy chứng nhận tích cực tham gia các chương trình từ thiện của bị cáo Kiên, VKS đánh giá cựu thư ký này đã nhận hối lộ số tiền "đặc biệt lớn", còn chủ động "vòi vĩnh, mặc cả, gây khó khăn, buộc doanh nghiệp đưa tiền", phạm tội nhiều lần.
Cơ quan công tố cho rằng cấp sơ thẩm đã xét nhiều tình tiết giảm nhẹ khi tuyên bị cáo Kiên án chung thân (khung hình phạt truy tố tới tử hình). Do đó, tại phiên sơ thẩm, VKS không có căn cứ để giảm thêm hình phạt, đề nghị giữ nguyên án chung thân.
Tuy nhiên, VKS kiến nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu xin giải tỏa kê biên và dỡ lệnh tạm dừng giao dịch với 2 bất động sản của bị cáo Kiên.
Ba cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao đều được VKS đề nghị giảm án, trong đó, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng được đề nghị giảm 3-4 năm (án sơ thẩm 16 năm), cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan được đề nghị giảm từ chung thân xuống 20 năm, cựu cục phó Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng được VKS đề nghị giảm 2-3 năm (án sơ thẩm 12 năm).
Theo VKS, những bị cáo này đã đưa ra được nhiều tình tiết giảm nhẹ mới: Thành tích trong công tác của cá nhân và gia đình. Ông Dũng và Tùng được VKS ghi nhận đã hoàn thành đủ và thừa nghĩa vụ khắc phục hậu quả số tiền nhận hối lộ, (ông Dũng 21,5 tỷ đồng, ông Tùng 12 tỷ đồng).
Vợ ông Dũng do đó cũng được VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo về phần tài sản bị kê biên, trả lại các tài sản này.
Bà Lan ở phiên sơ thẩm mới nộp 1,2 tỷ đồng trong 25 tỷ đồng đã nhận hối lộ, song tại tòa phúc thẩm bà cho hay toàn bộ tài sản có giá trị đã được kê biên (2 bất động sản và ôtô, cổ phiếu, trái phiếu...) và "không còn tài sản" để khắc phục thêm.
VKS đánh giá bà Lan nhận hối lộ song không vòi vĩnh do đó mức độ nguy hiểm "thấp hơn bị cáo Kiên", gia đình có truyền thống cách mạng. Với phân tích trên, cơ quan công tố đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm án của bà Lan.
Với hai cựu cán bộ cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, VKS chỉ chấp nhận kháng cáo của Vũ Sỹ Cường, do khắc phục thêm 1,1 tỷ đồng. Ông Cường được đề nghị giảm 9-12 tháng tù, án sơ thẩm 9 năm tù.
Cựu trưởng phòng tham mưu Vũ Anh Tuấn, là một trong 4 người lĩnh án cao nhất phiên sơ thẩm (chung thân), dù khắc phục thừa số tiền 27 tỷ đồng bị cáo buộc nhận hối lộ, song VKS đánh giá tòa sơ thẩm đã "tuyên mức án phù hợp" nên đề nghị bác kháng cáo. Tuy nhiên, VKS vẫn đề nghị chấp nhận giải phong tỏa giao dịch các cổ phiếu của Tuấn, trả lại cho gia đình.
Người cuối cùng trong nhóm 6 bị cáo Nhận hối lộ, ông Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, được VKS đề nghị giảm một năm tù (án sơ thẩm 6 năm) vì nộp lại hết 5 tỷ đồng nhận hối lộ. Ông Tân cũng được thôn, xã, đồng nghiệp... viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Với hai cựu cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia là Nguyễn Hoàng Linh và Đặng Minh Phương, VKS nhận thấy đều có những tình tiết mới như được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, đã nộp tiền khắc phục. VKS đề nghị cho bị cáo Linh hưởng 30 tháng tù treo (sơ thẩm 30 tháng tù) và Phương 18 tháng tù treo (sơ thẩm 30 tháng tù), cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại nhóm Đưa hối lộ, Tổng giám đốc Bluesky Lê Hồng Sơn (sơ thẩm 10 năm) và Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hằng (sơ thẩm 11 năm) cùng được VKS đề nghị giảm 12-18 tháng tù.
Ông Sơn và bà Hằng bị cáo buộc đưa hối lộ nhiều nhất vụ án với 63 lần, tổng cộng hơn 38 tỷ đồng để được phê duyệt 109 chuyến bay. Trung bình mỗi chuyến bay Blue Sky hối lộ 353 triệu đồng. Với lượng khách bình quân 251 người một chuyến, mỗi khách "gánh" thêm 1,4 triệu đồng cho giá vé.
Các bị cáo khác được giảm từ 2 đến 12 tháng tù. Duy nhất, bị cáo Hoàng Diệu Mơ bị bác kháng cáo.
Nội dung vụ án thể hiện, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép tổ chức các chuyến bay combo người dân tự trả phí vé máy bay và cách ly. Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố, nơi thực hiện cách ly. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
54 bị cáo bị xét xử, trong đó có 21 cựu cán bộ các bộ ngành, địa phương, chủ yếu vì tội Nhận hối lộ, với "kỷ lục" đưa nhận hối lộ 515 lần, tổng 165 tỷ đồng. Cấp sơ thẩm đã tuyên 4 án tù chung thân, 40 án tù có thời hạn và 10 án treo.
Trong 33 người không kháng cáo có cựu trợ lý phó thủ tướng Nguyễn Quang Linh, án sơ thẩm 7 năm tù; cựu phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng, án sơ thẩm 3 năm tù; hai cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và Angola, ông Vũ Hồng Nam và Vũ Ngọc Minh, cùng 30 tháng tù... Các cựu quan chức này đều bị kết tội Nhận hối lộ.
Thanh Lam - Phạm Dự