Chiều 26/12, ngày làm việc thứ hai của phiên phúc thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" tại TAND Cấp cao, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, không có mặt ở phòng xử án dù được áp giải đến tòa.
Thay mặt 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Hưng, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cảm ơn VKSND Cấp cao đã đề nghị giảm án cho thân chủ từ chung thân xuống 20 năm tù. Song theo luật sư, án tù này so với tính chất phạm tội của Hưng và các tình tiết giảm nhẹ vẫn còn "quá nặng, quá nghiêm khắc".
Ông Hưng, 43 tuổi, bị cáo buộc khi không còn là điều tra viên của vụ án "chuyến bay giải cứu" vẫn đưa thông tin gian dối để lừa 800.000 USD tiền "chạy án" của bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky), thông qua "môi giới" của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.
Luật sư bào chữa rằng việc bị cáo Hưng gặp bà Hằng "xuất phát từ trách nhiệm của người chiến sĩ công an muốn lập công, phá án", bằng cách hướng dẫn người phạm tội ra tự thú. Khi tự bào chữa tại phiên sơ thẩm, ông Hưng từng nói "nhận thấy vận động được bà Hằng ra đầu thú sẽ giúp ích nhiều cho Cơ quan An ninh nên mới tiếp xúc. Bị cáo làm tất cả chỉ vì công việc chung", bà Trang trình bày.
Thứ hai, theo luật sư, thân chủ vướng lao lý còn do "cả nể". Bà Hằng và bị cáo không quen biết song ông Tuấn gọi điện thoại nói có "em gái" xã hội đang liên quan vụ án Hưng điều tra. Ông Tuấn nhiều lần "thiết kế" các cuộc gặp riêng giữa ba người tại nhà riêng. Theo lời khai của Hưng tại phiên sơ thẩm, tại đây Hưng "chỉ vận động, hướng dẫn Hằng tự thú để được khoan hồng".
Luật sư của bị cáo Hưng cho rằng khi vụ án được mở rộng, có diễn biến mới, thân chủ đáng lẽ ngừng việc gặp Hằng và nói quan điểm cho người "môi giới" là ông Tuấn biết. "Do ông Tuấn là người có ơn với mình, Hưng muốn đền ơn nghĩa, không thể chối từ nên không kịp dừng đúng lúc. Khi ông Tuấn gọi đến nhà để gặp Hằng, Hưng lại vẫn đến", luật sư Trang nêu quan điểm bào chữa.
Cả 4 người liên quan hành vi "lừa đảo chạy án" trong sáng nay đã được VKSND Cấp cao đề nghị giảm án. Trong số này, duy nhất ông Tuấn không kháng cáo (án sơ thẩm 5 năm tù) song cơ quan công tố vẫn đề nghị giảm 6-12 tháng tù "để thể hiện tính khoan hồng, công bằng".
Cựu cục trưởng Lãnh sự: Tiền hối lộ dùng mua trái phiếu, chứng khoán
Chiều nay, khi tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, mong HĐXX đánh giá về "ý thức khắc phục hậu quả" của mình. Ban đầu, bà nghĩ có thể dùng các tài sản đang bị kê biên để khắc phục nhưng khi được HĐXX giải thích mới hiểu "cần khắc phục nhanh, nhiều nhất có thể" để hưởng khoan hồng.
Bà nói là trụ cột chính của gia đình, các tài khoản, tài sản đều do mình đứng tên và hiện bị kê biên nên không còn tài sản nào khác. Sau ngày xét xử đầu tiên, hôm qua, bà đã thông qua luật sư nhờ bạn bè ủng hộ được 5 tỷ đồng để nộp thêm khắc phục. Chứng từ về việc nộp thêm này đã được luật sư xuất trình chủ tọa.
Trước việc bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ của 8 đại diện doanh nghiệp, tổng cộng 25 tỷ đồng, bà Lan phân trần nghĩ nhận tiền "cảm ơn" của doanh nghiệp là bình thường sau khi giúp đỡ họ làm xong công việc. Chỉ khi bị bắt, bà mới nhận thức được việc nhận quà, tiền này là sai. Bà khai phần lớn tiền nhận hối lộ dùng mua chứng khoán, trái phiếu, số còn lại dùng chi tiêu cá nhân. Từ khi bà vướng lao lý, các tài khoản đều bị phong tỏa nên tiền đầu tư cũng "kẹt" trong đó.
Sáng nay, bà Lan được VKS đề nghị giảm từ chung thân xuống 20 năm tù. Ở phiên sơ thẩm, cựu cục trưởng đã nộp 1,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cũng được VKS đề nghị giảm 3-4 năm (án sơ thẩm 16 năm). Đứng trước bục bị cáo nói lời tự bào chữa, ông Dũng nhiều lần bày tỏ mong muốn được hưởng mức án khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
Tranh luận thay thân chủ, luật sư Lê Thành Kính nói "biết ơn VKS" khi đã nhìn thấu đáo để đề nghị giảm án cho cựu thứ trưởng. Cho rằng ông Dũng có nhiều đóng góp cho ngành ngoại giao, nhận nhiều bằng khen, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở và ngay từ khi bị bắt đã thành khẩn khai báo, luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc thêm để giảm nhẹ tiếp hình phạt.
Là một trong 5 người bị VKS đề nghị bác kháng cáo, Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nói "đã bị chỉ trích rất nhiều từ dư luận" nên mong được mức án "khách quan, công bằng". Ông Kiên cho hay đã "từ bỏ sự tham lam về vật chất" để vận động gia đình khắc phục hết hậu quả.
Bị cáo khai ngoài số tiền bị cơ quan điều tra chứng minh, còn chủ động khai báo về "số tiền nhận của khách lẻ". Từ đây, vụ án cũng làm được sáng tỏ hơn nên bị cáo mong tòa xem xét việc này là tình tiết "lập công chuộc tội".
Bào chữa cho Kiên, luật sư Trần Hoài Văn mong HĐXX áp dụng cho thân chủ chính sách khoan hồng đặc biệt theo Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Các lý do luật sư đưa ra là Kiên thành khẩn khai báo, chủ động khắc phục toàn bộ tiền nhận hối lộ, chỉ ra cho cơ quan điều tra các đồng phạm đang lẩn trốn, khai về nơi cất giấu vật chứng.
Tại bản luận tội công bố sáng nay, với 21 người kháng cáo, VKS chấp nhận đơn xin giảm hình phạt của 16 người. Cụ thể, hai trong số bốn người bị tòa sơ thẩm tuyên chung thân được VKS đề nghị giảm xuống án 20 năm tù là cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu cục phó Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng và cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đều được VKS đề nghị giảm 9 tháng đến 4 năm tù. Phần lớn bị cáo là chủ doanh nghiệp được xét giảm nhẹ.
5 người bị VKS đề nghị bác kháng cáo là: Phạm Trung Kiên; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an (án sơ thẩm tù chung thân); Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Hòa (án sơ thẩm 18 năm tù); Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình (án sơ thẩm 7 năm tù) và Phạm Bích Hằng (án 20 tháng tù).
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Thanh Lam - Phạm Dự